MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú “tay không bắt sói”: Từ sinh viên nghèo, "lục thùng rác" kiếm sinh hoạt phí trở thành người giàu nhất một tỉnh, 49 tuổi phá sản, 62 tuổi nỗ lực tái sinh

15-02-2023 - 23:59 PM | Sống

Tỷ phú “tay không bắt sói”: Từ sinh viên nghèo, "lục thùng rác" kiếm sinh hoạt phí trở thành người giàu nhất một tỉnh, 49 tuổi phá sản, 62 tuổi nỗ lực tái sinh

Tháng 1 năm 2022, Lan Thế Lập đứng trước Hoàng Hạc lâu cảm thấy vô cùng xúc động vì cuối cùng cũng được trả tự do sau 879 ngày ở trong tù. sniNgười đàn ông từng giàu nhất Hồ Bắc lúc này đã 62 tuổi.

Trước đây ông đã kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như điện tử, ẩm thực, du lịch, và thậm chí là hàng không, trải qua những thành công và cả những thất bại.

Ngày 25 tháng 5, Lan Thế Lập chính thức nộp đơn lên Nhà nước đòi bồi thường 502.200 NDT, tuyên bố bắt đầu khởi nghiệp lại, hạng mục kinh doanh sẽ được sớm công bố trong thời gian tới.

Lan Thế Lập khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng năm 1991 và mất 15 năm để tạo ra giá trị tài sản 2,4 tỷ NDT, trở thành người giàu nhất tỉnh Hồ Bắc. Nhưng chỉ sau 3 năm, ông từ đỉnh cao sự nghiệp trở thành một tù nhân. Vậy chuyện gì đã khiến ông từ một người quyền lực, đứng vững như một toà nhà cao tầng lại sụp đổ hoàn toàn như vậy? Bây giờ khởi nghiệp trở lại, liệu ông ấy có thể tái sinh hay không?

Tỷ phú “tay không bắt sói”: Từ sinh viên nghèo, lục thùng rác kiếm sinh hoạt phí trở thành người giàu nhất một tỉnh, 49 tuổi phá sản, 62 tuổi nỗ lực tái sinh - Ảnh 1.

Chàng trai nghèo lập nghiệp từ hai bàn tay trắng

Lan Thế Lập sinh năm 1960, là con út trong một gia đình bình thường ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ông có ba anh trai và một chị gái. Cha là một nhân viên bán hàng ở một cửa hàng nhỏ thuộc hệ thống thương mại. Công việc tuy rằng ổn định, nhưng thu nhập lại rất thấp, vì vậy mà cuộc sống của một gia đình đông con này cũng rất chật vật. Cả gia đình phải chen chúc nhau trong một ăn nhà được cải tạo từ chuồng lợn, hễ mưa xuống thì bị dột nước, cảnh “bụng đói, cật rét” là chuyện hàng ngày. 

Cậu bé Lan Thế Lập khi trong cảnh nghèo khó ấy, trong lòng chỉ có một lý tưởng rằng lớn lên nhất định sẽ kiếm thật nhiều tiền. Cậu bé ấy còn hiểu rằng, muốn kiếm được tiền thì trước tiên phải học.

Năm 1981, cha ông tuổi cũng đã cao và sắp phải nghỉ hưu. Vào thời điểm đó, người cha sẽ về hưu khi có một đứa con có thể thay thế mình gánh vác việc cơ quan, đứng lên chăm lo cho gia đình, cha ông đã mang cơ hội thay đổi vận mệnh duy nhất này trao cho Lan Thế Lập. Điều này đã khiến cho người anh cả Lan Hoành Vọng nổi lên lòng thù ghét đối với em trai.

Càng kỳ lạ hơn là, Lan Thế Lập mới đi làm không lâu đã từ chức một công việc có mức thu nhập ổn định mà Lan Hoành Vọng có muốn cũng không được. Anh ta cực kỳ tức giận mà mắng chửi em trai mình một trận. Nhưng Lan Thế Lập vẫn một lòng quyết tâm, không vì đó mà lung lay. Không chỉ với anh trai, mà mối quan hệ với gia đình cũng dần rạn nứt vì chuyện này.

Sau khi nghỉ việc, ông lao vào việc học, đến năm 26 tuổi ông thi đậu vào trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố Vũ Hán. Sau đó được tiến cử đến lớp chuyên ở trường Đại học Vũ Hán với thành tích xuất sắc.

Tỷ phú “tay không bắt sói”: Từ sinh viên nghèo, lục thùng rác kiếm sinh hoạt phí trở thành người giàu nhất một tỉnh, 49 tuổi phá sản, 62 tuổi nỗ lực tái sinh - Ảnh 2.

Trường Đại học Vũ Hán

Lan Thế Lập lên đại học vẫn còn sống trong cảnh chạy ăn từng bữa, ông luôn nung nấu ý chí muốn thay đổi tất cả. Một buổi sáng nọ, Lan Thế Lập phát hiện vài cái vỏ chai kem đánh răng nằm dưới đất ở phòng tắm của trường. Vỏ chai kem đánh răng thời đó đều được làm từ nhôm, đem bán cho khu phế phẩm mỗi cái được một xu.

Ông như nhìn thấy ánh sáng chiếu trước mắt, bánh màn thầu bán ở căn tin trường mỗi cái cũng một xu, vậy là một chiếc vỏ chai kem đánh răng có thể đổi được một cái màn thầu. Nếu ông thu gom tất cả các vỏ kem đánh răng này lại thì chẳng phải vấn đề chi phí sinh hoạt sẽ được giải quyết sao?

Lần đầu tiên ông nhìn thấy được hy vọng thay đổi vận mệnh của mình. Vậy là, Lan Thế Lập đã phớt lờ đi ánh nhìn kỳ lạ của các bạn cùng lớp, điên cuồng lục lọi trong các thùng rác để tìm vỏ chai kem đánh răng vào những lúc rảnh rỗi. Nhờ vào những vỏ kem đánh răng mà ông được ăn bánh màn thầu và không phải chịu cảnh thiếu ăn thiếu mặc như trước đây nữa.

Thu được quả ngọt đầu tiên từ việc kiếm tiền, ông quyết định mở rộng thị trường, mở rộng phạm vi nhặt vỏ kem đánh răng ra khắp tất cả các trường đại học ở Vũ Hán. Trong một tuần ông nhặt được 100 vỏ kem đánh răng và đổi được tiền đủ dùng chi tiêu cho sinh hoạt trong nửa tháng. Cứ như vậy, ông dựa vào công việc nhặt vỏ kem đánh răng mà tự nuôi mình hết Đại học, làm cơ sở vững chắc để kiếm ra những đồng tiền đầu tiên trong tương lai.

Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Đại học, Lan Thế Lập trở thành nhân viên Nhà nước. Khi gia đình nghĩ rằng ông sẽ không gây rắc rối nữa, thì ông lại một lần nữa từ bỏ công việc này và tuyên bố đi theo sự nghiệp kinh doanh.

Lần đầu bước vào con đường kinh doanh, ông đã bộc lộ đầu óc nhạy bén của mình. Không có vốn để kinh doanh, ông đã huy động tất cả bạn bè thân thiết, gom góp được một nghìn NDT và thành lập Công ty Điện tử Dongxing.

Sau đó, ông đến trường Đại học Vũ Hán, thuê một mặt bằng nhỏ ở trước cửa trường, mua thêm một chiếc máy tính và một chiếc máy in. Tiếp theo, ông đi khắp các lớp tốt nghiệp ở trường, dùng thân phận đàn anh “đánh đòn tâm lý” vào các đàn em cùng trường để thu hút các khách hàng tiềm năng, giúp cho việc kinh doanh của mình.

Tiệm in ấn của ông ngày càng có tiếng, vào những lúc đạt doanh thu cao nhất có thể kiếm được hơn một nghìn tệ mỗi ngày. Trong một năm, ông dùng máy tính đánh chữ thuê cũng kiếm được hơn 20 vạn tệ, thành công kiếm được “hũ vàng” thứ hai.

Có được vốn liếng, công việc kinh doanh ở cửa hàng in ấn nhỏ bé không còn làm hài lòng ông nữa, Lan Thế Lập chuyển sang bán máy tính, nhanh chóng trở thành đại lý của IBM ở khu vực Hoa Đông, Trung Quốc. Năm 1991, ông bán được 3000 chiếc máy tính, lần này ông kiếm được hơn 10 triệu tệ, hoàn tất đợt tích lũy vốn đầu tiên.

Năm 1992, ông khai trương nhà hàng đầu tiên mang tên “Đông Cung”. Chỉ cần nghe tên thôi người ta đã biết nó sang trọng như thế nào rồi. Nhà hàng này chiếm diện tích hơn 600 mét vuông, doanh thu mỗi ngày đạt 200 nghìn tệ. Vào giờ ăn tối, mỗi bàn có thể tiếp tới ba lượt khách. Không nằm ngoài dự liệu của Lan Thế Lập, nhà hàng “Đông Cung” hoạt động mới một năm đã lãi được hơn 10 triệu tệ.

Tỷ phú “tay không bắt sói”: Từ sinh viên nghèo, lục thùng rác kiếm sinh hoạt phí trở thành người giàu nhất một tỉnh, 49 tuổi phá sản, 62 tuổi nỗ lực tái sinh - Ảnh 3.

Nhà hàng “Đông Cung”

Đạt được những thành công nhất định, ông bắt đầu đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, Công ty Bất động sản Dongsheng và Hãng hàng không Dongxing Airlines ra đời. Năm 2005, Lan Thế Lập xếp thứ 70 trong danh sách những người giàu nhất của tạp chí Forbes, cũng là người đầu tiên ở Hồ Bắc góp mặt trong danh sách top 100.

Tỷ phú “tay không bắt sói”: Từ sinh viên nghèo, lục thùng rác kiếm sinh hoạt phí trở thành người giàu nhất một tỉnh, 49 tuổi phá sản, 62 tuổi nỗ lực tái sinh - Ảnh 4.

Trong khi thành công của ông khiến người khác ngưỡng mộ không thôi, thì người anh trai Lan Hoành Vọng của ông đang rơi vào cảnh khốn khổ vì không tìm được việc làm. Nghĩ đến thành công của em trai, ông khởi lên suy nghĩ muốn khởi nghiệp. Sau khi xem xét qua dự án, cần phải chi 100 nghìn tệ để mua một chiếc xe nâng, vậy là ông tìm đến người em trai giàu có của mình để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Ông hào hứng đến bày tỏ kế hoạch của mình với em trai, cùng với ánh mắt đầy sự kỳ vọng, nhưng không ngờ Lan Thế Lập dứt khoát nói không cho vay. Ông nghe xong ngơ ngác nhìn người em trai đang ở trước mặt, một hồi lâu mới định thần lại được. Ông hoàn toàn không ngờ em trai lại vô tình như vậy, ông vô cùng tức giận, chỉ vào Lan Thế Lập mắng mỏ một trận rồi giận dữ bỏ đi.

Sau khi trở về nhà, Lan Hoành Vọng không thể hiểu tại sao em trai mình, một người có khối tài sản 2 tỷ NDT lại không chịu cho anh trai mượn 100 nghìn NDT chứ. Để loại bỏ bực tức trong lòng, Lan Hoành Vọng đã tìm đến giới truyền thông và tiết lộ sự vô tình vô nghĩa của em trai mình. Điều mà không ngờ tới chính là, hành động của ông đã vạch trần tình hình tài chính của Lan Thế Lập. Ngay lập tức, tin tức về Lan Thế Lập đã lan truyền đi khắp nơi: ông ấy đang nợ nần chống chất và sắp phá sản.

Đối mặt với tin đồn, Lan Thế Lập giải thích với truyền thông rằng: “Tiền không phải là vấn đề với tôi, tôi không cho anh ta mượn tiền là vì anh ấy sớm thừa nước đục thả câu làm tổn thương tôi. Vào những ngày đầu tôi lập nghiệp cũng thiếu vốn, anh ta không những không cho tôi mượn tiền mà còn lấy đi căn nhà của tôi với giá cực thấp”.

Nhưng bất luận Lan Thế Lập có giải thích như thế nào, người ta vẫn cho rằng tình hình tài chính của ông nhất định đang gặp khủng hoảng, sau đó không có tổ chức nào đồng ý cho ông vay tiền nữa. Điều càng khiến cho Lan Hoành Vọng không ngờ tới chính là số tiền 100 nghìn tệ này lại đẩy em trai rơi xuống vực sâu.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, chi phí cho hoạt động kinh doanh quá cao gây ảnh hưởng nặng nề cho các hãng hàng không tư nhân, dẫn đến tuyên bố bị mua lại hoặc hợp nhất vào Nhà nước, chuỗi nguồn vốn của Dongxing Airlines cũng gặp căng thẳng chưa từng có.

Lan Thế Lập trước nay chưa từng trải qua thất bại, giờ như một kẻ điên đi khắp nơi kiếm tiền, thậm chí đi vay nặng lãi để cố cứu lấy Dongxing Airlines. Nhưng dù ông có cố gắng thế nào, nguồn vốn của Dongxing Airlines cũng đã bị cắt đứt hoàn toàn. Năm 2009 ông tuyên bố phá sản, đồng thời chấm dứt cuộc đời huy hoàng của Lan Thế Lập ở Hồ Bắc.

Tự cứu mình thoát khỏi tù tội

Tỷ phú “tay không bắt sói”: Từ sinh viên nghèo, lục thùng rác kiếm sinh hoạt phí trở thành người giàu nhất một tỉnh, 49 tuổi phá sản, 62 tuổi nỗ lực tái sinh - Ảnh 5.

Từ sự thất bại của Dongxing Airlines, hoạt động kinh doanh bất động sản, du lịch, ẩm thực,... đồng thời cũng gặp cảnh khó khăn không kém, đế chế Dongxing do một tay Lan Thế Lập tạo ra nay đã sụp đổ hoàn toàn. Năm 2009, ông bị kết án 4 năm tù vì tội trốn thuế 50 triệu NDT, nhân vật lừng lẫy danh tiếng một thời giờ đây vướng vào vòng lao lý.

Trong khoảng thời gian này, ông bắt đầu điên cuồng tự cứu lấy mình, nhờ gia đình liên tục thanh minh với truyền thông, đồng thời còn viết một bộ tự truyện mang tên “Mười tám năm Dongxing”. Câu chuyện của ông đã dành được nhiều sự đồng cảm của các ông lớn khác, nhiều người từng đến trại giam thăm ông.

Ngày 7 tháng 8 năm 2013, Lan Thế Lập được ra tù sớm, hít một hơi thật sâu để cảm nhận mùi vị của sự tự do. Sau khi ra tù, ông lần lượt đến thăm Vương Thạch, Trần Đông Thăng và Lôi Quân để tìm kiếm nguồn lực cho sự trở lại lần này của mình. Tháng 9 năm 2014 ông thông báo trên Weibo sẽ khởi nghiệp trở lại.

Trong lần khởi nghiệp này, ông quyết định đứng lên tại nơi mình vấp ngã. Ông lại chọn lĩnh vực hàng không, một lần nữa đưa bản thân tới nơi đầu sóng ngọn gió, trở thành kẻ trốn chạy khỏi lệnh truy nã quốc tế. Lần này ông chuyển sang thị trường hàng không quốc tế, lúc này hãng hàng không Siam Airlines của Thái Lan đang lâm vào khủng hoảng, việc này đã giúp ông nhìn thấy được cơ hội. Ông nhanh chóng mua lại Siam Airlines và cất cánh thành công bốn chiếc máy bay trong vòng một năm, không những biến lỗ thành lãi mà còn kiếm được một hai trăm triệu tệ.

Tỷ phú “tay không bắt sói”: Từ sinh viên nghèo, lục thùng rác kiếm sinh hoạt phí trở thành người giàu nhất một tỉnh, 49 tuổi phá sản, 62 tuổi nỗ lực tái sinh - Ảnh 6.

Giấc mơ hàng không của ông lại được thắp lên hy vọng, ông dự định mua lại Taitung Airlines để mở rộng quy mô. Năm 2015 ông đạt được thỏa thuận mua lại với ba anh em họ Lý tập đoàn Maiquer Tân Cương. Tuy nhiên, không lâu sau khi hợp tác, ba anh em đã kiện ông lên Cục Công an Quảng Châu, nói ông Lan đã lợi dụng hợp đồng để lừa 350 triệu NDT để mua cổ phần của Taitung Airlines. Do liên quan đến số tiền lớn, ông bị Cục Công an Quảng Châu điều tra và không được phép rời khỏi Quảng Châu trong thời gian này. Lan Thế Lập trong lúc bốc đồng đã trốn sang Singapore, sau khi Cục Công an Quảng Châu phát hiện đã lập tức đưa lệnh truy nã quốc tế, trở thành đối tượng bị truy nã của Cảnh sát quốc tế. Hai năm sau, ông bị bắt ở Singapore và bị áp giải về Trung Quốc, lần lượt bị giam giữ tại trại giam số 1 và số 3 tại Quảng Châu, bắt đầu lại cuộc sống trong tù thêm lần nữa.

Lan Thế Lập bị tạm giam hai năm, tổng cộng 897 ngày, tháng 1 năm 2022 được tuyên trắng án và trả tự do. Trong hai năm qua ông không nhận tội, ông thuê 13 luật sư, viết 8 bản tự bào chữa gửi lên Viện kiểm sát, còn 6 bản để gửi cho Tòa án. Ông đã bốn năm lần ra vào trại giam, thật ra trong thâm tâm ông đã từng tự hoài nghi có phải bản thân đã sai hay không. Tuy nhiên, ông vẫn chọn tin tưởng bản thân mình vô tội.

Trước sự kiên quyết của ông, ngày 20 tháng 12 năm 2021, Tòa án Trung cấp Quảng Châu đã tuyên bố ông vô tội và trả cho ông tự do sau hơn 800 ngày bị giam giữ.

Tỷ phú “tay không bắt sói”: Từ sinh viên nghèo, lục thùng rác kiếm sinh hoạt phí trở thành người giàu nhất một tỉnh, 49 tuổi phá sản, 62 tuổi nỗ lực tái sinh - Ảnh 7.

"Đại bàng" tái sinh

Trong suốt sự nghiệp kinh doanh của Lan Thế Lập, thành công của ông tựa như một huyền thoại, như thật mà cũng như ảo. Cuộc đời của ông lại như một bộ phim truyền hình, đầy những thăng trầm. Trong thời kỳ cải cách mở cửa, ông đã trải qua hầu hết các ngành nghề, từ nhân viên văn phòng đến bán máy tính, từ ẩm thực cho đến bất động sản,... 

Nhưng ông luôn thích mở rộng kinh doanh trong mù quáng, thay đổi địa điểm liên tục, dẫn đến cuối cùng cũng không có cho mình một trụ sở cố định nào để có thể đối mặt với những khủng hoảng bất ngờ. Vì vậy mà thành công và thất bại chỉ cách nhau trong nháy mắt.

Giờ đây, ông đường hoàng bước đi dưới ánh mặt trời, tuy là lúc trắng tay nhưng ông không có vẻ gì chán chường. Ông lại quy về nơi huy hoàng năm xưa, cảm thán về sự trở lại của mình. Thành công và thất bại của ông, có người xem như là chuyện kinh thiên động địa, có người cho rằng ông là người “tay không bắt sói”, nhưng từ lâu ông đã không để ý đến những điều này nữa rồi.

Còn Lan Thế Lập có thể tái sinh hay không hãy để cho thời gian minh chứng.

Hoa Thu

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên