Tỷ phú Trần Đình Long ghét chuyện "con ông cháu cha", vậy thiếu gia nhà vua thép này đang làm gì?
"Tôi rất ghét chuyện con ông cháu cha. Con tôi muốn làm cũng phải từ nhỏ mà lên, chứ không thể nghiễm nhiên ngồi ngay vào vị trí cao cấp”, là nguyên tắc mà chủ tịch Hòa Phát, tỷ phú Trần Đình Long đề ra.
- 19-01-2023Cập nhật BCTC quý 4 tối 19/01: Hải Phát Invest giảm lãi 73%, Eximbank tăng 121%, Hòa Phát lỗ 2.000 tỷ đồng
- 19-01-2023Hòa Phát lỗ kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022
- 18-01-2023Hòa Phát nộp ngân sách 11.200 tỷ đồng năm 2022, những tỉnh nào hưởng lợi?
Những người yêu mến Hòa Phát đều biết lịch sử hình thành và phát triển hơn 30 năm qua của doanh nghiệp này. Năm 1992, ông Trần Đình Long cùng ông Trần Tuấn Dương và vài người bạn thành lập Công ty TNHH Thiết Bị Phụ Tùng Hòa Phát chuyên buôn đồ cũ từ Nga về. Đây là công ty đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát.
Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như Nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Trải qua hành trình hơn 30 năm, thế hệ F1 của Hòa Phát như Chủ tịch Trần Đình Long, Phó CT HĐQT Trần Tuấn Dương và những cộng sự đã cùng nhau đưa Hòa Phát trở thành "Vua Thép" với thị phần lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản 170.335 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 141.409 tỷ đồng (theo BCTC hợp nhất 2022).
Với mong muốn hòa hợp cùng phát triển và phải hài hòa tất cả từ lãnh đạo, cán bộ, công – nhân viên, đối tác, các đại lý phân phối cũng cho thấy, ngay từ đầu, Hòa Phát đã không phát triển theo xu hướng công ty gia đình.
Được biết, thế hệ thứ hai của Hòa Phát vẫn là những phó giám đốc, giám đốc tại các công ty con được đào tạo bài bản và gắn bó hơn chục năm nay. Còn con trai của những thành viên lãnh đạo Hòa Phát, nếu đủ độ chín, sẽ là thế hệ thứ ba tại Hòa Phát.
Và không như nhiều thiếu gia nghìn tỷ khác, con trai của ông Trần Đình Long cũng rất kín tiếng. Dư luận chỉ biết đến Trần Vũ Minh là con trai ông chủ Hòa Phát khi cá nhân này mua cổ phiếu HPG thuộc diện phải công bố thông tin.
Theo thông tin Hòa Phát công bố, tính đến 20/06/2022, Trần Vũ Minh đang nắm giữ 90.740.000 cổ phiếu , tương đương tỷ lệ sở hữu 1,56%.
Có thể thấy từ 2020 đến nay, số lượng cổ phiếu Trần Vũ Minh nắm giữ ngày một tăng.
Tại ngày 31/12/2020, Vũ Minh sở hữu 48 triệu cổ phiếu HPG, số lượng cổ phiếu tăng do mua trong kỳ.
Đến ngày 31/12/2021, Vũ Minh sở hữu 69,8 triệu cổ phiếu HPG, số lượng cổ phiếu tăng thêm 21,8 triệu do mua và nhận cổ tức 2020. Tháng 8 năm 2021, Trần Vũ Minh có một giao dịch thỏa thuận mua 5 triệu cổ phiếu từ ông Nguyễn Văn Kiểu.
Không nắm giữ vị trí trong thượng tầng của Tập đoàn Hòa Phát, Trần Vũ Minh đang là giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân có tên là Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong.
Công ty Đại Phong được thành lập năm 2016, ngành nghề kinh doanh chính là Hoạt động dịch vụ tài chính khác chưa được phân vào đâu (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội), có trụ sở đăng ký thuế tại số 12 Trần Hưng Đạo, Phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cũng theo thông tin Hòa Phát công bố, đến 20/06/2022, công ty Đại Phong đang nắm giữ 2.737.800 cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,05%. Với thị giá hiện tại, giá trị cổ phiếu HPG mà công ty Đại Phong đang nắm giữ khoảng hơn 54 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường