Tỷ phú Trần Đình Long nói về "cuộc đấu khẩu" của các doanh nghiệp tôn mạ: Nếu không có việc bán phá giá thì vẫn xuất nhập khẩu bình thường cơ mà, làm sao cứ phải nhảy 'cồ cồ' lên như thế?
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thẳng thắn cho rằng việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc là đúng đắn. Việc các doanh nghiệp tôn mạ phản ứng là "bỏ qua vấn đề chính, dựa vào những thứ nhỏ lẹ, lặt vặt để đánh lạc hướng dư luận".
Ngày 11/4, Tập đoàn Hòa Phát tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Tại Đại hội, một vấn đề nóng đã được đưa ra trao đổi đó là việc Hòa Phát và Formosa nộp đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (hot rolled coil - HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngay sau đó, các doanh nghiệp tôn mạ đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu không điều tra với lập luận rằng biên độ phá giá chỉ 1,26% trong khi Luật Quản lý ngoại thương quy định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp tôn mạ cho rằng hai doanh nghiệp sản xuất được HRC tại Việt Nam chiếm gần 80% thị phần HRC nội địa. Nếu thuế chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng, hai doanh nghiệp này sẽ độc quyền nguồn cung, dẫn tới việc tăng giá bán khiến giá bán thành phẩm tăng tương ứng. Ngành sản xuất tôn mạ, ống thép tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã dành ra tới 12 phút để giải đáp một cách tường tận, và đây cũng là câu hỏi được ông Long trả lời dài nhất, chi tiết nhất. Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn lời của vị doanh nhân này tại Đại hội cổ đông Tập đoàn Hòa Phát ngày hôm nay 11/4:
"Lượng thép nhập khẩu từ nước ngoài vào lớn quá. Thậm chí, nếu mà không có các biện pháp thì sẽ gây ra những mối nguy rất lớn đè bẹp sản xuất trong nước. Trên cơ sở các hành vi nhập khẩu một cách ồ ạt sản phẩm thép thì Hòa Phát và Formosa đã gửi kiến nghị chống bán phá giá.
Trước hết, tôi phải khẳng định là kiến nghị về việc điều tra chống bán phá giá là một kiến nghị rất bình thường. Nó xảy ra hàng ngày và thường xuyên tại nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể ở Việt Nam chúng ta cũng đang đối diện với rất nhiều quốc gia mà khi chúng ta xuất khẩu hàng vào thì gặp các hành vi điều tra chống bán phá giá.
Hiện nay chúng tôi đã gửi đơn và đang trong quá trình thẩm định của Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương. Trong quá trình họ thẩm định, chúng tôi cũng chờ đợi chứ không có gì để nói.
Tuy nhiên về quan điểm, phải nhìn cái tổng thể. Không có một nước nào chấp nhận việc trong nước đã đầu tư rất lớn để sản xuất thép, mà lại để cho nước ngoài nhập khẩu ồ ạt với số lượng thậm chí còn lớn hơn.
Trong kỳ điều tra năm 2023, tổng sản xuất thép của Hòa Phát và Formosa là 6,7 triệu tấn, thì tổng lượng nhập khẩu là 9,6 triệu tấn.
Với những nước phát triển như nước Mỹ, lượng thép nhập khẩu mà chỉ bằng 10% thôi, họ lập tức không những áp ngay thuế chống bán phá giá, mà còn phải áp dụng luôn điều luật 232 về an ninh quốc gia để bảo bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Phải khẳng định việc Hòa Phát và Formosa khởi kiện là khởi kiện các công ty thép từ Trung Quốc và Ấn Độ bán phá giá vào Việt Nam về lượng cũng như là về giá, chứ chúng tôi không có khởi kiện gì các công ty trong nước cả.
Bản thân chúng tôi cũng sản xuất tôn mạ màu. Vậy nên theo tôi, suy nghĩ của họ cũng là bình thường, là một phản ứng rất tự nhiên. Thế nhưng, quan điểm Hòa Phát là không đôi co. Quan điểm của Hòa Phát là tất cả ra cửa công, mọi thứ phải được điều tra rõ ràng.
Các đơn vị nhập khẩu, họ có nhiều lý luận và lý luận của họ theo họ là đều đúng hết, không có gì sai cả. Nhưng họ cố tình họ bỏ qua một điều là: Nếu anh đúng thế thì tại sao anh lại phải sợ việc khởi xướng điều tra? Nếu tôi là họ thì tôi còn phải đề nghị khởi xướng điều tra. Họ đúng rồi thì tốt quá, khi đó Chính phủ, Bộ Công thương sẽ không áp thuế chống bán phá giá nữa.
Đằng này, họ rất sợ, rất rất sợ khởi xướng điều tra. Tôi chỉ nói đến như vậy, phần còn lại, mời các quý cổ đông tự đánh giá.
Ngày hôm qua, tôi có đọc phương tiện thông tin đại chúng về kiến nghị của họ nói Hòa Phát không đủ tư cách. Tôi cho rằng tất cả đều là bới lông tìm vết, không nhìn vào mặt chính.
Mặt chính ở đây là lượng nhập quá nhiều, không ai chấp nhận như vậy cả. Đồng chí Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã trả lời rất rõ quan điểm của thép Việt Nam là: Bảo vệ sản xuất từ thượng nguồn. Không có lý do gì chúng tôi bỏ ra đến 7 tỷ đô, tương đương mấy trăm nghìn tỷ, mà lại không bảo vệ chúng tôi.
Ai cũng bảo vệ công nghiệp thép hết, không có nước nào trên thế giới đi ngược lại. Ngoài Mỹ, còn hai nền kinh tế tương đối giống Việt Nam là Thái Lan và Indonesia thì Thái Lan nhập khẩu chiếm 60% là ngay lập tức họ áp thuế chống bán phá giá để họ bảo vệ ngành sản xuất HRC của họ. Indonesia nhập khẩu 37% so với sản xuất trong nước ngay lập tức áp thuế chống bán phá.
Cái thứ hai về chống bán phá giá cũng rất rõ. Hôm qua, tôi vừa nhận được báo cáo số liệu chính xác qua nhập khẩu hải quan quý 1/2024. Hai đơn vị sản xuất HRC là Hòa Phát và Formosa làm ra 2 triệu tấn thì nhập khẩu qua Hải quan là 3 triệu tấn, trong đó riêng Trung Quốc là 2,3 triệu tấn.
Mặc dù vậy, mọi người cũng yên tâm vì chúng ta nhận được sự ủng hộ của các Bộ, Ban, Ngành trong việc sản xuất thép.
Có một điều rất buồn cười, nên Hòa Phát cũng có một tổng công ty tôn mạ màu, nên cũng nắm được thông tin của khối các công ty tôn mà màu. Hiện nay, khối các công ty tôn mạ màu cũng đang làm khởi kiện tôn mạ màu Trung Quốc nhập vào Việt Nam.
Mọi người hãy nhớ số liệu này: Tổng sản lượng sản xuất tôn mạ màu Việt Nam một năm là 5 triệu tấn. Trong kỳ điều tra vừa rồi chỉ nhập gần 500.000 tấn từ Trung Quốc, chiếm chưa tới 10%, họ nhảy lên ngay, kiện luôn, nào là bảo vệ đời sống, nào là phá sản.
Thế bây giờ đối với thép sản xuất 6 triệu tấn, nhập 9 triệu tấn, thì tại sao chúng ta không nói?
Về cơ bản, nhập khẩu mà lớn hơn sản xuất trong nước thì sớm muộn sẽ đè bẹp hết. Đấy là điều chắc chắn.
Thực ra họ biết hết cả đấy, họ đều rất là khôn ngoan. Nhưng họ phải lờ cái vấn đề chính để họ nói về các vấn đề lặt vặt nhỏ lẻ, đánh lạc hướng dư luận.
Tôi cũng chia sẻ để các nhà sản xuất tôn mạ, ống thép yên tâm rằng nhiều nước quanh chúng ta sản xuất rất nhiều. Malaysia sản xuất rất nhiều, Indonesia cũng chuẩn bị đưa nhà máy lớn vào hoạt động. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều sản xuất cả. Chứ không phải đến lúc có thuế chống bán phá giá ông bán giá cao thì hàng nước khác người ta vào ngay. Các đơn vị sản xuất chân chính không bán phá giá thì vẫn nhập bình thường mà. Tôi không nghĩ rằng nếu có việc áp thuế chống bán phá giá thì giá HRC nhập khẩu nó lên làm cho giá thành sản phẩm tăng lên theo. Tất cả trước một hiện tượng chúng ta cứ bình tĩnh, nên đợi các cơ quan quản lý nhà nước người ta sẽ có phán xét công bằng rõ ràng. Về cơ bản chưa biết chừng, có khi có cái thuế chống bán phá giá này thì ngành nguyên liệu HRC nó tốt hơn, ổn định hơn, giá cả tốt hơn chứ không phải tăng lên đâu.
Tôi cũng chia sẻ là các nhà sản xuất đàng hoàng, chất lượng tốt, giá tốt của Trung Quốc như Bảo Sơn, An Gang cũng đang rất lo lắng, họ cũng đang tìm hiểu không biết làm cách nào các công ty thương mại dùng biện pháp kỹ thuật này khác làm phá giá cả thị trường, lấy luôn thị trường của các nhà sản xuất thép đàng hoàng của Trung Quốc. Họ biết hết. Giá trung bình 550USD, họ chào luôn 490-510 USD /tấn, chưa hiểu vì sao họ bán được như vậy. Bản thân các bộ ngành, hải quan Trung Quốc họ cũng đang rất đau đầu về việc bán phá giá. Tôi tin là chân lý chỉ có 1. Mọi người cứ bình tĩnh đợi phán quyết của cơ quan quản lý nhà nước về việc có bán phá giá hay không.
Tôi nhắc lại hai yếu tố: Một là lượng nhập vào quá lớn, lớn hơn sản xuất thì không một nước nào trên thế giới này chấp nhận. Thứ hai là bán phá giá, thì việc có bán phá giá này hay không, hôm nay chúng tôi không nói gì cả. Hãy để cho cơ quan trọng tài, Bộ Công thương, Cục cạnh tranh người ta đi làm việc đấy.
Còn nếu không có việc bán phá giá thì mọi việc xuất nhập khẩu vẫn bình thường thôi mà, làm gì đến mức cứ phải nhảy cồ cồ lên như thế."
An ninh tiền tệ