MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ trọng điện gió, mặt trời cao đến "phi khoa học", LNG khó "đua" kịp để làm nền cho tái tạo

Theo Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn tỷ trọng điện từ nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam là quá cao so với mức bình quân thế giới, cần đầu tư thêm nhà máy nhiệt điện, điện nguyên tử, điện khí hóa lỏng thì mới đủ khả năng "nâng đỡ" được cho các dự án điện mặt trời, điện gió.

TS. Nguyễn Thành Sơn, Chuyên gia năng lượng, hiện đang tư vấn cho một dự án điện LNG của liên doanh giữa đối tác Việt Nam và Mỹ chia sẻ: "Tại sao chúng tôi lại chọn khí hỏa lỏng. Vì hiện nay, chúng tôi nhận thức được rằng, tỷ trọng điện từ nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam là quá cao. Cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới". 

Năm 2019, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo của thế giới là 26%, trong khi Việt Nam chúng ta nếu riêng về nguồn cũng đã trên 30%. Trong đó có điện gió và điện mặt trời, hai loại năng lượng này trong năm 2019 tỷ trọng bình quân thế giới là hơn 8%, hiện nay Việt Nam đã là trên 12%.

"Xuất phát từ những nhận định này, chúng tôi cho rằng, muốn tham gia vào thị trường điện, chúng tôi phải phát triển các dự án khí hóa lỏng" - ông Sơn nói.

Tỷ trọng điện gió, mặt trời cao đến phi khoa học, LNG khó đua kịp để làm nền cho tái tạo - Ảnh 1.

Chuyên gia Năng lượng Nguyễn Thành Sơn

Ông Nguyễn Thành Sơn nhận định rằng, về cơ bản, cần cân bằng tỷ trọng giữa các nguồn, giữa nguồn và phụ tải của cả hệ thống. Muốn làm được như vậy, từ phía nhà nước phải đầu tư các dự án khí hóa lỏng, thậm chí là nhiệt điện, điện hạt nhân để làm nền cho các dự án điện mặt trời, điện gió. Như vậy, các dự án điện mặt trời, điện gió mới khả thi về mặt kỹ thuật. 

Điện khí LNG tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ doanh nghiệp nước ngoài. Dự án FDI lớn nhất năm 2020 chính là Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu, với vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển "nóng" của điện mặt trời và điện gió, các dự án điện khí hóa lỏng lại chưa được khai thác đủ tiềm năng để làm nền tảng vững chắc cho năng lượng tái tạo.

Bà Bùi Thị Hồng Vân - Giám đốc Angelin Energy cho biết, các nhà đầu tư đang "ồ ạt" tiến vào điện mặt trời, nhưng chưa mặn mà với LNG vì quá trình phát triển và hoàn thiện dự án khí hóa lỏng LNG rất lâu, nên không thể ngày một ngày hai mà thấy ngay được kết quả. 

Để một dự án LNG thông qua được quyết định đầu tư cuối cùng ( Final Investment Decision - FID) sẽ trải qua giai đoạn Pre-FID để chuẩn bị, đáng giá khả thi, thiết kế kỹ thuật, phương án tài chính,... Quá trình Pre-FID có thể kéo dài từ 5-10 năm và tiêu tốn nhiều triệu đô. Thêm vào đó không phải dự án nào sau khi làm Pre-FID cũng đạt được FID.

Hiện tại mới chỉ có một số dự án kho cảng LNG đã bước qua được giai đoạn Post-FID, còn một số dự án đang trong giai đoạn Pre-FID. LNG lại đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên rất kén nhà đầu tư. Hơn nữa, dự án phát triển trong một thời gian dài nên sẽ có tiềm ẩn rủi ro về thay đổi cơ chế, chính sách, bà Vân cho biết.

Tỷ trọng điện gió, mặt trời cao đến phi khoa học, LNG khó đua kịp để làm nền cho tái tạo - Ảnh 2.

Bà Bùi Thị Hồng Vân - Giám đốc Angelin Energy

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng và làm lạnh ở nhiệt độ -162oC) với tổng công suất 15.000-19.000 MW. 

Quy hoạch Phát triển ngành Công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 cũng đã xác định rõ cần phải xây dựng hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu, với khối lượng 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025, tăng lên 6 đến 10 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035. Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Song, việc nhập khẩu LNG cũng đang còn tồn tại nhiều bất cập về mặt tiến độ. Đầu tư cầu cảng sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn trong thời gian dài, có thể lên tới 2-3 năm. Như vậy là rất chậm trong khi khách hàng khu công nghiệp lại rất "khát" nguồn LNG. Angelin Energy muốn ứng dụng giải pháp sử dụng LNG chứa trong LNG iso tank (container bồn để vận chuyển LNG) và có thể vận chuyển bằng cầu cảng thông thường từ Malaysia hoặc Indonesia về Việt Nam, rút ngắn thời gian và chi phí nhập khẩu LNG.

Giải pháp này có thể giải quyết nhanh được nhu cầu của khách hàng khu công nghiệp, mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam về cầu cảng và trạm điện. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có cơ chế về quy trình nhập khẩu container iso tank nên chưa thể thực hiện.

H.A

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên