MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ trọng vay nước ngoài trong nợ công giảm đáng kể

15-06-2018 - 10:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ vừa có báo cáo gửi lên Quốc hội về tình hình quản lý nợ công và những giải pháp đảm bảo quản lý nợ chặt chẽ trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2017 không thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án mới vay vốn nước ngoài. Hạn mức rút vốn ròng các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm là 700 triệu USD. Tuy nhiên, trong năm 2017 ước thực hiện rút vốn khoảng 25.188 tỷ đồng (tương đương 1,127 tỷ USD), trả nợ gốc khoảng 33.063 tỷ đồng (tương đương 1,472 tỷ USD).

Như vậy, rút vốn ròng của các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài âm 7.875 tỷ đồng, dẫn đến dư nợ cuối năm thấp hơn so với đầu năm và ở mức khoảng 247.169 tỷ đồng, bằng 4,9% GDP (năm 2016 dư nợ bảo lãnh của Chính phủ đối với vay nước ngoài bằng 5,7% GDP). Nguyên nhân giảm dư nợ bảo lãnh là do không phát sinh cấp mới bảo lãnh cho các dự án. Đồng thời trong 2 năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã tích cực thực hiện trả nợ trước hạn để tất toán khoản vay.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Giai đoạn 2016 - 2017, tốc độ gia tăng nợ công giảm gần một nửa, còn khoảng 9,6%/năm so với bình quân 18,1%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Nợ công giảm từ 63,6% GDP cuối năm 2016 xuống 61,4% GDP cuối năm 2017, nợ chính phủ giảm tương ứng từ 52,6% GDP xuống 51,8% GDP.

Dự báo đến cuối năm 2018, nợ công khoảng 61,4% GDP, nợ chính phủ khoảng 51,9% GDP, nợ chính phủ bảo lãnh là 8,8% GDP, nợ chính quyền địa phương là 0,7% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 49,9% GDP.


Một trong những thành công trong điều hành của Chính phủ thời gian qua đó là đã kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) và giảm tỷ trọng vay nước ngoài.

Về kỳ hạn, đã kéo dài kỳ hạn phát hành TPCP: Năm 2011 bình quân: 3,9 năm; 2017: 12,74 năm, qua đó tăng kỳ hạn nợ bình quân danh mục TPCP (năm 2011 là 1,84 năm; 2017 là 6,7 năm). Lãi suất huy động cũng giảm mạnh qua các năm (năm 2011 bình quân 12,01%; năm 2017 là 5,98%; 5 tháng năm 2018 bình quân 4,12%/năm). Về cơ cấu vay nợ, giảm tỷ trọng vay ngoài nước từ 61% năm 2011, xuống 40% năm 2017.

Tương tự như vậy, trong năm 2017, Chính phủ cũng không cấp mới bảo lãnh vay trong nước của doanh nghiệp. Một số dự án thực hiện trả nợ gốc trước hạn, như: Thủy điện Sơn La trả gốc trước hạn 1.724,6 tỷ đồng, Vinasat 669,4 tỷ đồng và xi măng Tam Điệp 116,8 tỷ đồng; hoặc không giải ngân hết số vốn được cấp bảo lãnh, chỉ thực hiện rút vốn đối với các dự án đang triển khai từ trước với trị giá 1.150 tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ gốc 4.923 tỷ đồng. Điều này dẫn đến dư nợ cuối năm của các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn trong nước giảm so với cuối năm 2016. Tính đến 31/12/2017, ước tính dư nợ các khoản được Chính phủ bảo lãnh vay trong nước là 203.534,5 tỷ đồng, bằng 4,1%GDP.

Trên cơ sở số liệu kinh tế vĩ mô và kết quả thực hiện huy động vốn vay và trả nợ của Chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và chính quyền địa phương nêu trên, Chính phủ cho biết, các chỉ tiêu về nợ công năm 2017 nằm trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó: Nợ công khoảng 61,4% GDP, nợ chính phủ khoảng 51,8% GDP, nợ chính phủ bảo lãnh 9% GDP, nợ chính quyền địa phương 0,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 49% GDP nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Về cơ cấu nợ công, nợ chính phủ chiếm 84,37%, nợ chính phủ bảo lãnh chiếm 14,66% và nợ chính quyền địa phương chiếm 0,97%. Đối với nợ của chính quyền địa phương, nếu tính cả các khoản vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì tính đến cuối năm 2017, ước tính tổng dư nợ của chính quyền địa phương là 66.653 tỷ đồng, bằng 1,33% GDP.

Đối với nợ nước ngoài của quốc gia, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ của doanh nghiệp, tổ chức khác vay nước ngoài theo phương thức tự vay - tự trả theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tại thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là 2.451.978 tỷ đồng, bằng 49% GDP nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (nhỏ hơn 50% GDP).

Tuy nhiên, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng so với năm 2016 và tiệm cận ngưỡng được Quốc hội phê duyệt. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay - tự trả tăng nhanh, theo đó tốc độ tăng dư nợ của các khoản vay trung và dài hạn là 22,56%, của các khoản vay ngắn hạn là 73% so với năm 2016.

Theo H.Vân

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên