Ðủ chiêu găm hàng, đầu cơ đón đầu tăng giá xăng
Ðể đón đầu việc giá xăng dầu tăng, những ngày qua tình trạng các cây xăng treo biển hết hàng liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương.
- 28-05-2020Giá xăng tăng gần 900 đồng/lít kể từ 15 giờ chiều nay
- 28-05-2020Truy việc găm hàng, chờ xăng tăng giá
- 27-05-2020Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì về thông tin "găm hàng" xăng dầu chờ tăng giá?
Hà Nội: Báo hết hàng, kiểm tra lòi ra 20.000 lít xăng trong bồn
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đêm 27/5 đã kiểm tra sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân về hiện tượng một cây xăng ở khu vực quận Đống Đa từ chối bán xăng RON95 với lý do hết xăng, dù trong bồn vẫn còn tới 20.000 lít.
Cây xăng của cửa hàng xăng dầu số ll (thuộc Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ) tại địa chỉ 95 Vũ Ngọc Phan, Ðống Ða, Hà NộI dừng bán dù vẫn còn 20.000 lít xăng trong bồn chứa
Theo thông tin của Tiền Phong, đêm 27/5, tại cửa hàng xăng dầu số ll (thuộc Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ) tại 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội, Quản lý thị trường (QLTT) Đống Đa đã yêu cầu cửa hàng trưởng mở bồn chứa xăng RON95 để kiểm tra, tuy nhiên, bị từ chối với lý do “phải được sự đồng ý của lãnh đạo cửa hàng”. QLTT Đống Đa đã mời công an tham gia hỗ trợ và lúc này cửa hàng mới chịu mở bồn chứa xăng. Nhân viên cửa hàng cùng QLTT xác định trong bồn có khoảng 20 nghìn lít xăng RON95.
Cũng theo ghi nhận của Tiền Phong, trong chiều và tối ngày 27/5, nhiều cây xăng ở khu vực Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ, Đại Kim, Lê Trọng Tấn, Thanh Oai và nhiều địa phương khác đã treo biển hết xăng RON95, thậm chí có cửa hàng rào, đặt biển dừng bán để nhập hàng trong suốt buổi chiều và buổi tối.
Ðủ lý do
Cũng theo thông tin từ Tổng cục QLTT, trong các ngày 25-26/5, tổng cục và các đơn vị khắp các địa phương đã, kiểm tra ở nhiều tỉnh thành và phát hiện đủ loại trường hợp găm giữ xăng. Đủ lý do được các chủ cửa hàng đưa ra như: hết hàng, bận đi đám ma, đi ăn cỗ, đi chợ, thua lỗ nên không bán…dù theo quy định không được phép dừng bán hàng.
Cây xăng của DN tư nhân Quân Mai (xã Vô Tranh, huyện Lục Nam) không bán hàng do bận… đi đám ma. Lý do đóng cửa nghỉ bán xăng của DN tư nhân Hồng Hiệp (xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên) là do bận… đi chợ.
Kiểm tra tại ĐắkLắk, QLTT phát hiện 3 DN kinh doanh xăng dầu đóng cửa không bán hàng tại huyện Krông Năng là DN Thắng Thành; DN Quý Điều và DN Trường Yến. Cũng lấy lý do gia đình đi đám giỗ tại thành phố Pleiku để đóng cửa không bán hàng còn có trường hợp cửa hàng xăng dầu Yến Toàn Ngân (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê).
Hai trường hợp dừng bán xăng dầu với lý do mất điện tại Bắc Giang là DN xăng dầu Hải Nam (xã Đức Thịnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) và DN Hợi Hảo (thôn Đức Nghiêm, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa).
Bốn trường hợp ghi nhận hết xăng, không bán xăng, chỉ bán dầu khác ở Bắc Giang là DN Danh Thắng (xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa); DN Vui Ngân (xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa); Cửa hàng bán lẻ xăng dầu An Dương thuộc Công ty TNHH Khang Vượng (thôn Ngàn Am, xã An Dương, huyện Tân Yên) và cửa hàng bán lẻ xăng dầu Tân Thành thuộc Công ty TNHH Kim Minh Sơn (thôn Tân Thành, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn).
Về tình trạng găm hàng chờ tăng giá, xảy ra tại các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Ðắk Lắk, Gia Lai..., Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đã ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu và thực hiện các quy định về kinh doanh xăng dầu. Bộ cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tìm kiếm, có phương án bảo đảm nguồn hàng từ nguồn trong nước và nhập khẩu; tuân thủ nghiêm quy định về dự trữ lưu thông theo Nghị định số 83 để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đầy đủ và kịp thời, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.
Sớm bỏ Quỹ Bình ổn, giảm thời gian điều chỉnh giá
Liên quan đến những bất cập trong Nghị định 83 về điều hành kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có văn bản kiến nghị nhiều điểm sửa đổi những bất cập hiện hữu. Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA, điểm cần sửa đầu tiên trong nghị định chính là liên quan đến trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) được thực hiện theo quy định tại Nghị định 83. Trên thực tế, dù có tác dụng kìm giá trong nhiều thời điểm nhưng Quỹ BOG đang khiến người tiêu dùng chịu gánh nặng nhiều hơn do phải ứng trước tiền cho quỹ. Bên cạnh đó, việc sử dụng Quỹ BOG trong thời gian qua mang đậm tính can thiệp hành chính làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
"Cần bỏ Quỹ BOG để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo đúng cơ chế thị trường đồng thời tăng minh bạch, công khai trong điều hành giá", VINPA kiến nghị.
Một bất cập nữa liên quan đến Nghị định 83, theo VINPA, chính là việc thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá hiện nay đang rất bất cập, khiến giá trong nước luôn vênh với giá thế giới, đặc biệt khi giá xăng dầu thế giới phức tạp như hiện nay. VINPA đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày để giá bán trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều hành giá.
Cùng đó, cơ quan quản lý cần xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay. Giá cơ sở chỉ là những tiêu chí để DN tham khảo tùy theo điều kiện cụ thể, quyết định giá bán lẻ. "Hiệp hội kiến nghị áp thuế nhập khẩu dựa trên mức thuế suất nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết tại các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tính giá cơ sở, đồng thời tăng thu thuế nội địa (thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường...) để bù đắp cho ngân sách nhà nước do giảm thu thuế nhập khẩu", VINPA đề xuất.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cũng cho rằng, việc bỏ Quỹ BOG là cần thiết thời điểm này bởi nó tồn tại rất "vô thưởng vô phạt". Theo ông Phú, việc tồn tại quỹ trong điều hành nhiều khi bị phản ứng vì không hợp lý, thậm chí bị lạm dụng. Chưa kể, người quản lý thay vì chỉ chăm chăm dùng quỹ để điều tiết giá cần phải giải quyết tốt bài toán cung - cầu, lưu thông thông suốt, tổ chức hệ thống phân phối hiệu quả. Một vấn đề nữa liên quan đến điều hành xăng dầu cần sớm bỏ, theo ông Phú, chính là quy định lợi nhuận định mức của kinh doanh xăng dầu. "Doanh nghiệp phải chấp nhận quy luật lời ăn lỗ chịu, không thể tồn tại chính sách bán 1 lít xăng dầu là đương nhiên lãi 300 đồng", ông Phú nói.
Tiền phong