U23 Việt Nam và hành trình diệu kỳ đến chung kết U23 Đông Nam Á 2022
U23 Việt Nam đã trải qua 3 trận đấu với lực lượng sút mẻ vì Covid-19, nhưng giờ đây thầy trò HLV Đinh Thế Nam đã đặt chân đến trận chung kết U23 Đông Nam Á 2022.
- 25-02-2022HLV U23 Thái Lan: "Vào chung kết, có thua U23 Việt Nam cũng chẳng sao"
- 25-02-2022Thủ môn Tuấn Hưng: Từ "kép phụ" tự ti đến người hùng trong khung gỗ đưa U23 Việt Nam vào chung kết
- 25-02-2022Đội trưởng U23 Việt Nam từ khu cách ly chỉ đồng đội sút penalty qua màn hình, muốn đi bão sau chiến thắng
Cũng giống như tuyển nữ Việt Nam, U23 Việt Nam cũng đã hy sinh dịp năm mới bên gia đình để chuẩn bị cho U23 Đông Nam Á 2022. Thầy trò HLV Đinh Thế Nam di chuyển vào Bình Dương từ ngày 5/2 (mùng 5 Tết) và có cho mình 2 trận giao hữu với U19 Bình Dương và Long An.
U23 Việt Nam sau đó lên đường di chuyển đến Campuchia vào ngày 11/2. Tại đây, việc ăn uống không phù hợp tại khách sạn đã khiến 1 số cầu thủ gặp vấn đề tiêu hoá. Dù vậy, đây cũng chỉ là vấn đề nhỏ so với cơn bão lớn đang đến.
1. Bão Covid-19 tấn công, liên tục cần viện binh
Trước trận đấu đầu tiên với U23 Singapore, 4 cầu thủ và 1 trợ lý HLV đã cho kết quả dương tính với Covid-19 và phải cách ly tại phòng ngay sau đó. Nhưng U23 Singapore cũng lâm vào tình trạng sứt mẻ tương tự và thua kém về thực lực, các cầu thủ Việt Nam đã dễ dàng dành thắng lợi 7-0.
Từ đây, khó khăn dồn dập đến, 6 cầu thủ khác cho kết quả test nhanh dương tính ngay sau khi trận đấu kết thúc. Đến trước trận đấu với U23 Thái Lan, đội chỉ còn 11 cầu thủ đủ điều kiện ra sân. May mắn thay, BTC đã thay đổi điều lệ và cho phép các đội bổ sung viện binh.
Phan Tuấn Tài, Huỳnh Tiến Đạt, Nguyễn Thanh Nhân, Trần Bảo Toàn đến Campuchia bằng đường bộ trong sáng 22/2 (ngày diễn ra trận đấu với U23 Thái Lan). Đến chiều, 2 cầu thủ di chuyển đường hàng không là Đinh Quý và Vũ Đình Hai cũng đã hội quân.
Nhóm viện binh đến Campuchia ngày 22/2 (Ảnh: Anto)
Dù chưa tập buổi nào cùng đội, nhưng cả 6 "viện binh" đều đã được ra sân trước đối thủ hàng đầu U23 Thái Lan. Và cũng thật khó tin, khi U23 Việt Nam đã thể hiện được lối chơi rõ nét, như thể không có bất kỳ tổn thất lực lượng nào xảy ra. Những cầu thủ mới di chuyển hàng giờ đồng hồ nhưng đã có thể ra sân thi đấu tròn vai.
Đội bóng của HLV Đinh Thế Nam vượt lên dẫn trước nhờ pha đá phạt hiểm hóc của Trung Thành. Các cầu thủ trẻ tiếp tục chơi tốt trong hiệp 2 để bảo vệ tỉ số. Nhưng thể lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều cầu thủ đã bị căng cơ trong những phút cuối trận.
Dù chiến thắng và đi tiếp vào bán kết, nhưng nỗi lo lực lượng tiếp tục đeo bám U23 Việt Nam khi đội chỉ còn 10 cầu thủ đủ điều kiện thi đấu khi BTC tổ chức xét nghiệm nhanh sau trận đấu này. Ngay lập tức 4 cầu thủ khác được bổ sung là Trần Liêm Điều, Trần Hoàng Phúc, Hồ Khắc Lương và Võ Nguyên Hoàng.
2. "U23 Việt Nam còn thở là còn chiến đấu"
Hai đợt bổ sung với 10 cầu thủ, ấy thế mà trên băng ghế dự bị trận đấu với U23 Timor Leste ngày 24/2 cũng chỉ có đúng 2 cầu thủ, 1 là thủ môn. Nhìn sang phía đội bạn, 12 cầu thủ dự bị liên tục làm nóng sẵn sàng ra sân. Sự chênh lệch gấp 6 lần này khiến người hâm mộ đau xót.
Nhưng trên sân, tất cả đều chạy hết sức mình, chạy vì khát khao tuổi trẻ, chạy theo cái cách mà HLV Đinh Thế Nam đã nói: "Còn người, còn sức là còn đá". Dù kiểm soát thế trận nhưng bàn thắng đã không đến với U23 Việt Nam trong cả thời gian thi đấu chính thức và 2 hiệp phụ.
Từng người từng người 1 bị đau, các cầu thủ trên sân phải cắn răng thi đấu. Thủ môn Trần Liêm Điều thậm chí đã phải vào sân chơi tiền đạo, hậu vệ Đoàn Anh Việt dù bị đau phải thay ra nhưng vẫn năn nỉ được ở lại sân thi đấu. Sức lực đã cạn, nhưng tinh thần vẫn luôn còn đó.
Đoàn Anh Việt đau đớn bên ngoài sân trong trận gặp U23 Timor Leste (Ảnh: Anto)
Tinh thần này đã truyền lửa đến những cầu thủ còn đứng trên sân, những thành viên phải ở lại khách sạn vì không thể thi đâu và đến người hâm mộ phía sau màn ảnh. Bước vào loạt luân lưu đầy may rủi, các cầu thủ U23 Việt Nam là người đã bản lĩnh hơn.
Thủ thành Tuấn Hưng bình tĩnh đẩy quả penalty thứ 4 của U23 Timor Leste, tạo tiền đề cho Thanh Nhân thực hiện thành công lượt sút quyết định. Với lực lượng chắp vá, có lúc tưởng như phải dừng cuộc chơi, U23 Việt Nam đã chính thức bước vào trận chung kết, tái đấu với U23 Thái Lan.
3. Những khoảng khắc vượt lên nghịch cảnh
U23 Đông Nam Á sẽ được nhớ đến như 1 trong những giải đấu "bất thường" nhất mà các cấp độ đội tuyển Việt Nam từng tham dự. Và trong hành trình ấy không hề thiếu những khoảnh khắc xúc động.
Ngay trước ngày ra quân gặp U23 Singapore, bà của đội trưởng Dụng Quang Nho đã qua đời. Trận đó, tiền vệ gốc Bình Thuận đã chơi với hơn 100% năng lượng, có 1 kiến tạo và tự mình ghi 1 bàn thắng. Anh đã chắp tay cầu nguyện khi ăn mừng bàn thắng này. Sau trận, Nho đã chia sẻ: "Hôm nay bà ngoại đã không còn nhìn em chơi nữa nhưng bà ngoại sẽ chắc chắn sẽ thấy em ghi bàn".
Trịnh Xuân Hoàng và thông điệp động viên các đồng đội trong trận gặp U23 Thái Lan (Ảnh: Sơn Tùng)
Quang Thịnh với lời chúc đến 24 đồng đội nhiễm bệnh không thể thi đấu (Ảnh: Anto)
Trong trận đấu với U23 Thái Lan, thủ môn Trịnh Xuân Hoàng đã viết lên áo trong thông điệp động viên các đồng đội nhiễm Covid-19. Trung vệ Quang Thịnh cũng đã giơ tay tạo dáng ăn mừng quả penalty thành công vào lưới U23 Timor Leste với hàm ý gửi lời chúc đến 24 cầu thủ không thể thi đấu. Quang Thịnh cũng là 1 trong 3 cầu thủ có mặt từ đợt đầu tiên đến Campuchia.
Cũng phải nhắc đến sự chu đáo của chủ nhà Campuchia khi đã hỗ trợ tối đa giúp các cầu thủ viện binh hội quân kịp thời. U23 Đông Nam Á khởi đầu như 1 giải đấu chuẩn bị cho SEA Games 31 và không nhận được quá nhiều sự quan tâm, nhưng giờ đây hành trình của U23 Việt Nam đã trở thành 1 câu chuyện khó quên về tinh thần vượt khó, về khát vọng tuổi trẻ. Vào ngày 26/2, hành trình này đi đến màn kết với trận đấu tranh ngôi vô địch cùng U23 Thái Lan.
Nhịp sống Việt