U70 nghỉ hưu trong lo lắng: Chồng sắp qua đời nhưng để cho con trai riêng hơn 70 tỷ đồng, không có bảo hiểm dài hạn, tôi phải làm sao?
Người phụ nữ này giãi bày, dù đã kết hôn với chồng gần 20 năm nhưng cả 2 luôn có sự tách biệt về tài chính. Vấn đề lớn nhất khiến bà lo lắng là bà không có bảo hiểm dài hạn.
Một người phụ nữ 68 tuổi giấu tên chia sẻ bà đã kết hôn với chồng được 17 năm. Vấn đề tài chính của cả 2 luôn có sự tách biệt và họ ký thoả thuận tiền hôn nhân, để thống nhất con trai riêng của chồng bà sẽ được thừa kế tài sản trong một quỹ uỷ thác (khoảng 3 triệu USD). Bà sẽ nhận được một ngôi nhà và 350.000 USD khi chồng qua đời.
Trong thời gian mới kết hôn, bà và chồng đã chi tiêu rất tiết kiệm vì chồng mang bệnh nặng. Do đó, bà không hề có bất kỳ một kỳ nghỉ nào suốt 8 năm, nên muốn được đi du lịch nhiều hơn trong tương lai. Hiện tại, chồng bà chỉ có thể sống thêm được 1 hoặc 2 năm nữa.
Năm 2019, 2 vợ chồng bà xây một ngôi nhà mới. Dù chưa rõ giá trị chính xác là bao nhiêu nhưng bà có thể nhận được khoảng 800.000 USD sau khi bán đi để mua một ngôi nhà nhỏ hơn. Ngoài ra, bà cũng nhận được trợ cấp từ gói An sinh xã hội và lương hưu, với tổng giá trị khoảng 20.000 USD hàng năm.
Tài khoản quỹ tương hỗ của bà hiện có khoảng 350.000 USD, cùng một số cổ phiếu trị giá khoảng 20.000 USD, tài khoản tiết kiệm hưu trí 65.000 USD, 60.000 USD tiền tiết kiệm và tài khoản ngân hàng với số dư 20.000 USD. Bà cho biết số tiền trên dường như khá lý tưởng để tĩnh dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, vấn đề là bà không có bảo hiểm y tế dài hạn.
Theo tư vấn của Robert Gilliland, CEO và cố vấn về tài sản cấp cao tại Concenture Wealth Management, người phụ nữ này nên lập một bảng ngân sách. Bà nên cân nhắc mọi khoản chi phí dự tính tiêu sau khi chồng qua đời, phải tính cả lạm phát.
Bà có thể chia các chi phí này thành những khoản ngắn hạn, ví dụ như từ 1 đến 5 năm, trung hạn là 6 đến 10 năm hay dài hạn là hơn 10 năm. Trong đó bao gồm chi phí nhà ở dự kiến, tuỳ vào bà sẽ sống trong căn nhà hiện tại hay một căn nhỏ hơn. Ngoài ra, điều quan trọng là chi phí y tế, đây sẽ là khoản chi lớn nhất đối với những người đã về hưu.
Sau đó, bà xem nguồn thu nhập dự kiến của mình là như thế nào. Với khoản An sinh xã hội và lương hưu, đầu tư, bà có thể rút ra thường xuyên. Bà nên so sánh thu nhập với chi phí của mình, khi đó có thể xác định nên rút bao nhiều là hợp lý.
Theo Gilliland, bà nên tìm kiếm một cố vấn tài chính để phân tích xem liệu bà đã phân bổ tài sản phù hợp hay chưa. Với các khoản đầu tư, bà không nên chịu rủi ro quá lớn, nên đa dạng hoá và phân bổ hợp lý.
Với khoản An sinh xã hội, bà có thể liên hệ tới văn phòng của họ để lên kế hoạch nhận tiền theo phương thức khác, ví dụ như trợ cấp dành cho goá phụ. Theo đó, bà có thể nhận được nhiều tiền hơn mỗi tháng.
Một vấn đề khác khiến bà lo ngại là không có bảo hiểm y tế dài hạn. Theo chuyên gia, đây sẽ là khoản chi rất tốt kém, đặc biệt là bà đã quá tuổi "điển hình" đối với các đối tượng được bảo hiểm. Do đó, bà có thể tìm hiểu về những gói bảo hiểm khác, ví dụ như một hợp đồng có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn cho bà và trợ cấp tử tuất cho anh chị em của bà.
Gilliland cho biết, bà nên dành 1 năm trước khi quyết định có nên chuyển đi khỏi căn nhà hiện tại hay không, sau khi chồng bà qua đời. Quãng thời gian này rất nhạy cảm nên có thể những quyết định đưa ra sẽ không được sáng suốt.
Bà cũng nên lên kế hoạch ngay bây giờ và thảo luận cùng chồng. Dù có thoả thuận tiền hôn nhân nhưng việc ai đó tặng quà cho vợ/chồng trong khi đang chung sống không phải là điều không thể. Cũng có thể, chồng bà sẽ tặng bà một khoản tiền trong quỹ tín thác kể trên mà không phải chịu thuế.
Tham khảo Market Watch
Nhịp sống thị trường