Uẩn khúc trong vụ sổ tiết kiệm 170 tỉ đồng “bốc hơi” tại VietABank
Vụ khách hàng tố 170 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm bốc hơi tại VietABank gây chấn động thì đại diện ngân hàng bất ngờ lên tiếng tố ngược và cho rằng một số đối tượng có dấu hiệu lừa đảo.
- 04-01-2019Bị tố không trả khách gửi tiền 170 tỷ đồng, VietABank "tung bằng chứng" bất ngờ
- 02-01-2019VietABank tiếp tục lên tiếng về vụ việc một số đối tượng đến gây rối tại trụ sở ngân hàng
- 25-12-2018VietABank được vinh danh Top 100 Doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt
Những tình tiết khó hiểu khiến sự việc trở nên rắc rối khi khách hàng cho rằng mình bị giả mạo chữ kí còn ngân hàng khẳng định chính khách hàng sau khi gửi tiền đã cầm cố sổ tiết kiệm cho khoản vay.
Giao dịch cầm cố sổ tiết kiệm đã diễn ra hay không?
Trong đơn tố cáo, khách hàng Triệu Thị Tuyết Trinh và Triệu Hùng Cường (ở tổ 6, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết có gửi 6 món tiền với tổng số 170 tỉ đồng có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Việt Á, Phòng giao dịch Đông Đô (18 T1, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Tất cả sổ đều có chữ ký của Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á, Chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch Đông Đô ký và có đóng dấu ngân hàng này. Bà Trinh và ông Cường cho biết, ngày 8/12 khi lên Phòng giao dịch Đông Đô của ngân hàng Việt Á để rút tiền thì nhận được thông báo số tiền gửi của mình đã được rút, trong khi bản thân chưa tất toán sổ, chưa rút tiền và không uỷ quyền cho ai.
Nhóm khách hàng cho rằng mình chưa hề tất toán, rút tiền hay uỷ quyền cho ai
Trong khi đó đại diện VietABank cho biết “Ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, những người này thực hiện ngay việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên (trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay từ 95% đến 98,5% giá trị sổ) và việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên.
Bằng thủ đoạn này, doanh số giao dịch mở sổ tiết kiệm đã lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng số tiền thực tế gửi tại ngân hàng còn lại rất ít (chênh lệch giữa tiền gửi và tiền vay); đồng thời chuyển tiền qua lại lẫn nhau trong đó có chuyển và nhận tiền với Nguyễn Thị Hà Thành trên hệ thống Ngân hàng Việt Á tại các chi nhánh khác nhau. Công an Hà Nội đã khẳng định, Nguyễn Thị Hà Thành không phải nhân viên của Ngân hàng Việt Á.
“Đến thời điểm hiện nay, các sổ tiết kiệm liên quan đến nhóm đối tượng trên đã được cầm cố cho các hợp đồng vay nêu trên tại Ngân hàng Việt Á. VietABank có đầy đủ chứng từ chứng minh việc chuyển tiền qua lại lẫn nhau giữa các đối tượng này”, đại diện VietABank khẳng định.
Có hay không hợp đồng tiền gửi giữa VietABank và khách hàng?
Trong đơn tố cáo, khách hàng đưa ra hình ảnh 6 cuốn sổ tiết kiệm theo 6 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn. Trong đó, 3 hợp đồng trị giá 90 tỉ đồng (30 tỉ/hợp đồng), 1 hợp đồng 35 tỉ đồng, 1 hợp đồng 25 tỉ đồng và 1 hợp đồng 20 tỉ đồng. Các sổ này có thời hạn gửi tiền từ khoảng tháng 9-10/2018, với thời hạn gửi 3 tháng, lãi suất 5,5%/năm.
Tuy nhiên, phía VietABank lại cho rằng ông Triệu Hùng Cường, bà Triệu Thị Tuyết Trinh không xuất trình được sổ tiết kiệm hoặc các chứng từ chứng minh việc nộp tiền vào ngân hàng liên quan đến số tiền họ yêu cầu Ngân hàng Việt Á phải trả lên tới 170 tỉ đồng (Chỉ đưa ra các giấy tờ được ghi là: Hợp đồng tiền gửi). Theo quy định, ngân hàng không phát hành hợp đồng tiền gửi cho khách hàng cá nhân, mà chỉ phát hành cho khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp; khách hàng cá nhân chỉ được ngân hàng phát hành sổ tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi.
Hình ảnh hợp đồng tiền gửi do nhóm khách hàng cung cấp đính kèm đơn tố cáo
Phía cuối bản hợp đồng có chữ kí và con dấu của Giám đốc phòng giao dịch Đông Đô của VietABank
Vậy những hình ảnh về hợp đồng tiền gửi mà phía nhóm khách hàng đưa ra đính kèm trong đơn tố cáo có chữ kí của Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á, Chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch Đông Đô ký và có đóng dấu là gì?
Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra- Công an Tp.Hà Nội đang khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ sự thật. Ngân hàng Việt Á cho biết đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an và Công an Hà Nội để bảo vệ tuyệt đối quyền lợi chính đáng, hợp pháp của khách hàng và Ngân hàng Việt Á đồng thời kiến nghị cơ quan Công an xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng câu kết, móc nối với nhân viên thiếu phẩm chất của ngân hàng, kịp thời ngăn chặn không để số đối tượng xấu lợi dụng hoạt động tín dụng của Nhà nước vi phạm pháp luật.
Lao động