MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uber hợp tác với nhiều hãng taxi ở châu Á nhưng bị từ chối ở Việt Nam

Uber biến các đối thủ trước đây thành đồng minh trong nỗ lực giành lấy khách hàng từ Thái Lan đến Nhật Bản. Công ty này đang thôn tính ngành taxi ở châu Á nhưng qua con đường hợp tác.

Năm 2014, cựu giám đốc điều hành của Uber là Travis Kalanick đã ví ngành taxi truyền thống như một đối thủ “đáng khinh” mà Uber cần phải tuyên chiến. Tuy nhiên, vì sức ép từ những bê bối, các quy định quản lý gắt gao và cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải nên Uber phải thay đổi chiến lược của mình.

Vào ngày 14/12, Uber cho biết công ty hợp tác với Howa, Thái Lan để đưa 4.000 xe taxi của Howa gia nhập đội ngũ Uber. Do đó, khách hàng ở Bangkok có thể bắt xe nhanh và thuận tiện hơn. Howa là đối tác mới nhất của Uber.

Tuần trước, Uber đạt được thỏa thuận bán 51% cổ phần một công ty cho thuê xe của Singapore cho hãng taxi ComfortDelGro với giá 642 triệu SGD, trong đó có 295 triệu SGD tiền mặt. Theo thỏa thuận, tài xế của ComfortDelGro có thể nhận yêu cầu đặt xe trên phần mềm của Uber và cũng cho phép người dùng đặt taxi của ComfortDelGro trực tiếp thông qua ứng dụng Uber. Đây là nước đi mới của Uber nhằm cạnh tranh với Grab. Uber và Grab đối đầu trực tiếp tại 7 quốc gia ở Đông Nam Á. Grab chiếm tới 72% thị phần mảng xe cá nhân.

Trước đó vào tháng 10, Uber cũng kí kết hợp tác với 3 công ty cung cấp dịch vụ taxi để cung cấp ứng dụng uberTAXI tại Đài Loan. Thương vụ diễn ra sau khi Uber đối mặt với sự chống đối của nhiều hãng taxi địa phương và các chính trị gia.

Tại Nhật Bản, Uber gần như không gặt hái được nhiều thành quả kể từ khi bắt đầu hoạt động ở đất nước này sau 4 năm. Công ty đang dùng cách tiếp cận mềm mỏng hơn với các nhà quản lý và các hãng taxi địa phương. Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Uber cho biết, công ty đang “chủ động tìm kiếm” quan hệ hợp tác với các công ty taxi Nhật.

Tại Việt Nam, cuộc chiến giữa Grab, Uber và taxi truyền thống vẫn đang căng thẳng. Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Hà Nội, số lượng ô tô tham gia mạng lưới của Uber và Grab đã chạm mức 50.000 xe, hơn gấp đôi lượng xe của tất cả các hãng taxi trên địa bàn. Hoạt động kinh doanh của các hãng taxi truyền thống trở nên khó khăn hơn.

Vào tháng 11, vị Tổng giám đốc kinh doanh cũng cho biết Uber muốn hợp tác với các công ty taxi tại Việt Nam và xem đây là một chiến lược phát triển quan trọng. Đáp lại, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Taxi Vinasun cho biết “không cần hợp tác với Uber” vì “Vinasun đã có phần mềm giống như Uber, Grab.”

Tương tư, các công ty taxi khác của Việt Nam dường như không quan tâm lắm tới lời đề nghị này. Để cạnh tranh với Uber, Grab, một số công ty như Mai Linh, Taxi Group, Thành Công… đã giới thiệu với khách hàng những ứng dụng gọi xe riêng. Cuối tháng 10, hai hãng taxi trong nước là Mai Linh và Tiên Sa (Đà Nẵng) đã ký biên bản ghi nhớ về ứng dụng đặt xe với đối tác nước ngoài. Theo đó, một doanh nghiệp Phần Lan sẽ là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cho 2 hãng taxi trên.

Những động thái trên là dấu hiệu cho thấy Uber đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác, đồng thời chịu sức ép lớn từ thị trường châu Á. Liệu đây có phải một cơ hội để taxi truyền thống ở Việt Nam vượt lên bứt phá, hay các công ty này sẽ chọn hợp tác với Uber?

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên