MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

UBND TP Hà Nội chỉ đạo xử lý tình trạng chiếm dụng đất ở khu tái định cư Đông Hội

10-11-2016 - 10:04 AM | Bất động sản

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu huyện Đông Anh kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng chiếm dụng đất tại Khu Tái định cư Đông Hội.

Như chúng tôi thông tin tại bài viết Đông Anh: Hàng chục nghìn m2 đất thuộc Khu Tái định cư Đông Hội bị lấn chiếm.

Theo đó, mặc dù không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho thuê đất để tập kết, trưng bày sản phẩm, nhưng nhiều cá nhân và tổ chức vẫn ngang nhiên biến hàng chục nghìn m2 đất tại Khu tái định cư Đông Hội (Đông Anh) thành lán trại, nơi tập kết, trưng bày các loại sản phẩm: Xe tải, ô tô con, xe chuyên dụng.

Cùng với đó là rất nhiều biển hiệu của các công ty buốn bán, nhập khẩu ô tô như: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu ô tô Long Biên; Trung tâm kinh doanh ô tô Long Giang; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vĩnh Phát; Công ty TNHH XNK quốc tế Anpha Việt Nam;…

Ngày 7/11, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 6397/UBND-TKBT kiểm tra, xử lý thông tin Tòa soạn Pháp luật Plus nêu về công tác quản lý đất đai tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng chiếm đất tại Khu tái định cư Đông Hội huyện Đông Anh.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Chủ tịch UBND huyện Đông Anh kiểm tra, xử lý tình trạng hàng nghìn m2 đất tại Khu tái định cư Đông Hội bị chiếm dụng thành bãi tập kết xe ô tô như Pháp luật Plus đã nêu. Thông tin trả lời Tòa soạn Pháp luật Plus; Báo cáo thành ủy; UBND Thành phố trước ngày 15/11/2016.

Video hàng chục nghìn m2 đất thuộc Khu Tái định cư Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) "biến" thành bãi xe.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 10, nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

Theo Phú Đô

Pháp luật Plus

Trở lên trên