Ukraine nhận tin vui liên tiếp từ Đức, Đan Mạch và Lithuania
Đan Mạch, Đức và Lithuania cùng lúc tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga đang tiếp diễn nóng bỏng.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen hôm 29-9 đã tới thủ đô Kiev – Ukraine.
Tại đây, ông Poulsen ký thỏa thuận quốc phòng trị giá 4,2 tỉ DKK (600 triệu USD) với người đồng cấp Ukraine Rustem Umierov và Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Herman Smetanin.
Bộ Quốc phòng Đan Mạch nhấn mạnh trước mắt họ sẽ giải ngân 1,3 tỉ DKK để hỗ trợ Ukraine củng cố kho vũ khí vốn đang chịu áp lực lớn do cuộc xung đột với Nga.
Tuyên bố còn nêu rõ Đan Mạch sẽ dùng tiền giải ngân của mình mua vũ khí và trang thiết bị quân sự được sản xuất tại Ukraine để viện trợ cho Kiev.
Ngoài ra, Đan Mạch cũng đã thông báo việc thành lập trung tâm phòng thủ chung tại Kiev nhằm hỗ trợ phát triển các mối quan hệ đối tác mới.
Đan Mạch là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ kể từ khi nổ ra xung đột giữa Kiev và Moscow hồi cuối tháng 2-2022.
Đầu năm nay, Đan Mạch đã ký thỏa thuận về đảm bảo an ninh kéo dài 10 năm với Ukraine, sau những thỏa thuận tương tự của Đức, Anh và Pháp.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cùng ngày cũng tuyên bố Berlin cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.
Mặc dù vậy, bà Annalena cho biết chính phủ Đức không ủng hộ đề xuất cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Đức là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Đức hiện phải đối mặt với những lời chỉ trích vì liên tục không đạt được mục tiêu NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng – theo Reuters.
Tin vui còn đến với Ukraine khi chính phủ Lithuania hôm 28-9 thông báo rằng một gói viện trợ quân sự bao gồm đạn dược, máy tính và vật tư hậu cần chuẩn bị đến tay Kiev.
Theo Vilnius, Lithuania đã chuyển giao đạn 155 mm, xe bọc thép M577 và M113, hệ thống chống máy bay không người lái (UAV), vũ khí chống tăng, hệ thống kích nổ từ xa và các thiết bị khác cho Ukraine kể từ đầu năm nay.
Động thái diễn ra khi quân đội Ukraine đang nỗ lực phục hồi sau những hậu quả nghiêm trọng do tình trạng thiếu đạn dược hồi mùa xuân. Tình trạng thiếu hụt này phần lớn là do sự chậm trễ trong hỗ trợ quân sự của Mỹ.
Đầu tháng 9, Lithuania đã công bố kế hoạch phân bổ 10 triệu euro để mua "tên lửa UAV" Palianytsia do Ukraine sản xuất để viện trợ cho chính Kiev.
Quốc gia vùng Baltic này đã cung cấp cho Ukraine trực thăng, UAV, xe bọc thép và thiết bị phòng không cùng với sự hỗ trợ nhân đạo rộng rãi.
Kể từ khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine cho tới nay, Lithuania đã hộ trợ quân sự trị giá hơn 683 triệu euro cho Kiev.
Người lao động