Ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Tại sao không thiết kế đô thị hình lòng chảo?
Cực chẳng đã người dân mới phải bỏ tiền mua xe máy. Rõ ràng nếu tính lợi ích kinh tế sử dụng phương tiện công cộng tiết kiệm, an toàn hơn nhưng tại sao người dân không lựa chọn dịch vụ này? Và trong 2 cái xấu, dĩ nhiên người ta chọn cái đỡ xấu hơn.
Giữa hai cái xấu chọn cái bớt xấu hơn
PGS. TS Nguyễn Hùng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, Hà Nội có quy hoạch tổng thể nhưng trên thực tế trong quá trình thực hiện phát sinh nên những người thực hiện quy hoạch xin điều chỉnh. Điều đáng tiếc là những sự điều chỉnh ấy lại không dựa trên nguyên tắc mật độ xây dựng bao nhiêu, hay nội đô có nên xây nhiều chung cư cao tầng nữa hay không?.
Hệ quả của tình trạng xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô theo PGS Hùng sẽ gây ra áp lực dân cư, tạo ra sự tắc nghẽn về giao thông. Trong khi đó, hạ tầng đô thị cũ cải tạo rất khó và tốn kém khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều này gây bức xúc cho người tham gia giao thông cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh hoạt của họ.
Không đồng tình với ý kiến cho rằng do phương tiện cá nhân phát triển quá nhanh cũng là một nguyên nhân gây tắc đường, GS Đặng Hùng Võ khẳng định, Hà Nội có những đặc thù rất riêng với những ngõ quá hẹp, phương tiện công cộng không thể vào được. Nếu cấm phương tiện cá nhân thì người dân sinh sống ở những khu vực này không biết đi bằng gì? trong hoàn cảnh của Hà Nội nếu không có biện pháp mạnh khó giải quyết được việc này.
“Rõ ràng câu chuyện cấm xe máy phải song hành cải thiện hạ tầng ở các ngõ hẻm để không còn cảnh nông thôn trong lòng đô thị thì chúng ta mới thực hiện được việc đó” – GS Hùng Võ nhấn mạnh.
PGS Nguyễn Hùng cũng lưu ý, phương tiện tham gia giao thông quá nhiều như hiện nay “là lỗi tầm nhìn”. Bởi “đáng lẽ khi phương tiện cá nhân chưa nhiều anh phải tổ chức phương tiện công cộng ngay, thậm chí bắt đầu hơi đắt nhưng tiện. Cực chẳng đã người dân mới phải bỏ tiền mua xe máy (nhà ít cũng phải 2 xe) chưa kể tiền xăng dầu cho từng xe. Rõ ràng nếu tính lợi ích kinh tế sử dụng phương tiện công cộng tiết kiệm, an toàn hơn (trong điều kiện mưa gió, rét mướt, chẳng ai muốn đi xe máy làm gì). Nhưng tại sao người dân không lựa chọn dịch vụ này? Là bởi vì nó có quá nhiều bất cập. Và trong 2 cái xấu, lẽ dĩ nhiên người ta chọn cái đỡ xấu hơn”- PGS Hùng nhấn mạnh.
Tại sao không xây dựng đô thị hình lòng chảo?
“Muốn giao thông không bị tắc nghẽn thì cần phải xây dựng đường xuyên tâm. Con đường ấy phải lớn, nhưng điều này ở Thủ đô Hà Nội lại không làm được. Ví dụ như đường chùa Bộc trước đây hay đường Lê Văn Lương mới đây mỗi bên chỉ 2, 5 làn xe là quá hẹp. Bởi hiện tại các chung cư dọc hai bên đường chưa được xây dựng hết đã tắc rồi chứng tỏ hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế” – PGS Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, PGS Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, những con đường như Lê Văn Lương đều là đường độc đạo. Điều này khiến cho khi xảy ra ùn ứ, người tham gia giao thông không có đường tránh. Tắc càng tắc thêm. Để khắc phục tình trạng này, PGS Hùng cho rằng cần phải mở những đường có kết nối ô vuông tạo hình bàn cờ để giải tỏa trong trường hợp bị tắc.
Đồng thời, PGS Hùng cũng đặt câu hỏi “Tại sao không thiết kế Thủ đô theo mô hình lòng chảo giống như Paris và các nước khác cũng thế?”. “Theo đó trong nội đô, khu vực hành chính cũ họ thường xây dựng nhà thấp tầng, càng vươn ra xa thì mới xây dựng nhà nhiều tầng (tập trung từ các đường vành đai trở ra)”- PGS Hùng băn khoăn.
Đồng tình với quan điểm này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường cũng lưu ý, ở các nước phát triển quy hoạch đô thị bao giờ cũng có hình lòng chảo. Tại Hà Nội thì từ thời Pháp đã kiến trúc như thế rồi, ở đó đáy lòng chảo chính là hồ Hoàn Kiếm xung quanh cao dần lên từ Nhà hát lớn đến Ngân hàng Nhà nước không có chuyện cao vượt hẳn lên. Hay như xung quanh Bờ Hồ không có nhà cao 5- 6 tầng mà chỉ ngang đến ngọn cây là cùng.
“Hà Nội nên học tập như kinh nghiệm của Pais khoanh khu vực nội đô cũ, cố gắng giữ nguyên trạng và phát triển ra ngoại đô như Hà Nội đã từng quy hoạch. Theo đó mở rộng về phía Tây, từ Mỹ Đình trở ra có thể xây chung cư lên tới 70- 80 tầng còn từ ranh giới khu Láng Hạ, sông Tô Lịch giữ lấy Hà Nội cũ với kiến trúc Pháp là chủ đạo” – GS Đặng Hùng Võ nói.