MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ùn ùn đi sắm Tết

05-02-2024 - 09:09 AM | Thị trường

Thị trường TP HCM những ngày cận Tết sôi động hơn hẳn. Theo giới kinh doanh, từ nay đến 30 Tết, khách hàng ưu tiên mua sắm ở những nơi hàng hóa đa dạng, di chuyển thuận tiện…

Sau 23 tháng chạp, lượng hàng hóa đưa về các chợ đầu mối, chợ lẻ và các hệ thống siêu thị ở TP HCM tiêu thụ tăng vọt. Lượng khách đến các nơi này mua sắm tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường dù nhà kinh doanh đã tăng thời lượng phục vụ bằng cách mở cửa sớm hơn, đóng cửa trễ hơn ngày thường.

Nhiều siêu thị đông nghịt người

Hai ngày cuối tuần (3 và 4-2), bãi giữ xe siêu thị Emart Gò Vấp (quận Gò Vấp) thường xuyên trong tình trạng quá tải do lượng khách đến mua sắm quá đông. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức), Co.opmart xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), AEON Tân Phú (quận Tân Phú), GO! An Lạc (huyện Bình Chánh), Lotte Nam Sài Gòn (quận 7)…

Bên trong khu vực mua sắm tự chọn của các siêu thị này, khách hàng chen chúc chọn hàng và xếp hàng dài chờ tính tiền. Tất cả siêu thị đã mở hết 100% quầy thu ngân và bố trí thêm một số quầy bên trong lẫn bên ngoài để giảm tối đa tình trạng ùn ứ ở khâu thanh toán. Cách 2 - 3 giờ, nhân viên siêu thị lại châm thêm hàng mới lên các quầy, kệ để bảo đảm luôn có đủ hàng hóa cần thiết cho khách mua sắm.

Sáng 4-2, nhiều khách hàng đi sắm Tết ở Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10) phải gửi xe ở những bãi giữ xe tự phát quanh siêu thị vì bãi xe của siêu thị đã chật kín chỗ. Sau hơn 1 giờ đi vòng quanh tầng trệt và tầng 1 Co.opmart Lý Thường Kiệt và mất thêm 20 phút xếp hàng chờ thanh toán, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (ngụ quận 8) ra về với xe hàng đầy. Chị Phương cho biết đã mua cơ bản đầy đủ các mặt hàng cần thiết cho Tết - từ bia, nước ngọt, hạt dưa, hạt điều, khô bò, khô mực, một số loại mứt, chả giò, chả lụa, thịt heo, gia vị, bún, mì đến bình hoa, hộp đựng mứt, tấm trải bàn… "Năm nay kinh tế eo hẹp, tôi mua mỗi thứ một chút nhưng cũng tốn hơn 2 triệu đồng. Từ nay đến 30 Tết cần thêm gì thì sẽ ra chợ gần nhà mua cho tiện" - chị Phương nói.

Ở MM Mega Market An Phú (quận 2), đến hơn 13 giờ, lượng khách mua sắm vẫn đông nghịt. Lối đi giữa các kệ hàng ngày thường rất rộng rãi, nay trở nên chật chội. Tại khu vực thực phẩm khô và thực phẩm tươi sống, người và xe đẩy hàng phải lách qua nhau để di chuyển.

Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing hệ thống MM Mega Market, cho biết so với cùng kỳ Tết 2023, lượng khách mua sắm tại các siêu thị MM Mega Market ở TP HCM đã tăng gần 10%, doanh số tăng khoảng 3%. "Ngành hàng tươi sống đang tăng trưởng mạnh nhất. Trong khi đó, mặt hàng bia, nước ngọt lại ế ẩm" - ông Khôi thông tin.

Không chỉ ở hệ thống siêu thị này mà tại các hệ thống bán lẻ khác, mức tăng về lượng khách đến mua sắm đang bỏ xa mức tăng doanh số do giá trị từng đơn hàng Tết này thấp hơn so với Tết 2023. Điều đó phản ánh sự lựa chọn siết chặt chi tiêu của hầu hết người tiêu dùng Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền. "Người dân vẫn mua sắm Tết nhưng ít lại, chỉ chọn những thứ cần thiết" - ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM, nhận định.

Ùn ùn đi sắm Tết - Ảnh 1.

Chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) đông nghịt khách trong những ngày cận Tết. Ảnh: LÊ TỈNH

Chợ đã vui hơn

Tại các chợ lẻ, không khí cũng rộn ràng trong những ngày cận Tết. Gần 7 giờ ngày 4-2, các con đường dẫn vào chợ Nhị Thiên Đường (quận 8) chật ních người và xe đi sắm Tết. Dọc đường Hoàng Minh Đạo, người bán bày hoa tươi, trái cây, rau củ, bánh mứt, nhang đèn, thủy hải sản, quần áo… tràn ra lòng đường; cảnh mua bán rất xôm tụ.

Tại chợ Bến Thành (quận 1), khách du lịch, khách đi chợ Tết cũng đông đúc hơn hẳn những ngày trước. Đang lấy sản phẩm cho khách dùng thử, bà Thái Thủy - tiểu thương bán bánh kẹo, mứt, hạt - cho biết sức mua cuối năm tăng mạnh nhờ Việt kiều về quê đón Tết.

"Nhiều khách Việt kiều đi tham quan chợ và mua mứt, kẹo để ăn Tết và biếu người thân. Họ mua nhiều lắm, mỗi người khoảng 2 - 3 triệu đồng là bình thường. Sáng nay tôi mới bán hơn 10 thùng mứt xoài, 3 thùng mứt dừa, 20 kg hạt dưa, hạt hướng dương. Giá cả dịp Tết bán nhỉnh hơn ngày thường 5.000 - 10.000 đồng/kg để trả thêm lương cho nhân viên" - bà Thủy khoe.

Tại sạp bán các loại trái cây, ông Nguyễn Phi Long cho hay doanh thu trong những ngày cận Tết đã tăng hơn ngày thường khoảng 20%. "Cuối năm nên trái cây nào cũng tăng giá, như xoài keo tăng 7.000 đồng/kg, táo đỏ 9.000 đồng/kg" - ông Long nói.

Tại chợ Tân Định (quận 1), sức mua đã tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Bà Trương Hải, tiểu thương bán rau củ quả, cho biết từ ngày 22 tháng chạp, lượng rau củ bán ra mỗi ngày đã tăng gấp 3 lần. "Mấy ngày qua bán nhiều lắm, khách toàn mua số lượng lớn để làm tất niên, họp mặt… Mỗi ngày tôi bán được hơn 500 kg rau củ, trong khi ngày thường tối đa chỉ được 200 kg" - bà Hải nói. Theo bà Hải, giá hầu hết các loại rau củ vẫn ổn định, tiểu thương cũng chủ động không tăng giá để bán được hàng nhanh và nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thu Thanh, tiểu thương bán thịt heo, cho biết nhiều khách quen đã đặt thịt heo để làm thịt kho hột vịt, nấu mâm cúng cuối năm. Lượng khách đặt hàng không giảm nhưng số lượng từng đơn hàng thì giảm so với Tết năm rồi. "Năm trước, họ đặt 10 kg thịt sườn, giò heo, ba chỉ… thì năm nay chỉ đặt 7 - 8 kg, dù giá thịt heo đang rẻ. Khách vãng lai thì không tiện đâu mua đó như trước mà thường tham khảo giá nhiều nơi rồi mới mua. Có lẽ làm ăn khó khăn nên họ tiết kiệm" - bà Thanh nói. 

Hàng khuyến mãi có bớt "hot"?

Thống kê nhanh của hệ thống MM Mega Market cho thấy tỉ lệ hàng khuyến mãi trong giỏ hàng của khách trong những ngày gần đây đã giảm mạnh: từ hơn 30% của những tuần trước, nay chỉ còn hơn 20%.

Giải thích hiện tượng này, đại diện MM Mega Market cho biết do đang cao điểm mua sắm, lượng người mua sắm đông nên khách hàng không có thời gian lẫn không gian để ưu tiên tìm mua hàng khuyến mãi như trước. Thay vào đó, khách hàng chọn mua sắm ở nơi bán đủ các món hàng cần mua, không gian mua sắm thoải mái, thủ tục thanh toán thuận lợi, bãi giữ xe phục vụ tốt... và chấp nhận mua hàng với giá bình ổn, hợp lý.

Nắm bắt tâm lý của khách hàng, các hệ thống siêu thị, cửa hàng đã tăng lượng hàng, đồng thời tăng các dịch vụ, tiện ích... để tạo thuận lợi tối đa cho khách mua sắm. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ còn chuẩn bị nhiều mặt hàng có giá tiết kiệm, giữ ổn định giá nhóm hàng thiết yếu, bố trí hàng giảm giá ở những vị trí thuận tiện cho khách mua sắm...


Theo Thanh Nhân - Lê Tỉnh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên