MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng biến như thời chiến, không giảm lương nhân viên, quyết đẩy lùi virus sợ hãi... là cách những doanh nhân BĐS vượt qua đại dịch Covid-19

13-10-2021 - 14:01 PM | Bất động sản

Dịch Covid-19 ập đến như một tai nạn bất ngờ nhưng với ý chí bền chỉ, quyết tâm sắt đá và tinh thần thép những doanh nhân ngành bất động sản đã vượt bão thành công.

"Doanh nghiệp phải tìm cách ứng biến như thời chiến" - Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngành nghề cốt lõi của FLC trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng và hàng không chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thị trường, thậm chí ảnh hưởng ở mức độ toàn cầu.

"Rất nhiều người đặt câu hỏi: vậy tình hình FLC ra sao? Tôi có thể trả lời là FLC chịu ảnh hưởng rất lớn nhưng đến hiện tại vẫn kiểm soát rất tốt. Với chúng tôi những gì xấu nhất đã qua", ông Quyết cho hay.

Cũng theo ông Quyết từ năm 2020 dịch bệnh đến bất thình lình và hầu như không có một phương án chuẩn bị nào để tiên liệu trước, từ nhà nước đến người dân. Giống như bão, thiên tai địch họa đến gấp không có sự chuẩn bị. Máy bay dừng bay bất thình lình, khách sạn đóng cửa. Và hầu như doanh nghiệp nào chịu ảnh hưởng của dịch cũng phải chứng kiến dòng tiền đứt gãy".

Ứng biến như thời chiến, không giảm lương nhân viên, quyết đẩy lùi virus sợ hãi... là cách những doanh nhân BĐS vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chia sẻ về kinh nghiệm thích ứng kinh doanh trong thời điểm thách thức nhất, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cho biết dịch bệnh ở Việt Nam luôn trong tình trạng On – Off. Nếu doanh nghiệp cứ đóng cửa hoàn toàn thì không thể ứng phó được mà phải tìm cách ứng biến như thời chiến.

"Tức là ở tình trạng Off thì bảo toàn nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, các kế hoạch là nếu được mở cửa thì phải làm ngay những việc gì. Để một khi mở cửa, phải tận dụng được ngay cơ hội được đi lại để tiếp sức cho doanh nghiệp", ông Quyết nhấn mạnh.

Người đứng đầu FLC cho biết, tinh thần này đã giúp FLC phục hồi thần tốc, các quần thể du lịch kín khách ngay khi được phép hoạt động trở lại, các chuyến bay luôn trong tình trạng "Full slot".

"Ngay ở đợt dịch lần thứ tư, chúng tôi vẫn đã và đang chuẩn bị sẵn sàng. Chuyến bay thẳng Việt – Mỹ của Bamboo Airways vừa qua là kết quả của sự chuẩn bị lâu dài và tinh thần ứng biến đó. Có thể nói là một chặng đường không mệt mỏi trong suốt 3 năm về hồ sơ, pháp lý, con người... Chúng tôi không thể đợi đến khi dịch bệnh mới bắt tay vào làm bởi lúc đó đã quá muộn", ông Quyết nói.

"Virus sợ hãi mới thực sự đáng sợ cho doanh nghiệp" - Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải

Chưa bao giờ các doanh nghiệp phải trải qua thách thức với khó khăn như đợt Covid này và thực sự đến ngày hôm nay khi cả nước đang phải gồng mình với làn sóng Covid thứ 4 đầy phức tạp mà chưa biết bao nhiêu lâu nữa mới có thể vượt qua được.

Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho biết: "Tôi thực sự tâm đắc với khẩu hiệu mà Chính phủ đã lựa chọn: "Bình thường mới", đó là triết lý để các doanh nghiệp bám vào và hành động. Coi dịch trở thành một việc hết sức bình thường, mình phải làm mới để thích nghi chứ không thể chờ nó kết thúc để bắt tay trở lại công việc. Vì kể cả sau khi dịch kết thúc, hệ quả để lại như thế nào và trong bao lâu cũng chưa ai lường trước được. 

"Nhìn chung toàn cảnh thì thách thức, khó khăn rất lớn nhưng tôi cho rằng có một virus khác đang trở thành rào cản lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thực hiện dự án, đó là virus sợ hãi", chủ tịch Alphanam cho biết.

Theo ông Hải, sự tồn tại của virus sợ hãi đã ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình dài trước đây và suốt đợt dịch vừa qua, gây ra tình trạng ách tắc dự án, cũng như nhiều vướng mắc rất bức bách của doanh nghiệp. Điều này có nguy cơ trở thành cục máu đông của nền kinh tế.

Ứng biến như thời chiến, không giảm lương nhân viên, quyết đẩy lùi virus sợ hãi... là cách những doanh nhân BĐS vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nói về Alphanam, ông Hải chia sẻ trong đợt dịch này, Alphanam cũng có những mất mát, thiệt hại liên quan đến lĩnh vực du lịch. Nhưng đây là dịp buộc chúng tôi đánh giá lại và có chiến lược mới. Nhìn ở góc độ nào đó thì đây là giai đoạn để mình có những sự sáng tạo phù hợp với bối cảnh chung. Một điều mà chúng ta đều nhận thấy, đó là việc đánh giá lại tiềm năng của thị trường nội địa. Một thị trường tốt như thế, tại sao chúng ta không tập trung khai thác và tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt thực sự chất lượng?

"Gần đây Bộ Chính trị Kết luận số 14 về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Giải quyết cục máu đông để khơi thông kinh tế, khơi thông đời sống, hoạt động trở lại là cần thiết", đại diện Alphanam mong những ách tắc của doanh nghiệp cũng được Chính phủ đưa vào "luồng xanh" để giải quyết nhanh, quyết liệt như những quyết sách áp dụng với cuộc chiến Covid vừa qua.

"Nhân viên nhắn tin xin được đề xuất giảm lương nhưng tôi từ chối"-  Tập đoàn Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Nguyễn Đình Trung

Nói về dịch Covid -19 vừa qua, chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Nguyễn Đình Trung cho biết: "Với tôi, ai đã đi qua dịch bệnh Covid-19 sẽ như là "nhân chứng sống của lịch sử", chúng ta phải thấu hiểu nó và có trách nhiệm hết sức với nó. Trong giai đoạn vừa rồi, doanh nghiệp nào cũng khó khăn cả, nhưng nếu chúng ta không chung lòng thì khó khăn trước mắt sẽ không bao giờ kết thúc. 

Do đó, với bản thân tôi và Hưng Thịnh hiểu rằng doanh nghiệp cần có trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội. Khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, chúng tôi cùng nhau chung sức với chính quyền và nhân dân bằng chính cái tâm của mình, bởi có rất nhiều số phận khổ hơn mình và cần phải làm điều đó".

Ứng biến như thời chiến, không giảm lương nhân viên, quyết đẩy lùi virus sợ hãi... là cách những doanh nhân BĐS vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Trong giai đoạn khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Đình Trung tiết lộ Hưng Thịnh vẫn đảm bảo 100% lương cho nhân viên, thành lập đội ngũ hỗ trợ y tế đến các gia đình cán bộ, công nhân viên nhiễm bệnh…

 "Có rất nhiều bạn là cán bộ nhân viên trong Tập đoàn nhắn tin cho tôi, xin được đề xuất giảm lương để chia sẻ với Tập đoàn. Tôi cảm ơn các bạn về điều đó. Tuy nhiên, tôi quyết định không giảm lương các bạn. Tôi vẫn trả lương các bạn đầy đủ và tôi mong các bạn hãy dành một phần lương mà các bạn định xin giảm đó gửi về giúp gia đình hoặc những người gặp khó khăn mà các bạn thấy cần giúp. Đó cũng là cách mà các bạn giúp Tập đoàn mang văn hoá sẻ chia đến với người khác", ông Nguyễn Đình Trung cho biết.

Lan Nhi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên