MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch: Lối ra cho nông sản Việt

17-04-2017 - 13:56 PM | Thị trường

Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch ở nước ta còn yếu dẫn đến tình trạng nông sản “được mùa - mất giá” cứ lặp đi lặp lại.

Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch ở nước ta hiện rất yếu nên chất lượng nông sản thấp, hạn chế khả năng xuất khẩu, dẫn đến tình trạng nông sản “được mùa - mất giá” cứ lặp đi lặp lại.


Chế biến dứa sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị nông sản

Chế biến dứa sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị nông sản

Vòng luẩn quẩn của nông sản

“Giải cứu nông sản” có lẽ là cụm từ không còn mới đối với mỗi người dân Việt Nam. “Giải cứu chuối”, “giải cứu cà chua”, “giải cứu bắp cải” và mới đây là “giải cứu dưa hấu”... là điệp khúc lặp đi lặp lại những năm gần đây. Có tận mắt chứng kiến những cánh đồng bắp cải, cà chua, dưa hấu bị bỏ mặc ngoài đồng không ai thu hoạch mới thấy xót xa. Còn người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn. Tiền bán nông sản không bằng tiền thu hoạch nông sản nên dẫn đến tình trạng dưa hấu, bắp cải, cà chua bỏ mặc để chín rục ngoài đồng, chuối đổ cho gà, lợn ăn. Và cái vòng luẩn quẩn của nông sản cứ thế tiếp diễn.

Lý giải về tình trạng này không ít chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản, nhưng tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, 14% đối với lúa gạo, 25 - 30% với chăn nuôi, rau củ quả..., chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Vấn đề bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng, song công nghệ ứng dụng sau thu hoạch còn yếu nên các sản phẩm chế biến tinh chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân rất khó tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, giảm tỷ lệ hao hụt nông sản. Do ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu nên dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người dân không thể chuyển sang chế biến, bảo quản. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều loại nông sản “được mùa - mất giá” khiến cho người nông dân rơi vào cảnh lao đao.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) thừa nhận với phóng viên, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch của nước ta lâu nay vẫn chưa theo kịp trình độ và năng lực sản xuất của nông dân và các nước trong khu vực. “Công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam trước nay so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn thua kém nhiều. Việc này do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do sản xuất còn manh mún. Thứ hai, chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, nên có công nghệ nhưng chỉ phù hợp với doanh nghiệp chứ không phù hợp với bà con nông dân”, bà Lan cho hay.

Cần cơ chế thu hút doanh nghiệp

Một câu chuyện được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua là đa số nông dân vẫn còn đơn độc trong sản xuất. Nếu người dân có thể liên kết với doanh nghiệp để chế biến nông sản sau thu hoạch thì có lẽ nông sản không phải đổ bỏ như những ngày qua. Mặc dù, Bộ KHCN đã có các chương trình nghiên cứu ứng dụng KHCN trong lĩnh vực sau thu hoạch, tuy nhiên, do kinh phí đầu tư cho nghiên cứu có hạn, nên kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất. Nước ta còn ít các vùng chuyên canh, những cánh đồng mẫu lớn để việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch được thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa mặn mà đầu tư phát triển vì tính rủi ro cao, đầu tư lớn mà lâu thu hồi vốn. Hiện các nhà khoa học đang phải “tự bơi” để tìm cách đưa những ứng dụng của mình kết nối với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa “mặn mà”, còn nông dân thì hạn chế thông tin và ít kinh phí. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế để thu hút doanh nghiệp tham gia vào ứng dụng công nghệ sau thu hoạch.

Trả lời câu hỏi, bao lâu nữa thì Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực? Bà Lan chia sẻ: “Đó là bài toán khó. Hiện nay cần đánh giá thực trạng công nghệ chế biến Việt Nam, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp như thế nào. Mình cũng cần xem xét công nghệ thế giới, khi đó mới có thể xem xét lộ trình tiếp cận công nghệ tiên tiến. Giải quyết bài toán này không thể nhanh, vì nó vừa là vấn đề hành lang cơ chế chính sách, vừa là vấn đề vốn, thuế, còn nhiều cơ chế khác, vừa liên quan đến đầu tư mũi nhọn và năng lực tiếp cận của doanh nghiệp”.

Trước thực trạng này, mới đây Bộ KHCN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc khai trương các điểm kết nối cung cầu nhằm cung cấp thông tin về công nghệ. Trao đổi với phóng viên Báo TNVN, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết, đây là nguồn cung về công nghệ của Hàn Quốc và các nước trên thế giới cho các doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là điểm các doanh nghiệp có thể đến và kết nối với các chuyên gia về công nghệ ở các nước trên thế giới. “Chúng tôi hy vọng điểm kết nối này ra đời sẽ hết sức hữu ích cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để tìm kiếm những công nghệ tiên tiến và phù hợp để giúp cho việc đổi mới công nghệ sau thu hoạch”, ông Tùng nhấn mạnh./.

Theo Ánh Phươnng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên