Ứng dụng nhắc nhở về cái chết 5 lần/ngày: Liệu có hạnh phúc như người Bhutan?
Nếu có người nhắc bạn nhớ "Bạn sẽ chết" năm lần trong một ngày, liệu bạn sẽ thấy mình trân quý cuộc sống hơn, hay nó chỉ khiến bạn thấy lo lắng, trầm cảm hơn?
- 09-04-2021Quốc gia hạnh phúc Bhutan khiến thế giới kinh ngạc: Tiêm chủng cho hơn 50% dân số trong 1 tuần chỉ với 37 bác sĩ
- 05-03-2021Những điều độc nhất vô nhị ở 'Vương quốc hạnh phúc' Bhutan: Không smartphone, không thuốc lá và không GDP
- 03-03-2021Sự thật thông tin Việt Nam vượt Bhutan trở thành 1 trong 5 quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới đang được cư dân mạng chia sẻ rầm rộ
Cái chết là vấn đề nhạy cảm với mọi con người còn tồn tại trên trái đất này. Nhưng sự thật là không ai trường sinh bất lão và tránh được cái chết trong tương lai chưa xác định cả. W.H. Auden đã từng nói: "Cái chết là tiếng sấm từ đằng xa trong một buổi picnic đẹp trời". Tuy nhiên, thay vì sợ sệt và tránh đề cập đến vấn đề nhạy cảm này thì lại có người nghĩ nếu được nhắc nhở liên tục về cái chết sẽ khiến người ta trân trọng cuộc sống hiện tại hơn.
Tại Bhutan, người ta truyền tụng câu nói: để được hạnh phúc, con người phải nhắc nhớ về cái chết năm lần mỗi ngày. Điều này đã truyền cảm hứng cho ứng dụng WeCroak ra đời, trong đó mỗi ngày người dùng sẽ được gửi năm thông báo gợi nhắc về việc dừng mọi công việc lại và suy nghĩ về "tận thế" của bản thân. "Thông báo tử thần" này sẽ bao gồm những câu nói, nhận định về cái chết của những nhà thơ, triết gia, nhân vật nổi tiếng như Kierkegaard, Pablo Neruda, Margaret Atwood và sau đó được gửi đi vào bất cứ thời gian nào trong ngày, cũng giống như việc cái chết có thể đến bất cứ lúc nào mà ai biết được.
Thông báo này sẽ được coi là giúp người ta chậm lại, tập hít thở sâu hoặc thiền định. Thường xuyên trải nghiệm “đối diện với cái chết” được tin là có thể giúp người dùng chấp nhận thực tại đang xảy ra, buông xuôi những thứ phù du không cần thiết và trân trọng những giá trị mình đang có.
Chúng ta đang trải qua một thời kì khủng hoảng chuyển động chậm (slo-mo crisis) với hàng loạt những sự kiện và hiện tượng đe dọa đến sự sống của con người. An toàn trong xã hội giảm dần theo từng năm, băng đang tan nhanh hơn, các đại dương đang nóng lên từng ngày với tốc độ chóng mặt. Hiểm họa về sự sống còn luôn luôn rình rập bất cứ ai. Thỉnh thoảng, những lời đe dọa tử thần này sẽ trở nên “sống động” và “rõ thấy” hơn bao giờ hết khi các thảm họa thiên nhiên xảy ra hay thông qua các bản báo cáo khí hậu của Liên Hợp Quốc, chỉ là guồng quay thông tin xã hội, tài chính, kinh tế,... đã cuốn đi những tin tức ấy mà ta lại quên dần mất về sự mong manh của sự sống.
Chắc hẳn bạn chưa quên về sự xuất hiện của một ý tưởng năm 1947, cũng nhằm nhắc nhở con người về cái chết đang cận kề. Đó chính là Đồng hồ ngày tận thế (tên tiếng Anh: Doomsday Clock), được ban lãnh đạo của tờ báo Bulletin of the Atomic Scientists thuộc Đại học Chicago nhằm đưa ra mức độ cảnh báo về chiến tranh hạt nhân ở phạm vi toàn cầu. Theo đó hiểm họa hạt nhân càng lớn bao nhiêu thì chiếc đồng hồ càng chạy gần lại thời điểm nửa đêm (12 giờ đêm hay 0 giờ) bấy nhiêu. Cùng với sự phát triển của các loại vũ khí hủy diệt và vũ khí công nghệ cao khác, đồng hồ ngày tận thế hiện nay được dùng để cảnh báo mối đe dọa với thế giới đến từ tất cả những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể đe dọa loài người như sự tàn phá môi trường, biến đổi khí hậu hay vũ khí công nghệ nano với thông điệp gửi đi là con người đang ở ngưỡng "chỉ còn vài phút nữa là tới nửa đêm. Từ cuối tháng 1 năm 2020 đồng hồ ngày tận thế tiếp tục tăng thêm 20 giây và chỉ còn kém 1 phút 40 giây là đến nửa đêm.
Doomsday Clock
Được thiết kế với cùng ý tưởng như Doomsday Clock, ngoài các ứng dụng nhắc nhớ về cái chết, đã có vô vàn nhiều cách thức mà người ta đã từng nghĩ ra chỉ để “đe dọa” người khác như vậy. Hãy thử tra cứu về website mang tên The Death Clock, trong đó bạn sẽ được dự đoán về ngày chết của mình thông qua những thông tin cụ thể như số tuổi, BMI, thói quen ăn uống, có hút thuốc không,... Một vài năm trước, bộ phim kinh dị Countdown cũng mô phỏng một ứng dụng mà người dùng sẽ thương lượng với quỷ dữ để đếm ngược thời gian chết của mình. Mặc dù có tồn tại ứng dụng như vậy ngoài đời thực, chắc chắn không có yếu tố siêu nhiên kì bí, nhưng không ít người vẫn hết sức “lạnh gáy” khi biết đến chúng trên App Store.
Thay vì hù dọa người dùng vô lý, những câu nói, châm ngôn truyền cảm hứng trong các ứng dụng gợi nhắc về cái chết thường được chọn lọc với mục đích đơn giản là giúp người ta thực hành sự tỉnh thức, dừng lại những hoạt động đang làm và xem xét xem nó cứ thực sự có ý nghĩa cho cuộc đời mình không. Điều đặc biệt là WeCroak được phát minh ra khi nhà sáng lập đang bị ám ảnh với trò chơi cực nổi tiếng mà nhiều người Việt cũng đều có trong smartphone của mình: Candy Crush. Việc bị nghiện các trò chơi hay dành hàng tá thời gian chìm đắm vào việc lướt mạng xã hội TikTok, Facebook hay Instagram đã ngốn rất nhiều thời gian mà người dùng có thể dành cho các hoạt động hữu ích khác, và quên về sự thật là mình có thể sắp chết, hãy sống ý nghĩa hơn. Do đó, những ứng dụng gợi nhắc về cái chết có thể được coi là “công nghệ được sinh ra để giải quyết những vấn đề tiêu cực mà công nghệ gây ra”.
Trong khi người ta tránh nói về cái chết, bị coi là một điềm xấu, thì có thể thực hành” suy nghĩ về cái chết” này của người Bhutan được xuất phát sâu xa từ đặc điểm văn hóa và tâm linh của nơi đây. Họ tin vào thuyết luân hồi trong Phật giáo và để tang 49 ngày cho người chết.
Nếu bạn tin rằng bạn sẽ có kiếp sau, bạn sẽ ít lo sợ về sự kết thúc của kiếp sống hiện tại. Như trong Kinh Phật dạy, "Sợ chết chẳng khác gì sợ bỏ đi một cái áo cũ rách".
Bhutan - quốc gia Phật Giáo
Đối với họ, đây không phải là một điềm gở, cũng chẳng phải nỗi buồn hay sợ hãi. Chính sự đối mặt với cái chết khiến họ mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực và bình thản hơn. Nhờ đó, dân bản địa nơi đây trân trọng cuộc sống, biết tận hưởng từng giây phút vui vẻ bên mọi người. "Những người giàu ở phương Tây không chạm vào xác chết, vết thương hay sự thối rữa. Đây cũng là một vấn đề. Chúng ta phải sẵn sàng cho thời điểm mà chúng ta không còn tồn tại nữa chứ", người dân tại Bhutan quan niệm.
Tuy nhiên, theo một số người nghĩ, việc sử dụng những ứng dụng để dễ dàng thường xuyên nghĩ về cái chết là điều không cần thiết. Chắc chắn ta không thể phủ nhận là ý tưởng “khác người” này có thể chẳng có ích lợi gì mà chỉ đem lại sự lo lắng, bồn chồn. “Khác những loại thông tin khác như dự báo thời tiết, xác định địa điểm trên Google Map, tìm kiếm nhà hàng, dự báo tình hình tài chính, biết nhiều hơn về cái chết không có nghĩa là tôi kiểm soát được nó. Nếu biết về thứ mà tôi không có khả năng kiểm soát được thì chỉ khiến tôi nghĩ quẩn mà thôi”, một người dùng chia sẻ.
Dạo gần đây khi mọi người bị nhốt trong guồng xoay của công việc, các mối quan hệ và quên mất đi việc chánh niệm trong thực tại, liệu đây có phải một ý tưởng phù hợp để nhắc nhở người ta về cuộc sống tươi đẹp vẫn đang hiện hữu và có cái nhìn thanh thản hơn trước những sự việc tiêu cực hay không?
Nguồn: WIRED
Pháp luật và bạn đọc