Ứng phó với biến động tỉ giá
USD tăng giá mạnh đã ảnh hưởng tới giá bán một số mặt hàng trong nước.
- 21-10-2022Tỷ giá USD ngày 21/10 tiếp tục tăng mạnh
- 20-10-2022Tỷ giá ngân hàng tăng gần 2% từ đầu tuần, USD tự do tăng tiếp lên 25.100 đồng
- 18-10-2022Chuyên gia: Trong ngắn hạn, nới biên độ tỷ giá là phù hợp
Sau động thái nâng biên độ tỉ giá giao ngay USD/VNĐ từ 3% lên 5% từ ngày 17-10 của Ngân hàng (NH) Nhà nước, giá USD trên thị trường đã bật tăng mạnh những ngày gần đây.
Đến ngày 20-10, giá USD ở các NH thương mại giao dịch phổ biến quanh 24.370 đồng/USD mua vào, 24.650 đồng/USD bán ra, tăng 50 đồng/USD so với ngày trước đó. Giá USD trên thị trường tự do tăng tới 300 đồng lên 24.980 đồng/USD mua vào, 25.080 đồng/USD bán ra, cao nhất từ trước đến nay.
Nhập khẩu chịu nhiều áp lực
Trước việc tỉ giá tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch có khai thác tour outbound (du lịch nước ngoài) tỏ ra hết sức lo lắng. Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế Vinagroup, cho hay công ty đang có nhiều tour đưa khách Việt ra nước ngoài du lịch và các đối tác ở nước ngoài thường tính bằng giá USD.
"Thời điểm bán tour cho khách, công ty tạm tính theo giá USD niêm yết ở NH nên nay giá USD tăng cao sẽ rất khó khăn cho DN. Thậm chí nhiều tour đang lãi thành lỗ vì tỉ giá. Những đoàn khách lớn hoặc tour có giá trị cao sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí tổ chức tour của DN, vì lữ hành là ngành có biên lợi nhuận rất thấp" - ông Vũ lo lắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện 1 tour đoàn có tổng chi phí khoảng 10.000 USD, DN lữ hành phải bù thêm chênh lệch tỉ giá khoảng 15 triệu đồng. Mỗi đoàn thanh toán dịch vụ ở nước ngoài tối thiểu 20.000 USD thì DN lỗ khoảng 30 triệu đồng.
"Nếu tỉ giá tiếp tục tăng sẽ rất căng cho DN lữ hành quốc tế vì giá tour đã công bố để bán cho khách từ trước. Hiện chúng tôi đang lên phương án với tour đoàn có thể ấn định 1 mức tỉ giá tương đương khi ký hợp đồng với khách, nếu tỉ giá tăng sẽ phụ thu và ngược lại sẽ giảm giá cho khách. Nhưng với khách lẻ thì chưa có giải pháp vì giá tour bán theo VNĐ và bán ra trước 3-6 tháng nên rất khó thay đổi giá lúc khởi hành" - ông Vũ băn khoăn.
Giá USD tăng cao thời gian qua gây khó cho cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp. Ảnh: TẤN THẠNH
Ở lĩnh vực bán lẻ, giới kinh doanh cho rằng tỉ giá tăng cao chắc chắn sẽ tác động đến hàng tiêu dùng nhập khẩu. Giám đốc một siêu thị điện máy tại TP HCM cho biết do giá USD tăng mạnh nên một số hãng điện máy đã thông báo tăng giá 2%-3% từ tháng 11 tới.
Tuy nhiên, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng có tăng hay không còn tùy thuộc vào sức mua của thị trường. Nếu sức mua quá yếu có thể DN bán lẻ sẽ chưa tăng giá bán ngay mà sẽ chuyển sang một vài tháng sau. Còn trường hợp thị trường tiêu thụ tốt, DN buộc phải tăng giá để bù vào phần thiếu hụt.
Tương tự, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, thông tin việc giá USD tăng đã ảnh hưởng tới giá bán một số mặt hàng. Cụ thể từ đầu tháng 10, giá các sản phẩm laptop nhập về Việt Nam đã tăng từ 500.000 đến gần 1 triệu đồng mỗi máy. Các sản phẩm Apple ra mắt gần đây như iPad 2022, iPad Pro 11 M2 dù giá bán của hãng không thay đổi so với thế hệ trước nhưng giá bán cho đại lý tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 5% vì giá USD tăng.
Mặt hàng ôtô nhập khẩu thường được tiêu thụ mạnh vào cuối năm cũng đang chịu áp lực bởi tỉ giá. Thực tế, những lô xe nhập khẩu gần đây đã cộng thêm mức biến động tỉ giá. Tuy nhiên, ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, cho biết giá bán xe tăng hay giảm còn tùy thuộc vào dung lượng thị trường của từng mẫu xe. Chẳng hạn những mẫu xe tiêu thụ yếu thì nhà phân phối khó có cơ hội tăng giá theo tỉ giá, ngược lại các mẫu xe bán chạy, việc tăng giá bán sẽ dễ dàng hơn.
Doanh nghiệp xuất khẩu chưa vội mừng
Trong báo cáo đánh giá sơ bộ về việc nới biên độ tỉ giá lên 5%, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định các lĩnh vực có thể chịu tác động tiêu cực như hàng không, thép, tiện ích, tập đoàn đa ngành; trong khi tích cực đối với ngành hóa chất, thủy sản, khu công nghiệp.
Chẳng hạn như ngành hàng không, chi phí thuê máy bay chiếm phần lớn chi phí và phải trả bằng USD trong khi doanh thu quốc tế vẫn chưa trở lại sau dịch COVID-19. Các DN thép cũng phải nhập nguyên liệu bằng USD, một số khoản nợ bằng USD; hay tập đoàn đa ngành với nợ vay bằng USD có thể tác động tới chi phí tài chính và các khoản lỗ chênh lệch tỉ giá tiềm ẩn chưa được thực hiện.
Đổi lại, với ngành thủy sản xuất khẩu, hơn 60% tổng doanh thu là từ thị trường Mỹ nên việc đồng USD tăng giá sẽ có tác động tích cực. Các DN trong lĩnh vực khu công nghiệp, giá cho thuê cũng thường được niêm yết bằng USD và được ghi nhận trực tiếp vào doanh thu, dù phát sinh lãi/lỗ tỉ giá...
Một cán bộ tín dụng chuyên trách mảng DN của Eximbank thừa nhận đã có một số DN nhập khẩu bị ảnh hưởng vì tỉ giá tăng. Bởi các DN này đã nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ nhiều tháng trước nhưng chưa thanh toán cho đối tác nước ngoài. Đến thời điểm này, DN họ buộc phải mua USD với giá cao để trả cho đối tác, có thể dẫn đến thua lỗ.
"Mặt khác, do tỉ giá tăng nên giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, DN có thể rơi vào thế bí vì trước đó họ đã ký hợp đồng cung cấp hàng hóa cho khách hàng với giá thấp. Còn DN xuất khẩu cũng chưa chắc đã có lợi vì phần lớn sản phẩm xuất khẩu đều phải nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất. Thế nên, để ứng phó với biến động tỉ giá, DN có thể đề nghị NH bán USD tương lai với mức giá cao hơn hiện tại khoảng 50-100 đồng/USD nhằm phòng ngừa rủi ro khi tỉ giá tăng đột biến" - vị cán bộ tín dụng Eximbank khuyến nghị.
Lãnh đạo Vietcombank Chi nhánh TP HCM cho biết sau khi biên độ giao dịch tỉ giá VNĐ/USD tăng lên 5%, thị trường ngoại tệ đã thiết lập mặt bằng tỉ giá mới. Các DN có nguồn thu ngoại tệ tranh thủ bán hoặc thanh toán ngay các khoản vay bằng USD. Còn DN nhập khẩu vẫn tích cực mua USD để nhập khẩu hàng hóa. Do cung - cầu USD không mất cân đối nên tỉ giá những ngày gần đây dù tăng nhưng chưa khi nào chạm trần 5%. Cụ thể, ngày 20-10, giá ngoại tệ tại Vietcombank mua vào phổ biến 24.350 đồng/USD, bán ra 24.630 đồng/USD, tăng 4% so với với tỉ giá trung tâm 23.682 đồng/USD.
Dưới góc độ DN, ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn), cho biết trong bối cảnh tình hình lạm phát tiếp tục tăng ở châu Âu, Mỹ, đồng USD không ngừng mạnh lên, việc NH Nhà nước điều chỉnh biên độ tỉ giá là dễ hiểu. Đối với DN xuất khẩu, khi làm việc với các NH thương mại để bán ngoại tệ sẽ có thể thỏa thuận để có giá giao dịch tốt nhất và phù hợp thực tế, có sự linh hoạt cho cả NH và DN.
"Căn cứ vào nhu cầu thực tế tại từng thời điểm về nhu cầu dự trữ nguyên liệu, DN sẽ thương lượng với NH thương mại để có mức giá giao dịch ngoại tệ tốt nhất, tiêu chí là giảm tồn kho trong bối cảnh khó khăn ở châu Âu, sức mua giảm. Nếu không cần thiết sẽ chưa vội bán ngoại tệ mà giữ sự chủ động cho DN. Có điều, một sức ép đối với DN xuất khẩu hiện nay là lãi suất vay USD đang tăng nhanh so với năm trước" - ông Hải Long nói.
Sẽ sớm hạ nhiệt?
Trong một báo cáo mới nhất, các chuyên gia của Standard Chartered nhận định tốc độ giảm giá của VNĐ sẽ chậm lại trong những tháng tới. "Tỉ giá USD/CNY (đồng nhân dân tệ của Trung Quốc) và tỉ giá USD/VNĐ vẫn có sự tương quan chặt chẽ với nhau. Khi tỉ giá USD/CNY đạt đỉnh cũng có thể là lúc tỉ giá USD/VNĐ đạt đỉnh. Do đó, chúng tôi dự báo tỉ giá USD/VNĐ sẽ về 24.200 đồng vào cuối năm nay và còn 24.000 đồng vào cuối quý I/2023, sau đó giảm về mức 23.400 đồng vào cuối năm sau" - các chuyên gia của Standard Chartered nêu quan điểm.
Người lao động