Ung thư có hàng trăm loại nhưng hiếm khi ta nghe nói tới ung thư tim - vì sao?
Khi các bạn hiểu được tường tận như vầy thì ai đó nói tế bào gốc chữa ung thư khối u, bạn sẽ hiểu ngay đó là vấn đề không đúng.
- 13-08-2018Ung thư không "ghé thăm" 26.000 phụ nữ và 24.000 nam giới nếu họ thay đổi 4 thói quen này
- 12-08-2018Nguyên GĐ bệnh viện K: Đừng trông chờ phép màu, hãy làm điều này để phát hiện ung thư sớm
- 10-08-2018Tổ chức Ruy Băng Tím: Vaccine chỉ 1 mũi tiêm diệt nhiều loại ung thư là có thật!
Trước tiên, cùng điểm lại những điểm cơ bản nhất để chắc chắn tất cả chúng ta đều sẽ hiểu đúng: Những điều cơ bản về ung bướu:
1. "Ung bướu" trong tiếng Việt và tiếng Anh
Bướu là khối u do các tế bào sinh sôi phát triển số lượng nhiều hơn bình thường (hyperplasia). Bướu thường thường tồn tại lâu dài hoặc vĩnh viễn; ít phụ thuộc vào quy luật cân bằng nội môi (homeostasis) của cơ thể. Bướu có thể tiến triển lành tính (bướu lành) hoặc ác tính (ung thư). Bệnh viện Ung Bướu là nơi nhận điều trị cả 2 trường hợp.
"Bướu" (hay u) trong tiếng Anh là "tumor". "Tumor" có 2 dạng: benign tumor (bướu lành) và maglinant/cancerous tumor (bướu ác tính - hay ung thư).
Như vậy điều cần nhớ là khi nói tới "khối u" thì chưa chắc đó đã là ung thư, mà có thể chỉ là bướu lành mà thôi. Đó cũng là tình huống thực tế hay gặp, hễ ai thấy có u trong cơ thể, đi kiểm tra ở bệnh viện, nếu được báo là u lành hay bướu lành thì người ấy hẳn sẽ thở phào nhẹ nhõm.
2. Vậy bướu lành và ung thư khác nhau chỗ nào?
Các khối u được hình thành đều có tế bào sinh sôi nhiều hơn bình thường. Trong trường hợp bướu lành, khối u chỉ khu trú ở một nơi trong cơ thể, có thể gây chèn ép tại chỗ, hoặc gây một chút bất tiện nhưng không đe dọa tính mạng, có thể dễ dàng loại bỏ bằng phẫu thuật.
Tuy nhiên khi các tế bào trong khối u có sự sinh sôi mất kiểm soát nhanh hơn rất nhiều so với bướu lành và lan ra nơi khác thì trường hợp này gọi là ung thư. Đầu tiên các tế bào tách khỏi khối u ban đầu, rồi đi vào dòng máu, đến cơ quan khác và trụ lại rồi phát triển thành khối u mới; quá trình này được gọi là di căn (metastasis).
3. Ung thư nguy hiểm ra sao?
Thật ra mà nói tính mạng của chúng ta không trường tồn mãi mãi. Rồi cũng sẽ đến lúc mỗi chúng ta đều sẽ rời xa khỏi cuộc đời này. Thế nhưng ung thư là loại bệnh làm cho chúng ta kinh hãi nhất vì hiện tại chưa có thuốc chữa khỏi 100%, và thường làm cuộc sống của người bệnh ngắn đi trong khi nhiều ước mơ hoài bão còn dang dở.
Ảnh minh họa.
Ung thư hay không ung thư thì chỉ khác nhau vấn đề thời gian, vì vậy người ta thường dùng thang đo 5 năm sống, 10 năm sống sau khi được chẩn đoán và điều trị (5 year survival or 10 year survival) để đề cập mức nguy hiểm của một loại ung thư.
Với thước đo thời gian 5 hay 10 năm như vậy, không phải ung thư nào cũng gây chết người nhanh chóng.
Theo trang Nghiên cứu ung thư của Chính phủ Anh thì nói chung hơn 50% người bị chẩn đoán bị ung thư sẽ sống hơn 5 năm. Có một số loại ung thư có khả năng sống sót hơn 90%. Trong 21 loại ung thư phổ biến nhất thì có 12 loại có 50% sống thêm 10 năm.
Ung thư tinh hoàn (Testicular cancer), ung thư tế bào hắc tố (malignant melanoma), ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer) và ung thư bạch cầu Hodgkin (Hodgkin lymphoma) có khả năng sống trên 80% (xem chi tiết)
Có một chi tiết cần lưu ý với bạn đọc khi nhìn vào những con số thống kê: Những con số chỉ có ý nghĩa nếu bạn hiểu được thống kê ung thư đó là của toàn cầu hay của riêng nước nào? Điều này rất cần phải biết, bạn đọc có thể đọc lại một bài tôi đã viết về vấn đề đọc số thống kê trong ung thư ở đây . (Thống kê tình hình bệnh nào đó của một nước rất quan trọng. Tiếc là số liệu của VN chưa được công bố rõ ràng và công khai như các nước khác.)
Dù cho có sự khác biệt về các con số thống kê giữa các nước có trình độ y tế khác nhau thì điểm chung vẫn là: Ung thư giai đoạn sớm không gây tử vong ngay. Vì vậy hiện nay các nhà khoa học nghiên cứu cách chẩn đoán được ung thư càng sớm càng tốt để việc trị liệu đem lại kết quả khả quan nhất.
Ảnh minh họa.
Ung thư gây chết người như thế nào là tùy vào loại ung thư tại cơ quan thiết yếu nào. Có 2 khái niệm cần biết là Ung thư nguyên phát (primary cancer) và ung thư thứ phát (secondary cancer).
Loại nguyên phát nghĩa là tế bào ung thư khởi phát ngay tại cơ quan đó. Ví dụ ung thư gan nguyên phát nghĩa ung thư bắt đầu tại Gan. Loại thứ phát là do di căn gây ra. Ví dụ, ung thư phổi thứ phát từ ung thư trực tràng. Mỗi loại ung thư nguyên phát sẽ có những điểm thứ phát khá xác định. Ví dụ ung thư trực tràng thì dễ bị di căn đến gan, rồi từ gan đến phổi; ung thư tuyến tiền liệt thì dễ bị di căn đến xương hơn.
Đó cũng là lý do tại sao người ta nói ung thư không phải là 1 bệnh mà là một tập hợp bệnh. Bởi mỗi cơ quan trong cơ thể mỗi khác, do đó tùy loại ung thư nguyên phát là ở đâu mà loại đó sẽ cơ chế sinh bệnh, tính chất nguy hiểm, đặc điểm chẩn đoán, phương pháp điều trị rất khác nhau; rồi tùy cơ quan nguyên phát nào sẽ định vị tiếp cơ quan thứ phát nào sẽ bị ảnh hưởng v.v....
Vì sao ung thư tim ít bao giờ nghe thấy?
Theo định nghĩa, ung thư là hiện tượng tế bào sinh sôi (hay tăng sinh) mất kiểm soát và có khả năng di căn. Cơ chế của hiện tượng này là do trong quá trình tế bào sao chép DNA để tạo ra các tế bào mới, đã có sai sót diễn ra và các đột biến gene (mutations) từ đó đã hình thành. Các đột biến gene này sau đó lại gây rối loạn lên chính chu trình phân chia của tế bào (cell cycle).
Từ đó ta có thể suy ra, hễ cơ quan nào trong cơ thể mà có tế bào phân chia càng nhiều, thì càng sẽ có nhiều nguy cơ sai sót do sao chép (đột biến), dẫn đến khả năng ung thư tại cơ quan đó càng cao.
Các bạn chắc cũng đã biết: trong cơ thể chúng ta, không phải tế bào nào cũng có tốc độ phân chia như nhau. Có nhưng loại tế bào biểu mô (epithelial cells) như ở niêm mạc ruột, tế bào gan, tế bào da v.v.. có tốc độ phân chia rất cao để có thể thay thế kịp các hao mòn, tổn thương do hoạt động quá nhiều. Mô ở vú chịu ảnh hưởng liên tục bởi các kích thích tố (hormones) nên các tế bào ở đó sinh sản và chết đi liên tục. Ngược lại có những tế bào ít hoặc hầu như không phân chia nữa ví dụ như là tế bào thần kinh và tế bào cơ tim, bởi vì các tế bào này đã được phân công làm một nhiệm vụ chuyên biệt, chúng không cần phải mất thời gian làm nhiệm vụ sinh sản để tạo thêm tế bào mới.
Trong khi ung thư da, trực tràng, ung thư vú... phổ biến hơn là do da và ruột thường xuyên phải trực tiếp tiếp xúc bởi các yếu tố độc hại trong ánh nắng mặt trời, không khí và thức ăn...; trái tim chúng ta không tiếp xúc gì khác ngoài các chất độc nếu có trong máu, vốn thường đã được lá gan lọc hỗ trợ rồi.
Mặc dù tim có thể u lành nguyên phát (myxoma) ở tâm nhĩ, thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, và mặc dù cũng tim cũng có thể có bị ung thư thứ phát do di căn, nhưng ung thư tim nguyên phát có khi không đáng kể để làm thống kê, chừng mỗi 2000 người mới có 1 người mắc.
Cũng bởi sự phân chia tế bào cơ tim là rất chậm hoặc gần như không có cho nên hễ tim mà lỡ bị tổn thương thì thường ít được sửa chữa kịp thời và do đó nạn nhân phải chịu hậu quả nặng khó phục hồi như nhồi máu cơ tim. Chúng ta có thể hiểu điều tương tự đối với tế bào thần kinh.
Trong cơ thể ta các tế bào chậm hoặc không phân chia nữa chính là các tế bào thực hiện các chức năng chuyên biệt nhất tức là chúng đã được biệt hóa đến mức cao nhất. Các tế bào cơ tim (cardiac myocytes) cấu tạo nên trái tim là những tế bào đã được biệt hóa hoàn toàn (terminally differentiated).
Như vậy, các tế bào biệt hóa hoàn toàn thì chúng sẽ không phân chia nữa, sẽ ít có nguy cơ bị đột biến gene và ít có nguy cơ bị ung thư. Ngược lại, tế bào gốc, là các tế bào có khả năng phân chia rất cao và khả năng biệt hóa phong phú cho ra nhiều loại tế bào khác, sẽ lại có nhiều đặc điểm gần giống với tế bào ung thư.
Do đó, việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh thường có nguy cơ gây ung thư nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng. Khi các bạn hiểu được tường tận như vầy thì ai đó nói tế bào gốc chữa ung thư khối u, bạn sẽ hiểu ngay đó là vấn đề không đúng.
Tế bào gốc hiện nay chỉ được sử dụng để chữa ung thư máu (ung thư máu không phải là khối u ung thư) dưới dạng cấy ghép tủy sống. Tiện đây bạn có thể tìm đọc lại các ngộ nhận phổ biến về tế bào gốc thêm ở đây .
Hy vọng các bạn đã có được lời giải thích vì sao ta ít nghe nói đến "ung thư tim". Không chỉ vậy, bạn còn có thể hiểu sâu xa hơn các tác dụng phụ của thuốc ung thư dùng trong hóa trị liệu: vì sao bệnh nhân bị nôn mửa, rụng tóc, thiếu máu...
Kỳ thực các thuốc hóa trị cổ điển có cơ chế là làm sao để ngăn chặn sự phân chia tế bào ung thư mà không gây tác hại lên tế bào thường khác. Yếu tố then chốt nằm ở chỗ liều lượng; liều dùng thuốc phải nhỏ nhất đủ để gây tác động lên các tế bào ung thư vốn có sức phân chia nhanh bất thường.
Rủi thay trong cơ thể ta cũng có các tế bào có tốc độ phân chia nhanh như tế bào tạo máu, niêm mạc ruột, da..., do đó nạn nhân thường bị nôn mửa, rụng tóc, thiếu máu.... trong khi các tế bào khác còn lại trong cơ thể thì không bị chết...
Tuy nhiên tiến bộ trong điều trị ung thư không chỉ dừng lại ở các loại thuốc cổ điển này mà ngày càng có nhiều loại thuốc thông minh khác biết cách nhận diện tế bào ung thư chính xác hơn nhằm giảm thiểu tác dụng phụ lên các tế bào bình thường...
Nguồn tham khảo về vấn đề ung thư tim:
https://www.cancer.gov/types/metastatic-cancer/research/cardiac-tumors
https://www.scientificamerican.com/article/there-are-many-kinds-of-c/
https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/soft-tissue-sarcoma/types/angiosarcoma-heart
https://www.hopkinsmedicine.org/heart_vascular_institute/conditions_treatments/conditions/heart_tumors.html
TS Châu Tiểu Lan là tiến sĩ ngành y sinh học, đồng dịch giả cuốn sách "Tế bào gốc - Khám phá cùng nhà khoa học" (cùng với TS Dương Thị Thư, TS Nguyễn Ngọc Kim Vy). Cả ba tác giả hiện đang làm việc ở Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bài viết này được đăng lần đầu trên fanpage Từ Sinh học đến Sức khỏe do nhóm tác giả đồng chủ trì. Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Thời đại