MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng xử trên mạng xã hội - đề cao chuẩn mực văn hóa, đạo đức

27-08-2022 - 09:59 AM | Kinh tế số

Ứng xử trên mạng xã hội - đề cao chuẩn mực văn hóa, đạo đức

Ngày 26/8, Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã làm việc với quản trị viên của mạng xã hội Facebook có tên TYLT để làm rõ nội dung bài viết bị nghi là “thúc đẩy” ông N.V.Đ. (57 tuổi, thường trú ở tỉnh An Giang và đang ở trọ tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) treo cổ tự tử. Con gái ông Đ. cho rằng bố của cô đã quyên sinh vào ngày 25/8, sau khi bị trang mạng TYLT dùng từ ám chỉ ông là “kẻ biến thái”.

Đây là ví dụ mới nhất minh chứng cho việc mạng ảo có thể đem lại hậu quả thực vô cùng nặng nề nếu các quy định của Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không được tuân thủ nghiêm túc, cũng như những chuẩn mực văn hóa, đạo đức bị xem nhẹ.

Có đủ luật định, quy tắc…

Về trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng mạng xã hội, ngày 12/6/2018 Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng, quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Điều 42 quy định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Tiếp theo, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Mục đích của Bộ Quy tắc là tạo điều kiện phát triển lành mạnh cho mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử với nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Phạm vi điều chỉnh của Bộ Quy tắc là các hành vi của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội. Còn đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; các tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại việt Nam.

Sau đó, ngày 13/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Trong số các quy tắc có yêu cầu các cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác thì phải chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước; bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Về việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên mạng internet, Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can vì có liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.

Thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên internet, mạng xã hội đang diễn biến phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Fake news (tin giả) tấn công người dùng mạng. Bên cạnh những người có suy nghĩ "vô danh nên vô trách nhiệm", tự do phát ngôn, không nghĩ đến hậu quả thì còn có các đối tượng vì động cơ vụ lợi mà tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên không gian mạng để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất...

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng tại các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, ngày 19/8, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã gia hạn tạm giam 19 ngày đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, tỉnh Bình Dương) về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo kết luận điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng từ tháng 3/2021 đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 3/2022) đã sử dụng 12 kênh mạng xã hội để livestream (phát hình trực tiếp trên mạng xã hội) có nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều người, sử dụng các thông tin chưa được kiểm chứng, không có căn cứ xác thực.

… Nhưng vẫn cần chuẩn mực văn hóa, đạo đức

Pháp luật không thể bao quát, điều chỉnh toàn bộ các hành vi của con người, trong đó có cách ứng xử trên mạng xã hội, mà còn cần có sự điều chỉnh từ góc độ chuẩn mực đạo đức, văn hóa của một cộng đồng, dân tộc.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Luật Hoàng Thị Kim Quế (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), với tư cách là những phương tiện điều chỉnh quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng, pháp luật và đạo đức có vai trò to lớn để giúp con người kiềm chế, hạn chế, loại bỏ dần các tính xấu, phát huy các tính tốt, khuyến thiện.

Để hạn chế tính đam mê đến mức lạm dụng quyền lực, các nhà tư tưởng đã xây dựng học thuyết phân chia quyền lực. Để nhắc nhở người thầy thuốc phải có trách nhiệm với số phận bệnh nhân, phải thận trọng, “sai một ly đi một dặm”, luật pháp đã thể chế hóa các quy tắc đạo đức ngành y và cơ chế xử lý hành vi gây hậu quả cho sức khỏe, tính mạng người bệnh do lỗi vô ý của người thầy thuốc. Pháp luật và đạo đức bổ sung cho nhau.

Xây dựng cái thiện, cái tốt phải tốn công sức, thời gian, tiền bạc, trong khi cái ác, cái xấu thì lan truyền rất nhanh. Do đó, cần xử lý nghiêm minh những hành vi ác, nhằm mục đích ngăn cấm và giảm sự lan truyền của cái ác. Để thực thi pháp luật có hiệu quả ở mọi nơi, mọi lúc thì cần vận dụng đúng đắn phương pháp thuyết phục và cưỡng chế. Mục đích của pháp luật không phải lúc nào cũng trừng phạt, mà là ngăn ngừa để không xảy ra vi phạm pháp luật, không phải trừng phạt.

Pháp luật, kể cả Luật An ninh mạng, chỉ quy định một số “ngưỡng” mà ai vượt qua là phạm pháp. Bên cạnh đó còn có nhiều “khoảng trống” không được quy định. Như vậy, con người có thể không rơi vào “miền tội phạm”, “miền vi phạm pháp luật” nhưng rơi vào ngưỡng lệch chuẩn đạo đức, văn hóa.

Để xử lý một hành vi về mặt pháp lý thì hành vi đó phải thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, vi phạm pháp luật. Điều này có thể áp dụng đối với trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng trong cách ứng xử trên không gian mạng vì hành vi của người này được coi là cấu thành “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tuy nhiên, còn rất nhiều hành vi lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa trên mạng xã hội mà Luật An ninh mạng cũng như các bộ quy tắc ứng xử không nêu chi tiết, không quy định là vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như thái độ vô cảm, thiếu tính nhân văn, tát nước theo mưa, vô tình “xát muối” vào nỗi đau của người khác, tò mò quá mức, tọc mạch vào đời sống riêng tư…

Trong bản tính con người vừa có cái thiện, vừa có cái ác mà chỉ riêng pháp luật không thể điều chỉnh, răn đe hết được mà cần sự bổ sung, trợ giúp của chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Để quản lý mạng xã hội một cách có hiệu quả thì cần phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa pháp luật với đạo đức và nền tảng văn hóa.

Chuẩn mực đạo đức, văn hóa là loại chuẩn mực xã hội bất thành văn - các quy tắc, yêu cầu của nó không được ghi chép thành văn bản dưới dạng một “bộ luật đạo đức” mà tồn tại dưới hình thức là những giá trị đạo đức, những bài học về luân thường đạo lý, phép đối nhân xử thế giữa con người với nhau trong xã hội. Chuẩn mực đạo đức, văn hóa thường được củng cố, giữ gìn và phát huy vai trò, hiệu lực thông qua con đường giáo dục, thông qua quá trình tiếp xúc trong xã hội; được củng cố, tiếp thu và lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo các chuyên gia về pháp luật, trong xã hội có chuẩn mực pháp lý và chuẩn mực đạo đức. Chuẩn mực đạo đức, văn hóa có các yếu tố chủ quan và các yếu tố khách quan.

Các yếu tố chủ quan tồn tại trong ý thức, quan điểm của mỗi cá nhân, chi phối và điều khiển hành vi đạo đức. Đó là sự tự nguyện, tự giác của mỗi con người trong việc thực hiện hành vi đạo đức phù hợp với các quy tắc của chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Nếu như pháp luật được tuân thủ và thực hiện chủ yếu nhờ vào sức mạnh cưỡng bức của các chế tài thì chuẩn mực đạo đức chủ yếu dựa vào sự tự nguyện, tự giác của mỗi cá nhân. Đó là sức mạnh nội tâm, chịu sự chi phối bởi lương tâm của mỗi người. Lương tâm là một thứ “tòa án” đặc biệt, chuyên phán xét các hành vi sai trái, vi phạm chuẩn mực đạo đức. Một hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức có thể không bị pháp luật trừng phạt, nhưng nó lại bị lương tâm cắn rứt.

Các yếu tố khách quan tồn tại bên ngoài ý thức của mỗi người, nhưng lại luôn giữ vai trò chi phối, điều chỉnh hành vi đạo đức. Đó là sự tác động, ảnh hưởng của các thuần phong, mỹ tục trong xã hội, hành vi hợp đạo đức của những người xung quanh tới ý thức và hành vi đạo đức của mỗi cá nhân. Đó là sức mạnh của dư luận xã hội trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi đạo đức của con người.

Để có cách ứng xử lành mạnh trên mạng xã hội thì cùng với sự điều chỉnh của pháp luật, chúng ta cần đề cao sự tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi người sử dụng mạng dựa vào chuẩn mực đạo đức, văn hóa, cũng như lên án những hành vi lệch chuẩn nhằm tạo ra sức ép dư luận đúng đắn chống lại cái xấu trên không gian mạng.

Theo Trần Quang Vinh

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên