Ước tính bán 100.000 tấn vải thiều sang Thái Lan, Canada
Bên cạnh việc duy trì xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ, EU..., năm nay vải thiều Bắc Giang sẽ được xuất sang các thị trường mới như: Trung Đông, Thái Lan, Canada.
- 05-05-2017Bắc Giang áp dụng nhiều giải pháp tăng chất lượng vườn vải thiều
- 14-04-2017Dự báo một mùa vải thiều ảm đạm
- 23-03-2017Vải thiều không ra hoa, đối mặt mất mùa
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 27.5.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2017, sản lượng vải thiều của tỉnh ước tính sẽ đạt khoảng 100.000 tấn, bằng 70% so với năm trước. Trong đó, sản lượng vải thiều VietGap đạt khoảng 40.000 tấn, vải GlobalGap đạt 1.600 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều năm nay dự kiến từ 20.5 đến 15.7.
Do thời tiết nắng nóng kéo dài, rét đến muộn kèm theo rét đậm, rét hại dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng của cây vải thiều, khiến vải thiều ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm khoảng 40% so với năm 2016.
"Mặc dù sản lượng giảm nhưng thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chất lượng vải thiều năm nay được đánh giá cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với các năm trước", UBND tỉnh Bắc Giang cho biết.
Tỉnh Bắc Giang cũng cho biết năm nay sẽ tập trung phát triển cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện vải thiều Bắc Giang đã được kết nối tiêu thụ trong các hệ thống bán lẻ lớn tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Đối với thị trường xuất khẩu, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, tỉnh Bắc Giang sẽ mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông, Thái Lan và Canada.
Để mở rộng sang các thị trường mới, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được xem là yếu tố quan trọng. Ông Đinh Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo cho biết để hoạt động thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản thị trường trong nước và nước ngoài được thuận lợi, các Bộ, ngành và tỉnh Bắc Giang cần đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu các mặt hàng nông sản, đặc biệt với trái vải.
Nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông, đặc biệt quốc lộ 31 và đường đến trung tâm các xã huyện Lục Ngạn để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi. Đồng thời tạo điều kiện thủ tục đăng ký tạm trú cho thương nhân nước ngoài thuận tiện. Tạo điều kiện về thuế, thông quan tại các cửa khẩu được thực hiện nhanh chóng.
Ông Vũ Đào - Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm cho rằng vấn đề đặt ra chính là khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản trái vải như thế nào. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải tự "mày mò", thậm chí từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hái đến sơ chế, đóng gói bảo quản để xuất khẩu.
"Doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mong muốn có một nhà sản xuất cung ứng được thành phẩm trái vải thiều tươi, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào. Vì vậy để làm được điều này, tỉnh Bắc Giang cần tiến tới 100% diện tích trồng vải theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đề ra các giải pháp sát thực để trực tiếp hỗ trợ cho công nghệ sơ chế, bảo quản trái vải thiều sau thu hoạch", ông Vũ Đào chia sẻ.
Về phía cơ quan hải quan, ông Hoàng Khánh Hòa - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơncho rằng các doanh nghiệp, thương nhân nên thay đổi phương thức kinh doanh từ kinh doanh chợ bằng phương thức kinh doanh ngoại thương. Mua bán với đối tác có uy tín, đúng quy trình ngay từ khâu thu hoạch, đóng gói, tránh vướng mắc trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam và nhập khẩu của thương nhân Trung Quốc. Các thương nhân, doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, thương nhân cần nắm bắt kịp thời thông tin hàng hóa tại cửa khẩu hàng ngày, tình hình thông quan hàng hóa để tránh ách tắc, dồn ứ hàng hóa ở cửa khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng vải xuất khẩu, tăng chi phí kinh doanh, lãi suất thấp.
Chia sẻ về việc thu mua vải thiều tỉnh Bắc Giang, ông Thang Thành Vỹ - Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu hoa quả Thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cho rằng phía Việt Nam nên sớm nghiên cứu phương pháp bảo quản vải thiều, đặc biệt đối với các nguyên liệu bảo quản như nước đá, thùng xốp, bên cạnh đó là thực hiện nhanh, gọn hơn các thủ tục thông quan nhằm rút ngắn thời gian đưa quả vải thiều sang Trung Quốc.
"Vì khi sang đến Trung Quốc, chúng tôi còn phải vận chuyển vải đến rất nhiều nơi xa xôi như Bắc Kinh, Thượng Hải", ông Thang cho hay.
Một thế giới