MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uổng phí du lịch giải trí

06-06-2016 - 15:45 PM | Bất động sản

Việt Nam nổi tiếng bởi những danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn nhưng lại quá thiếu những tổ hợp du lịch giải trí để thu tiền du khách

Trước thông tin Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa chấp thuận chủ trương giao Công ty CP Vinpearl tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án Công viên Sài Gòn Safari trên địa bàn huyện Củ Chi, không chỉ người dân địa phương mà cả những người làm trong ngành du lịch đều rất quan tâm.

Chưa có tổ hợp giải trí tầm cỡ

Dự án này từng được kỳ vọng là công viên sinh thái tầm cỡ khu vực với khoảng 300 loài động vật (khoảng 10.000 con) và 3.000 loài thực vật các loại với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD nhưng suốt 12 năm qua, dự án vẫn giẫm chân tại chỗ, chưa thể triển khai vì chưa tìm được nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các yếu tố thuận lợi như có nhiều cảnh đẹp, nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế mới gia nhập thị trường, chính sách thị thực nới lỏng và sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng xếp Việt Nam trong danh sách nhóm 5 nước ASEAN có lượng khách du lịch quốc tế cao nhất (khoảng 8 triệu lượt trong năm ngoái, tăng trưởng trung bình 9% trong 5 năm qua).

Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn nhưng du khách quốc tế đến chủ yếu để ngắm cảnh, tắm biển, nghỉ dưỡng và thăm các di tích... Còn các loại hình vui chơi, giải trí, mua sắm rất ít và đơn điệu trong khi đây mới là nơi dễ “móc hầu bao” du khách nhất. Điều này làm cho tính hấp dẫn của du lịch Việt Nam giảm sút so với nhiều nước trong khu vực, nguồn thu từ du lịch cũng chưa cao.

Ở Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Malaysia..., ngoài các dịch vụ du lịch đa dạng, hấp dẫn họ còn xây dựng được nhiều khu vui chơi, mua sắm đẳng cấp quốc tế như Universal Studio, Disneyland, Gardens by the Bay, Haji Lane, resort casino Marina Bay Sands, Butterfly Park & Insect Kingdom... với nguồn thu rất lớn.

Ngay cả Trung Quốc, dù có hàng chục di sản thế giới được công nhận, hàng ngàn danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nhưng giới doanh nhân nước này cũng như nhà đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư những tổ hợp mua sắm, giải trí đẳng cấp như khu Disneyland với vốn 5,5 tỉ USD, khai trương vào giữa tháng 6-2016 ở Thượng Hải, rộng gấp 8 lần Disneyland Hồng Kông và dự kiến thu hút tới 330 triệu du khách; hay khu Wanda Cultural Tourism City nằm trên diện tích 2 km2 tại Nam Xương (Giang Tây) của nhà tài phiệt Wang Jianlin vừa mở cửa cách đây không lâu. Tổ hợp giải trí này có vốn lên tới 3,2 tỉ USD và dự kiến thu hút tới 10 triệu du khách/năm.

Còn tại Việt Nam, chỉ có một vài khu giải trí thu hút được khách nước ngoài như Vinpearl Land (Nha Trang), Safari Phú Quốc (Phú Quốc), Bà Nà Hills, Asia Park (Đà Nẵng)… nhưng cũng khó sánh với các khu giải trí quốc tế.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nhìn nhận đến nay Việt Nam vẫn quá thiếu các dự án du lịch giải trí, các tổ hợp giải trí quy mô lớn. Như ở TP HCM, các khu vui chơi, giải trí Đầm Sen, Suối Tiên… chỉ dành cho khách nội địa, khách nước ngoài gần như không tới. Một công viên vui chơi, giải trí đúng nghĩa vẫn còn thiếu dù nhu cầu của khách quốc tế và khách nội địa rất lớn.

Trong báo cáo thường niên về ngành du lịch Việt Nam được Tổng cục Du lịch công bố gần đây, tổng thu từ khách quốc tế trong ngành du lịch của Việt Nam tăng đều qua các năm, ở mức khoảng 7,3 tỉ USD/năm, trong khi con số này ở Indonesia là 9,8 tỉ USD, Malaysia 21,8 tỉ USD, Singapore 19,2 tỉ USD và tổng thu từ khách quốc tế của Thái Lan lên tới 38,4 tỉ USD.

Giải trí không nhất thiết phải có casino

Với dân số hơn 90 triệu dân và nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao, nhu cầu vui chơi, giải trí là rất lớn. Các nhà đầu tư cũng thấy được điều này nhưng vì sao đến nay Việt Nam vẫn chưa có những khu phức hợp vui chơi, giải trí đủ tầm? Trước đây, từng có nhà đầu tư lập kế hoạch về dự án vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng Happly Land ở Long An với vốn đầu tư lên tới 2 tỉ USD, dự kiến khai trương vào năm 2014. Ấy vậy mà đến nay, dự án vẫn chưa đâu vào đâu và vì không đủ năng lực tài chính mà chủ đầu tư đã phải thay đổi công năng.

Ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty Luxury Travel, cho rằng Việt Nam cần có những tổ hợp vui chơi giải trí, hầu như các nước có nền công nghiệp phát triển đều khai thác tối đa điều này. Do đó, Việt Nam cần những khuôn khổ pháp lý để các hoạt động như sòng bài (casino) được phép hoạt động bởi nhu cầu khách nội địa cũng không nhỏ. Khi các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào casino, họ cũng nhắm đến khách nội địa trong khi cơ quan quản lý chưa cho phép nên đây cũng là rào cản để thu hút đầu tư.

Trong khi Việt Nam đang thiếu các tổ hợp giải trí quy mô lớn để giữ chân du khách ở lại lâu hơn thì theo Tổng cục Du lịch, các tổ hợp giải trí nổi tiếng trên thế giới đều đang là nơi hấp dẫn du khách như Macau (Trung Quốc) 30,76 triệu khách/năm, Genting (Malaysia) 19,3 triệu khách/năm, Pattaya (Thái Lan) gần 8 triệu khách/năm… Theo nhiều chuyên gia du lịch, giải trí đối với du khách không nhất thiết chỉ có các trò chơi đánh bạc, cá cược bởi cả khách trong nước và quốc tế hiện vẫn có xu hướng thiên về các sản phẩm giải trí mang tính thư giãn, có lợi cho sức khỏe.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt:

Hoạt động giải trí về đêm kém hấp dẫn

Ở Việt Nam, du lịch giải trí văn hóa về đêm cho du khách gần như không có gì. Mỗi lần tàu biển quốc tế cập cảng Việt Nam, công ty tôi đều phải thuê ngoài những đoàn văn nghệ dân tộc, có thể là 5-7 tiết mục rồi đi ăn tối ở nơi khác hoặc là hội trường lớn chứa 500-1.000 khách (ngay trên tàu) ngồi xem biểu diễn văn nghệ. Nhưng khách đường bộ thì gần như không có chương trình giải trí nào để xem. Ngay ở Huế có ca nhạc cung đình nhưng cũng phải đoàn có số lượng lớn thì mới biểu diễn.

Ở TP HCM, đến nay, một chỗ trình diễn lớn để thu hút khách thường xuyên, một sân khấu lớn cả ngàn khách ngồi xem vẫn chỉ là mong muốn của những người làm nghệ thuật, du lịch giải trí. Cần có sự hỗ trợ để đẩy mô hình nghệ thuật nào đó, còn nếu để như bây giờ thì quá lãng phí. Người phương Tây sang đây chủ yếu sống về đêm nhưng ngành du lịch Việt Nam lại chưa biết tận dụng khai thác điều này để họ trải nghiệm những văn hóa, giải trí về đêm là đáng tiếc.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế:

Chất lượng giải trí thấp

Những khu vui chơi có tiếng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thu hút được nhiều khách quốc tế. Nguyên nhân là bởi chất lượng của các khu vui chơi này vẫn chưa được như các nước, các loại hình trò chơi còn đơn điệu, cách tổ chức cũng như trang trí khá “nhà quê”, chỉ có thể thu hút trẻ con, trong khi khách quốc tế họ lại không thích.

Theo tôi, để thu hút được những nhà đầu tư bỏ tiền vào các khu vui chơi, giải trí thì Việt Nam phải thu hút được các khách du lịch trong và ngoài nước bỏ tiền ra tham gia những khu vui chơi này. Tuy nhiên, nhìn đi nhìn lại thì không phải người dân nào cũng có đủ tiền để đi. Chính vì vậy mà khi thực hiện dự án, các chủ đầu tư còn chùn tay vì cho rằng đổ tiền nhiều sẽ lâu thu hồi vốn. Cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại và khó có thể thực hiện các dự án vui chơi, giải trí đủ tầm.

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du Lịch Việt:

Khó khăn về cơ chế

Khi các nhà đầu tư nhắm vào dự án ở Việt Nam thường gặp khó khăn về cơ chế trong khi các dịch vụ du lịch giải trí rất cần thiết và người dân đến nay vẫn phải ra nước ngoài để giải trí. Do đó, nếu quy hoạch các dự án thì cần có tầm nhìn dài hạn để cả nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện cũng không nghĩ tới chuyện “ăn xổi” và nhanh chóng thu hồi vốn. Quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, đánh giá đúng để thực hiện rồi mới tạo ra sự khác biệt về các nguồn lực, từ đất đai, chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng…

L.Anh - P.Đình ghi

Theo Thái Phương - Sơn Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên