MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

UPCoM vượt xa HNX nhờ hàng loạt "ông lớn" lũ lượt lên sàn

Theo thống kê, tính tới hết phiên giao dịch 21/11, vốn hóa tại UPCoM đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm đầu năm lên gần 11 tỷ USD, trong khi vốn hóa HNX chỉ vỏn vẹn 6,6 tỷ USD.

Trước đây, khi nhắc tới TTCK, hầu hết nhà đầu tư Việt Nam chỉ nghĩ đến 2 sàn HOSE và HNX mà gần như quên mất sự tồn tại của UPCoM. Điều này cũng không quá khó hiểu khi UPCoM thường được coi là sân chơi hạng 2, nơi quy tụ của những cổ phiếu có tính cơ bản kém hoặc bị loại bỏ khỏi 2 sàn niêm yết.

Tuy vậy, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn trong năm 2016 khi dòng tiền đã đổ mạnh vào sàn UPCoM giúp chỉ số này tăng hơn 16%. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, giao dịch trên UPCoM cũng hết sức sôi động với những phiên giao dịch hàng trăm tỷ đồng. Sự tích cực của thị trường UPCoM trong thời gian qua có sự góp sức từ hàng loạt các chính sách hỗ trợ.

Tiêu biểu là thông tư 180 quy định tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên SGDCK thì sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 1 năm. Đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/1/2016, thời hạn để đăng ký giao dịch là trong vòng 30 ngày kể từ khi UBCK có công văn hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ khi diễn ra đợt IPO.

Điều này đã khiến số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM tăng vọt. Hiện nay, số lượng cổ phiếu giao dịch trên UPCoM đã lên tới 370 mã, xấp xỉ số cổ phiếu trên 2 sàn niêm yết.

Không chỉ tăng về số lượng, UPCoM cũng ghi nhận sự gia tăng về chất lượng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, vốn hóa nghìn tỷ lên sàn như Masan Resources (MSR), May Việt Tiến (VGG), Gelex (GEX), Viglacera (VGC), Vissan (VSN) hay mới nhất là Habeco (BHN), TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV)…Trong thời gian tới, những tên tuổi lớn khác như Masan Consumer, Vietnam Airlines…cũng sẽ giao dịch trên UPCoM và điều này càng khiến sân chơi từng một thời bị “ghẻ lạnh” trở nên sôi động hơn.

Với sự hiện diện của nhiều ông lớn, không bất ngờ khi UPCoM dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã vượt xa HNX về giá trị vốn hóa.

Theo thống kê, tính tới hết phiên giao dịch 21/11, vốn hóa tại UPCoM đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm đầu năm lên gần 11 tỷ USD, trong khi vốn hóa HNX chỉ vỏn vẹn 6,6 tỷ USD. Việc lên sàn của Habeco và ACV mới đây là yếu tố chính giúp vốn hóa UPCoM vượt qua HNX (tổng vốn hóa 2 doanh nghiệp này khoảng 4,5 tỷ USD).

Có thể nói, sự sôi động của sàn UPCoM trong thời gian qua không phải yếu tố nhất thời mà dường như nó đã trở thành xu hướng mới của giới đầu tư. Hiện tại, các doanh nghiệp sau khi IPO, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước thường lựa chọn UPCoM làm điểm đến trước khi tính đến việc chuyển sang các sân chơi cao cấp hơn như HNX hay HSX. Điều này sẽ giúp giới đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn ở sân chơi UPCoM hơn rất nhiều so với trước kia.

Bên cạnh đó, sự kiện lên sàn của các ông lớn như Habeco, ACV hay sắp tới là Sabeco, Vietnam Airlines đã tạo ra tác động tích cực tới các cổ phiếu cùng ngành. Tuy nhiên, hầu hết các cổ phiếu bia, hàng không phần lớn đang hiện diện trên UPCoM và do đó, sự chú ý sẽ càng đổ dồn vào sàn giao dịch này.

Nhiều ý kiến cho rằng việc các cổ phiếu trên UPCoM chưa được cấp phép giao dịch ký quỹ (margin) sẽ làm giảm sức hấp dẫn của sân chơi này. Nhưng trên thực tế điều này không ảnh hưởng quá nhiều bởi lẽ dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm đến những cổ phiếu tốt và trên UPCoM không thiếu những cổ phiếu “ngủ quên” đang chờ giới đầu tư “đánh thức”.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên