USD cao nhất 1 tuần, vàng và Bitcoin giảm sâu
USD vọt lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, trong khi yen Nhật ổn định do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tuyên bố sẽ tuân theo chính sách tiền tệ siêu lỏng khiến yen mất đà tăng so với USD.
- 18-01-2022Inforgraphic: Những thông tin tài chính ngân hàng nổi bật nhất ngày 18/01
- 18-01-2022Ngân hàng đồng loạt tăng mạnh giá USD
- 15-01-2022USD tăng mạnh, tiền điện tử Dogecoin tăng vọt 20%
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp định kỳ vào tuần tới, ở đó dự kiến sẽ quyết định tăng lãi suất vào tháng 3 tới – lần tăng đầu tiên kể từ đầu dịch Covid-19. Các nhà đầu tư đang đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất tổng cộng 4 lần trong năm 2022.
Do các nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho khả năng Fed sẽ ‘diều hâu’ hơn dự kiến, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng vọt, với lợi suất kỳ hạn 2 năm – theo dõi kỳ vọng lãi suất ngắn hạn - lần đầu tiên kể từ tháng 2 năm 2020 vượt mức 1%; lợi tức kỳ hạn 10 năm cũng đạt mức cao nhất 2 năm chỉ sau 1 đêm, đạt 1,856%.
Đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền đối tác chủ chốt, lúc kết thúc ngày 18/1 theo giờ Việt Nam đạt mức cao nhất 6 phiên, là 95,638, tăng gần 0,5% so với phiên liền trước.
Chester Ntonifor, chiến lược gia ngoại hối của công ty BCA Research ở Montreal, cho biết: "Đồng USD đang tăng giá bởi thực tế là các thị trường đã chuyển sang chấp nhận khả năng Fed có thể thắt chặt chính sách nhanh hơn nhiều so với dự kiến". Nhưng ông Ntonifor lưu ý rằng mức tăng của đồng USD có thể chỉ trong ngắn hạn, khoảng 3 đến 6 tháng.
"Đến khi các nhà đầu tư đều xác định tư tưởng rằng Fed sẽ trở thành một trong những ngân hàng trung ương có thái độ ‘diều hâu’ hơn trong việc tăng lãi suất (năm 2022) thì sẽ có những dòng tiền đổ vào đồng USD bởi mục đích đầu cơ", ông Ntonifor nói thêm.
Đồng euro chạm mức thấp nhất trong một tuần là 1,1351 USD, giảm 0,5% so với phiên liền trước.
Theo khảo sát của ZEW, tâm lý nhà đầu tư Đức tháng 1/2022 đạt mức cao nhất trong sáu tháng do kỳ vọng tỷ lệ người nhiễm COVID-19 sẽ giảm vào đầu mùa hè, giúp mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Do giá dầu đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm và thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm – kỳ hạn tham chiếu – đã gần chạm mức 0%, nhưng vẫn chưa vượt qua được mức này.
"Chúng tôi cho rằng Mỹ sẽ xem xét lại vấn đề tỷ giá, và sự thay đổi mới nhất của lợi suất trái phiếu Mỹ theo hướng tăng lên phần nào phản ánh dự đoán lãi suất sẽ được tăng nhiều hơn, chứ không chỉ là tăng nhanh hơn những dự đoán trước đây. Yếu tố Fed tăng lãi suất sẽ đẩy tỷ giá USD tăng trong nửa đầu năm nay, trong khi kinh tế toàn cầu hồi phục sẽ là yếu tố chính tác động đến thị trường tiền tệ trong 6 tháng cuối năm", ông Kit Jukes, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Societe Generale cho biết.
"Nhưng lợi suất Bund đạt trên 0 sẽ là một thử nghiệm thú vị đối với đồng đô la."
Yen giảm nhanh
Đồng yên trượt giá sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết họ sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng ngay cả khi các đối tác trên toàn cầu tiến tới thoát khỏi các chính sách tiền tệ áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng.
Kết thúc ngày 18/1 theo giờ Việt Nam, USD vững ở mức 114,55 JPY, sau khi có lúc tăng lên 115,06 JPY.
Nhà kinh tế cấp cao về châu Á Carlos Casanova của UBP cho biết: "Giao dịch trên toàn cầu chậm lại và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng đang cùng lúc gây áp lực lên đồng yen". Theo ông: "Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ giữ các điều kiện cực kỳ phù hợp trong thời gian dài hơn, trong khi bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào trong năm 2022 sẽ chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 1,0%".
BoJ đã nâng mức độ dự báo lạm phát tại cuộc họp chính sách mới đây, nhưng do lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn mục tiêu 2% trong những năm tới, là lý do khiến BoJ nhấn mạnh quyết tâm duy trì các biện pháp tiền tệ cực kỳ nới lỏng.
Nhà phân tích tiền tệ Lee Hardman của MUFG cho biết: "Chúng tôi tiếp kỳ vọng BoJ sẽ tuân theo khuôn khổ chính sách hiện tại của họ cho đến khi nhiệm kỳ của Thống đốc Kuroda kết thúc vào tháng 4 tới". Theo ông Hardman: "Sự khác biệt ngày càng lớn giữa kỳ vọng chính sách của BoJ và Fed sẽ tiếp tục gây áp lực tăng lên tỷ giá cặp tiền USD/JPY".
Tuy nhiên, ông Hardman lưu ý rằng cặp tiền này đã không thể vượt qua mức 117 JPY vì từ đầu tháng đến nay yen tăng khá mạnh.
"Thất bại đó và thực tế là thị trường thiếu đồng JPY có nghĩa là triển vọng về sự phục hồi nhanh chóng của USD/JPY đang giảm đi ... một phần sự phục hồi của USD/JPY là khả thi nhưng sự điều chỉnh này có thể là một dấu hiệu của thời điểm kết thúc giai đoạn Yen tăng so với USD", ông nói.
Tỷ giá USD/JPY
Đô la Australia giảm 0,2% trong ngày 18/1, xuống 0,7193 USD; đô la New Zealand cũng giảm 0,3%. Đồng bảng Anh giảm 0,4% xuống 1,3596 USD.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc có kế hoạch hành động tích cực làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm đều đặn chi phí tài chính và giữ tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ ổn định, Phó Thống đốc ngân hàng trung ương nước này cho biết.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bất ngờ cắt giảm chi phí đi vay đối với các khoản cho vay trung hạn lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2020. Các nhà phân tích thị trường dự kiến Trung Quốc năm nay sẽ còn gia tăng hơn nữa việc nới lỏng chính sách hơn để ngăn chặn tốc độ suy yếu của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường bất động sản giảm và tiêu thụ yếu hơn dự kiến sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc kết thúc ngày 18/1 đạt mức cao nhất trong vòng hơn ba năm do dòng tiền thanh toán thương mại mạnh mẽ, ở mức 6,3368 CNY (cao nhất kể từ 14/5/2018).
Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc và Mỹ đã giảm xuống 0,926 điểm phần trăm, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2019. Tháng 7/2020, mức chênh lệch này lên tới 2,565 điểm phần trăm.
Cập nhật tỷ giá hối đoái. các tiền tệ chủ chốt.
Trên thị trường tiền điện tử, bitcoin giảm khoảng 1.000 USD trong một phiên, xuống 41.800 USD, và thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất mọi thời đại, là 69.000 USD đạt được vào tháng 11 năm ngoái.
Diễn biến giá bitcoin ngày 18/1.
Giá vàng không thể tránh khỏi xu hướng giảm khi cả USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng mạnh.
Theo đó, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 18/1 theo giờ Việt Nam giảm 0,7% xuống 1.806,72 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,6% xuống 1.806 USD.
Tuy nhiên, Han Tan, người phụ trách mảng phân tích thị trường của Exinity cho biết: "Bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến, vàng giao ngay dường như đang giữ ở mức trên 1.800 USD trong thời điểm hiện tại". Tuy nhiên, theo ông thì "Lợi suất Kho bạc tăng sẽ kiểm tra khả năng vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng - 1.800 USD".
Về triển vọng thị trường, nhìn chung, các nhà đầu tư toàn cầu đang dõi theo cuộc hop của Fed sẽ diễn ra vào ngày 25 – 26/1.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: "Hiện tại, rủi ro lạm phát đang khiến một số nhà đầu tư giữ một số khoản đầu tư vào vàng, nhưng chúng tôi cho rằng lợi suất thực của Mỹ tăng lên và đồng USD mạnh lên sẽ làm suy yếu các yếu tố hỗ trợ trong những quý tới".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk