USD, chứng khoán Mỹ và tiền tệ thế giới diễn biến thế nào trong tuần đầu năm mới 2022?
USD vừa trải qua phiên giảm giá mạnh nhất trong vòng 6 tuần sau khi Mỹ công bố báo cáo thị trường việc làm tháng 12 không đạt kỳ vọng, mặc dù vẫn đủ để giữ cho Cục Dự trữ Liên bang không thay đổi lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
- 07-01-2022USD tăng giá mạnh, vàng và Bitcoin lao dốc
- 06-01-2022Ngân hàng số Timo vừa huy động 20 triệu USD từ loạt quỹ VC danh tiếng
- 05-01-2022USD sẽ ở thế “độc tôn” trong xu hướng tăng giá năm 2022?
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên cuối tuần ngày 7/1 giảm 0,6% xuống 95,734, mức giảm nhiều nhất kể từ ngày 26 tháng 11, khi những lo ngại về biến thể Omicron bắt đầu gây xôn xao thị trường.
Mặc dù giảm ở phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần, USD vẫn tăng nhẹ và là tuần tăng đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 2% đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng 1/2020, là 1,801%, cao hơn rất nhiều so với mức 1,491% vào cuối năm 2021 và 1,353% vào ngày 20/12/2021. Các nhà phân tích cho rằng nếu lợi suất trái phiếu duy trì trên mức hiện tại, khoảng 2%, thì có khả năng sẽ còn tăng nữa.
Trên Phố Wall, chỉ số chứng khoán S&P 500 tham chiếu đã giảm nhẹ trong phiên 7/1 sau báo cáo về thị trường việc làm Mỹ, tính chung cả tuần đầu tiên của năm mới giảm mạnh, với chỉ số Nasdaq có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2021. Trong phiên 7/1, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 4,81 điểm, tương đương 0,01%, xuống 36.231,66, S&P 500 mất 19,02 điểm, tương đương 0,41%, xuống 4.677,03 và Nasdaq Composite giảm 144,96 điểm, tương đương 0,96%, xuống 14.935,90. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow giảm 0,3%, S&P 500 giảm 1,9% và Nasdaq giảm 4,5%.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tháng 12 đã tăng 199.000, thấp hơn rất nhiều so với ước tính là 400.000. Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng dữ liệu cơ bản trong báo cáo có vẻ ổn định hơn, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,9% so với kỳ vọng 4,1%, trong khi thu nhập tăng 0,6%, cho thấy tình trạng thắt chặt của thị trường lao động.
Bức tranh tổng thể thị trường lao động đó làm gia tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 3 tới. Tỷ lệ dự đoán thời điểm nâng lãi suất lần đầu vào tháng 3 đã tăng lên 90%, từ mức 80% hồi đầu tuần.
Brian Jacobsen, chiến lược gia đầu tư cấp cao thuộc Allspring Global Investments ở Menomonee Falls, Wisconsin, cho biết: "Mặc dù tiêu đề có thể không đạt được sự đồng thuận, nhưng sự đồng thuận này không quan trọng lắm đối với Fed. Họ sẽ vẫn tiếp tục khuynh hướng ‘diều hâu’", ý nói về biên bản cuộc họp vừa công bố.
Theo ông Wiscoinsin: "Chúng ta sẽ phải xem liệu sau cuộc bàn thảo ‘diều hâu’ họ có hành động không? Nhưng tỷ lệ cược đang tăng lên về việc lãi suất sẽ tăng vào tháng 3 hoặc tháng 5 và bảng cân đối kế toán bắt đầu thu hẹp vào cuối năm sau."
Đồng euro đã tăng 0,62% trong phiên 7/1 lên 1,1361 USD vừa do đồng bạc xanh sụt giảm, vừa bởi dữ liệu cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro đã đã tăng lên 5% trong tháng 12.
Các nhà hoạch định chính sách của khu vực đồng Euro cho biết họ kỳ vọng lạm phát sẽ dần chậm lại vào năm 2022 và việc tăng lãi suất có thể sẽ không cần thiết trong năm nay.
Đồng yên Nhật tăng 0,22% so với đồng bạc xanh trong phiên này, lên 115,59 JPY/USD.
Đồng yên đã chịu áp lực giảm giá gần đây, trong bối cảnh đồng bạc xanh mạnh lên, với việc USD đã đạt mức cao nhất 5 năm so với yen vào đầu tuần này.
Bảng Anh có tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp so với USD, gần đây nhất được giao dịch ở mức 1,3592 USD, tăng 0,47% so với phiên liền trước, ngay cả sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng của Anh tháng 12 đã hạ nhiệt khi biến thể Omicron lây lan nhanh, lên mức cao nhất 2 tháng.
Bất chấp việc biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, các nhà đầu tư ngày càng cho rằng biến thể này không có khả năng làm trật bánh nền kinh tế toàn cầu hoặc các hành động tích cực hơn của các ngân hàng trung ương.
Tỷ giá hối đoái các tiền tệ châu Á phiên cuối tuần ổn định, nhưng tất cả đều trải qua tuần đầu tiên năm 2022 ngập trong sắc đỏ do Fed vẫn giữ thái độ ‘diều hâu’ trong chính sách tiền tệ.
Theo đó, trong tuần này, đồng ringgit của Malaysia và đồng won của Hàn Quốc đều giảm khoảng 1%, đồng baht của Thái Lan cũng có tuần giảm nhiều nhất kể từ đầu tháng 12 mặc dù khởi đầu tuần tích cực.
Đồng Rupiah Indonesia đã giảm bốn phiên liên tục, phiên gần đây nhất giảm 0,3% và tính chung cả tuần giảm 1% bởi khả năng Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, đồng USD vững và quyết định của chính phủ Indonesia cấm xuất khẩu than trong tháng 1.
Nhân dân tệ của Trung Quốc phục hồi trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần cũng giảm nhiều nhất kể từ giữa tháng 9 với lý do tương tự như các đồng tiền châu Á khác.
Theo đó, nhân dân tệ phiên 7/1 bật lên khỏi mức thấp nhất 3 tuần, là 6,3832 CNY/USD, và kết thúc tuần ở mức 6,3760 CNY, tăng 70 pip so với phiên liền trước, nhưng giảm 0,33% trong cả tuần.
Trong số các cổ phiếu khu vực Châu Á, Nifty 50 của Ấn Độ đã tăng 2,7% trong tuần này, mức tăng tốt nhất trong 4 tháng, mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai châu Á chứng kiến sự gia tăng trong số trường ca nhiễm Covid-19 mới. Cổ phiếu của Singapore tuần này cũng tăng hơn 2%, trong khi của Malaysia và Philippines mỗi loại giảm khoảng 2%.
Tham khảo: Refinitiv