USD đảo chiều lên cao nhất 4 tuần, vàng quay đầu giảm mạnh sau dữ liệu việc làm mạnh của Mỹ
Đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất 4 tuần trong phiên thứ Năm (5/1) sau khi dữ liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì được sức mạnh, củng cố triển vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tiếp tục lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ.
- 05-01-2023Vì sao sát Tết giá USD lao dốc không phanh?
- 05-01-2023USD giảm, nhân dân tệ lên cao nhất gần 4 tháng, giá vàng neo đỉnh cao gần 7 tháng
- 04-01-2023Lượng kiều hối dự kiến cuối năm tăng mạnh
Báo cáo của Viện nghiên cứu ADP (Mỹ) công bố hôm 5/1 cho thấy số việc làm trong lĩnh vực tư nhân ở Mỹ tháng 12 đã tăng 235.000 việc, cao hơn rất nhiều so với con số 150.000 việc mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo. Tiếp sau báo cáo này sẽ là báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 12, sẽ được công bố vào thứ Sáu (6/1) – một báo cáo được thị trường nóng lòng chờ đợi.
Cũng liên quan đến thị trường lao động, số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào tuần trước, trong khi tỷ lệ sa thải giảm 43% trong tháng 12.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Convera ở Washington, cho biết: "Tin tốt (về dữ liệu) 'là' tin xấu đối với chứng khoán, nhưng lại là tin tuyệt vời đối với đồng USD". "Nền kinh tế ngay từ đầu năm cho thấy động lực đáng ngạc nhiên, là cơ sở để giữ nguyên niềm tin rằng kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh nhẹ và khẳng định triển vọng lãi suất dài hạn của Fed sẽ cao hơn."
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên 5/1 đã tăng mạnh 0,84% lên 105,07, trong phiên có lúc đạt 105,27, mức cao nhất kể từ ngày 8 tháng 12.
Dữ liệu việc làm và tiền lương tháng 12 mà Chính phủ Mỹ sẽ công bố trong ngày hôm nay là những sự kiện kinh tế trọng tâm của tuần này, giúp các nhà đầu tư có thêm cơ sở để đánh giá ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng tăng lãi suất cao đến mức nào và trong bao lâu.
Lou Brien, chiến lược gia thị trường của DRW Trading ở Chicago, cho biết: "Dữ liệu về bảng lương (việc làm) và tiền lương rất quan trọng đối với lập trường của Fed."
Dự kiến báo cáo Viện nghiên cứu ADP (Mỹ) sắp công bố sẽ cho thấy rằng các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 200.000 việc làm trong tháng 12, trong khi thu nhập trung bình mỗi giờ được ước tính tăng 0,4% trong tháng 12, đạt mức tăng hàng năm là 5%.
Dữ liệu giá tiêu dùng cho tháng 12, theo kế hoạch sẽ công bố vào ngày 12 tháng 1, dự kiến sẽ cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 12, với giá cốt lõi tăng 0,3%.
Các nhà giao dịch quỹ Viện nghiên cứu ADP (Mỹ) hiện đang đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp kết thúc vào ngày 1 tháng 2. Tỷ lệ đặt cược mức tăng này tăng lên 42% vào ngày 5/1, so với 31% của ngày 4/1. Tỷ lệ dự đoán Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vẫn cao hơn so với tỷ lệ dự đoán tăng 50 điểm cơ bản.
Ông Brien nói rằng có thể sẽ cần "điều gì đó phi thường", chẳng hạn như lạm phát hoặc tăng lương cao hơn nhiều so với dự kiến để Fed quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng tới, bởi có vẻ như các quan chức Fed hiện muốn tăng dần dần - 25 điểm cơ bản – trong thời gian đánh giá tác động của chu kỳ tăng lãi suất lần này.
Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản vào tháng 12, sau 4 lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp.
Biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed công bố hôm thứ Tư nhấn mạnh "sự cần thiết phải duy trì tính linh hoạt và tùy chọn khi chuyển từ lập trường chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ sang thắt chặt một cách hạn chế hơn", nhưng cũng bày tỏ lo ngại về bất kỳ "sự hiểu lầm" nào trên thị trường tài chính rằng cam kết chống lạm phát của họ đang bị nhạt dần.
Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, hôm thứ Năm cho biết lạm phát là cơn gió ngược lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt hiện nay và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ "vẫn quyết tâm" hạ thấp lạm phát trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Lãnh đạo Fed Kansas City Esther George cũng cảnh báo rằng Fed có thể sẽ cần phải thúc đẩy việc thắt chặt tiền tệ và giữ tỷ lệ lãi suất ở mức cao trong một thời gian sau khi quá trình thắt chặt kết thúc.
Tuy nhiên, đồng bạc xanh về cuối phiên đã giảm bớt một số mức tăng sau khi Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard nói rằng cuối cùng thì năm mới cũng có thể mang lại một số "cứu trợ" đáng hoan nghênh trên mặt trận lạm phát.
Đồng euro kết thúc phiên 5/1 đã giảm 0,74% xuống 1,0526 USD, trong phiên có lúc xuống chỉ 1,0515 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 12 tháng 12. Đồng bảng Anh giảm 1,17% xuống còn 1,1916 USD, sau khi đạt mức 1,18730 USD trước đó, mức thấp nhất kể từ ngày 23 tháng 11.
Đồng bạc xanh cũng tăng 0,51% so với đồng yên Nhật lên 133,27.
Đồng yên đã phục hồi đáng kể từ mức thấp nhất trong hơn 30 năm là 151,94 chạm tới vào tháng 10. Sau khi điều chỉnh vào tháng trước, các nhà giao dịch đang đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ sớm từ bỏ hoàn toàn chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).
Nguyên nhân chính khiến đồng tiền này tăng giá là do xu hướng bán đồng USD mua đồng Yen đang tiếp tục tăng mạnh khi BOJ bất ngờ điều chỉnh chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, theo đó nâng biên độ lãi suất dài hạn lên mức +-0,5%.
BOJ đang chú trọng hơn vào thước đo lạm phát không bao gồm chi phí nhiên liệu và có khả năng sẽ nâng dự đoán về mức tăng trưởng của chỉ số này trong các dự báo hàng quý, sẽ công bố vào tháng này.
James Malcolm, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của UBS, cho biết: "Nhật Bản đang trên đường rời khỏi YCC, vì vậy vấn đề chỉ là thời điểm".
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tiếp theo đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể có những đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ tiếp theo nhằm thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, tránh ảnh hưởng đến các chức năng của thị trường cũng như nhằm hạn chế các tác động tiêu cực do lạm phát tăng cao.
Phản ứng của đồng Yen trên thị trường ngoại hối hiện nay đang được cho là một phép thử cho những điều chỉnh chính sách tiền tệ của Nhật Bản trong năm mới. Các nhà quan sát đánh giá, chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay có thể sẽ được xem xét lại khi nhiệm kỳ của của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kuroda Haruhiko hết nhiệm kỳ vào tháng Tư tới.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Đồng nhân dân tệ phiên vừa qua giữ vững ở mức cao nhất 4 tháng bởi nhu cầu theo mùa và các dấu hiệu cho thấy quan hệ ngoại giao với đối tác thương mại lớn là Australia đang được cải thiện.
Tâm lý thị trường đã được cải thiện sau khi Reuters đưa tin cơ quan hoạch định chính sách Trung Quốc đã cho phép ba công ty Nhà nước và nhà sản xuất thép hàng đầu của họ tiếp tục nhập khẩu than từ Úc, động thái đầu tiên như vậy kể từ khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm buôn bán than không chính thức với Canberra vào năm 2017.
Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết: "Căng thẳng thương mại với Úc có thể chứng kiến khả năng tan băng".
"Điều này cũng xảy ra vào thời điểm cạnh tranh toàn cầu đối với các mặt hàng năng lượng ngày càng gay gắt sau cuộc chiến Nga-Ukraine và khi Trung Quốc tìm cách đạt được an ninh năng lượng."
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa chiều 5/1 tăng 104 pip lên 6,8862 CNY, không xa so với mức cao nhất bốn tháng, là 6,8733 CNY đạt được vào thứ Ba.
Trên thị trường tiền tệ, Bitcoin trải qua phiên 5/1 biến động nhẹ, với giá kết thúc phiên ở mức 16.830 USD.
Giá Bitcoin ngày 5/1.
Giá vàng giảm hơn 1% trong phiên 5/1 sau khi các báo cáo về thị trường lao động Mỹ cho thấy vẫn trong tình trạng thắt chặt hơn dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài. Về cuối phiên, giá hồi phục chút ít sau khi Fed đưa ra nhận định rằng lạm phát sẽ giảm bớt vào năm 2023.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.837,01 USD/ounce, trong phiên có lúc xuống mức thấp chỉ 1824,08 USD; vàng kỳ hạn tháng 2 giảm khoảng 1% ở mức 1.840,6 USD.
Phillip Streible, giám đốc chiến lược thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, cho biết sức mạnh của chỉ số đồng USD đang đè nặng lên vàng, đồng thời nhấn mạnh rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì quan điểm thắt chặt tiền tệ lâu hơn khi thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ.
Tham khảo: Reuters, Coindesk
Nhịp sống thị trường