USD đi xuống, franc Thụy Sĩ và bảng Anh tăng vọt sau khi 2 NHTW tăng lãi suất
Đồng franc Thụy Sĩ tăng vọt so với USD và euro trong phiên 16/6 khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) bất ngờ thực hiện một đợt tăng lãi suất, trong khi đồng bảng Anh cũng tăng bởi Ngân hàng Anh (BoE) có động thái tương tự.
- 16-06-2022Đâu là động lực để bitcoin 'lội ngược dòng'?
- 16-06-2022USD giảm khi Fed tăng lãi suất, Bitcoin chạm đáy 18 tháng, vàng tăng mạnh
SNB đã hòa cùng các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ bằng việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong vồng 15 năm, theo đó lãi suất chính sách được điều chỉnh tăng lên -0,25% từ mức -0,75% - mức đã áp dụng kể từ năm 2015.
Động thái này đã đẩy đồng franc Thụy Sĩ tăng tốc để có bước nhảy vọt hàng ngày lớn nhất so với đồng euro kể từ khi SNB từ bỏ chính sách ấn định tỷ giá - năm 2015.
Theo đó, đồng tiền chung châu Âu giảm 2,2% xuống 1,01555 franc, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng.
Đồng đô la Mỹ giảm 2,4% so với đồng franc, mức giảm hàng ngày nhiều nhất trong vòng khoảng 6,5 năm.
Jane Foley, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Rabobank, trụ sở ở London, cho biết: "Động thái của SNB như một cú sốc lớn (đối với thị trường)".
Hầu hết các nhà phân tích đã dự đoán SNB sẽ giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp vào thứ Năm (16/6) và phải đến tháng 9 mới nâng lãi suất, mặc dù cũng có một số ngân hàng dự đoán mức tăng 25 điểm phần trăm trong lần họp này.
"Các cuộc thảo luận đều cho rằng SNB có thể bắt đầu thoát dần khỏi giai đoạn lãi suất âm sâu để theo xu hướng "diều hâu" hơn như Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), nhưng động thái tăng lãi suất tới 50 điểm phần trăm vẫn là một bất ngờ lớn", ông Foley cho biết.
Tỷ giá franc Thụy Sĩ so với euro tăng mạnh nhất kể từ năm 2015.
Cũng trong một ngày đầy biến động, đồng bảng Anh đầu phiên giảm sau khi BoE tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, làm nhiễu dự báo của một số người tham gia thị trường về một đợt tăng lớn hơn để chống lại lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên, sau đó bảng Anh đảo chiều tăng vọt, lúc kết thúc phiên 16/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,71% lên 1,22635 USD.
BoE cho biết họ đã sẵn sàng hành động "mạnh mẽ" để đáp trả "những dấu hiệu về áp lực lạm phát dai dẳng hơn".
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 16/6 theo giờ VIệt Nam giảm 0,3% xuống mức thấp nhất trong vòng 3 ngày, là 104,5, một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng nhiều thập kỷ, nhưng sau đó làm "dịu di" triển vọng tăng lãi suất mạnh trong những kỳ tiếp theo bằng phát ngôn rằng những động thái mạnh như vậy sẽ khó có thể tiếp tục xảy ra để trở thành xu hướng. Mặc dù giảm ở phiên này, song DXY hiện vẫn ở gần mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ - mức 105,79 đạt được vào thứ Tư (15/6).
Shaun Osborne, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ của Scotiabank, cho biết: "Nhu cầu đối với các tài sản rủi ro giảm xuống sẽ hỗ trợ cho đồng USD, nhưng chúng tôi vẫn không chắc chắn về khả năng USD từ nay trở đi sẽ tiếp tục tăng mạnh thêm nữa".
Trong phiên vừa qua, đồng USD giảm 0,8% so với đồng yên, trước cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, kết thúc vào thứ Sáu (17/6).
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là một trong những đơn vị hiếm hoi trong số những ngân hàng trung ương lớn của các nền kinh tế phát triển trên thế giới chưa nâng lãi suất, hay nói cách khác là chưa tham gia và chu kỳ thắt chặt tiền tệ - bắt đầu từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, việc đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ đã khiến thị trường nghĩ rằng BoJ có thể sẽ sớm "nhượng bộ", mở ra cơ hội mong manh về khả năng BoJ sẽ có sự điều chỉnh chính sách của mình trong tương lai gần.
Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi chặt chẽ một số diễn giả của ECB sau khi ngân hàng trung ương này cam kết sẽ kiểm soát chi phí đi vay đối với các nước ngoại vi của khu vực đồng euro sau cuộc họp khẩn vào thứ Tư (15/6).
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất gần một tuần so với USD, do Fed cảnh báo sẽ không tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới như đã làm hôm 15/6. Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ nội địa tăng 152 pip lên 6,7006 CNY.
Tỷ lệ đặt cược của các nhà đầu tư vào tương lai giảm giá của một số đồng tiền châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Mỹ tăng mạnh lãi suất, trong bối cảnh các đợt phong tỏa ở Trung Quốc để chống Covid-19 có nguy cơ lặp lại, đe dọa ảnh hưởng đến quá trình hồi phục kinh tế.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục giảm 3,02% xuống còn 20.976,53 USD, một ngày sau khi chạm mức thấp nhất trong 18 tháng, là 20.076,05 USD, giữa bối cảnh toàn bộ thị trường tiền kỹ thuật số đang chìm trong sắc đỏ.
Giá Bitcoin ngày 16/6.
Giá vàng phiên vừa qua vững do USD giảm giúp dịu bớt áp lực từ việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ và các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đưa ra tín hiệu.
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 16/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 1.836,64 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8 tăng 0,9% lên 1.836,20 USD.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures, cho biết việc Fed đang thể hiện cam kết ngăn chặn áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất là một lực cản đối với vàng, giữ cho nó kim loại này chỉ dao động trong một phạm vi hẹp.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk