MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD hạ nhiệt, yen tăng mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản can thiệp lần đầu tiên kể từ năm 1998

23-09-2022 - 08:49 AM | Tài chính - ngân hàng

USD hạ nhiệt, yen tăng mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản can thiệp lần đầu tiên kể từ năm 1998

Đồng yen Nhật tăng mạnh trong phiên vừa qua, trong khi USD lùi khỏi mức cao nhất trong 20 năm. Thị trường tiền tệ thế giới đã trải qua một phiên biến động mạnh.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc phiên thứ Năm (22/9) giảm 0,3% xuống 111,17, giảm khỏi mức cao nhất trong 20 năm, là 111,81 đạt được vào đầu phiên, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc cuộc họp chính sách vào thứ Tư (21/9).

Tuy giảm trong phiên này, song đồng USD vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đang đẩy mạnh huy động quân sự tham gia chiến đấu bảo vệ Nga và các vùng lãnh thổ của nước này.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã đưa ra các dự báo mới cho thấy lãi suất sẽ đạt đỉnh 4,6% trong năm tới và chưa giảm xuống cho đến năm 2024. Trong kỳ họp tháng 9, ngân hàng này đã nâng i lãi suất qua đêm thêm 75 điểm cơ bản lên 3% -3,25%, đúng như dự đoán của thị trường.

Đáng chú ý, đồng yen tăng vọt trong phiên vừa qua sau khi các cơ quan quản lý tiền tệ nước này can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên kể từ năm 1998 để đẩy giá yen lên, mặc dù các nhà phân tích cho rằng Nhật Bản có thể rất khó khăn để giữ cho đồng yen vững lâu bền.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, Masato Kanda, cho biết Nhật Bản "đã có bước đi mang tính quyết định" trong tình huống đồng yen giảm quá mức do hoạt động đầu cơ.

USD giảm 1,5% so với yen Nhật trong phiên vừa qua, kết thúc ở mức 141,91 JPY. Trước đó, ngay sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) can thiệp, yen có lúc tăng lên mức 140,31 JPY/USD, sau đó giảm nhẹ.

Phiên vừa qua, có thời điểm USD đạt tới mức cao, 145,9 JPY. Khoảng chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất của tỷ giá JPY/USD trong phiên vừa qua lên tới mức cao nhất kể từ tháng 6/2016.

Đồng euro, đô la Úc và bảng Anh cũng lao dốc so với đồng tiền Nhật Bản, trước khi hồi phục chút ít vào cuối phiên.

Yen vốn đã yếu đi so với USD vài tháng qua, giảm tổng cộng 20% từ đầu năm nay, là nguyên nhân khiến BoJ phải can thiệp. Tuy nhiên, giá đồng tiền này chiều 22/9 trở lại quỹ đạo giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên chính sách lãi suất âm, bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm trước đó nâng lãi suất mạnh tay để ghìm lạm phát. BoJ cho biết không có ý định nâng lãi trong tương lai gần.

Xác nhận của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda về việc BoJ can thiệp được đưa ra chỉ vài giờ sau khi BoJ quyết định duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế mong manh của đất nước.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nói với các phóng viên rằng ngân hàng trung ương Nhật có thể ngừng tăng lãi suất hoặc thay đổi chủ trương chính sách ôn hòa của mình trong nhiều năm.

Ngược lại, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đang tăng lãi suất mạnh mẽ và sự phân kỳ chính sách đã gây áp lực giảm giá lên đồng yên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết Nhật Bản không thể tiếp tục hỗ trợ tiền tệ trên cơ sở duy trì sự ổn định.

Brendan McKenna, chiến lược gia về tiền tệ và kinh tế quốc tế của Wells Fargo Securities cho biết: "Trong vòng ba đến sáu tháng tới hoặc thậm chí có thể lâu hơn, miễn là sự phân kỳ trong các đường lối chính sách tiền tệ vẫn còn và những khác biệt đó vẫn còn, bạn sẽ tiếp tục thấy đồng yên yếu đi".

"Lợi tức trái phiếu Mỹ phiên vừa qua tăng gần 16 điểm cơ bản trong khi của Nhật Bản giảm. Vì vậy, tôi nghĩ nếu bất kỳ điều gì chênh lệch sẽ tiếp diễn có lợi cho đồng đô la Mỹ đều sẽ tiếp tục dẫn đến đồng Yên yếu đi cho đến cuối năm nay và có thể vào đầu năm 2023", ông McKenna nói thêm.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm phiên vừa qua có lúc đạt 3,68%, cao nhất kể từ tháng 2 năm 2011, kết thúc phiên vẫn tăng 16 điểm cơ bản, lên 3,674%.

Ngay cả sau động thái can thiệp của BoJ, đồng USD vẫn tăng 23,2% so với đồng yên trong năm nay.

USD hạ nhiệt, yen tăng mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản can thiệp lần đầu tiên kể từ năm 1998 - Ảnh 1.

Lịch sử can thiệp vào đồng yen của BoJ.

Trong ngày thị trường tiền tệ có rất nhiều biến động, đồng bảng Anh đã tăng nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Mức tăng này phù hợp với kỳ vọng, nhưng có một tỷ lệ nhỏ các nhà giao dịch dự đoán lãi suất của Anh tăng 75 điểm cơ bản, do đó mức tăng 50 điểm không gây xáo trộn nhiều cho bảng Anh.

Lúc kết thúc phiên, bảng Anh tăng 0,2% so với USD, kết thúc phiên giao dịch trên thị trường London ở mức 1,1295 USD/GBP, và dù tăng nhưng không quá xa so với mức thấp nhất trong 37 năm là 1,1213 USD đạt được trong phiên giao dịch ở châu Á.

"Tôi khá ngạc nhiên rằng ngân hàng đã không tận dụng cơ hội này để tăng 75 điểm cơ bản, đặc biệt là với sự bảo trợ từ một số ngân hàng trung ương toàn cầu khác. Đồng bảng có vẻ đặc biệt dễ bị tổn thương nếu ngân hàng Anh đi sau đường cong lãi suất", Hugh Gimber, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JP Morgan Asset Management cho biết.

Trong mùa hè này, lãi suất tăng đã hỗ trợ rất ít cho đồng bảng Anh trong bối cảnh triển vọng kinh tế nước này ảm đạm và khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Đồng bảng Anh đã giảm 16% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay, chạm mức thấp nhất trong 37 năm.

BoE ước tính nền kinh tế Anh sẽ giảm 0,1% trong quý 3, một phần do nghỉ kéo dài trong kỳ lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth. Kết hợp với sản lượng giảm trong quý thứ hai, kinh tế Anh đã đáp ứng định nghĩa của một cuộc suy thoái kỹ thuật.

"Kể từ tháng 5, rõ ràng là BoE tăng lãi suất không có nhiều tác động trong việc ngăn chặn áp lực giảm đối với đồng bảng Anh với các nguyên tắc cơ bản của Vương quốc Anh bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và gần đây là do lo ngại về triển vọng tài khóa", Jane Foley, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Rabobank ở London, cho biết.

Đồng euro ít thay đổi so với USD trong phiên vừa qua, ở mức 0,9838 USD, hồi phục từ mức thấp nhất 20 năm trước đó.

Ngoài ra, đồng franc Thụy Sĩ đã giảm sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, trong khi một số người đã dự đoán về khả năng tăng 100 điểm cơ bản.

Cả USD và EUR đều tăng khoảng 1,5% so với đồng franc, kết thúc phiên ở mức 0,9808 USD/CHF, và 0,9647 EUR/CHF.

Đồng krone của Na Uy giảm so với euro sau khi ngân hàng trung ương Na Uy tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản đúng như dự kiến, và cho biết có thể có một cách tiếp cận dần dần để thắt chặt chính sách tiền tệ trước mắt. Kết thúc phiên, euro tăng 0,5% lên 10,2205 krone/euro.

USD hạ nhiệt, yen tăng mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản can thiệp lần đầu tiên kể từ năm 1998 - Ảnh 2.

Cập nhật tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.

Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 27 tháng so với đồng USD sau khi Fed nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và báo hiệu nhiều đợt tăng nữa trong những tháng tới.

Kết thúc phiên, đồng nhân dân tệ trên thị trường tự do ở mức 6,9798 CNY/USD, giảm 262 pips hoặc 0,38% so với mức 6,9536 ở phiên liền trước – mức thấp nhất kể từ ngày 4 tháng 8 năm 2020.

Trên thị trường tiền điện tử, bitcoin lình xình quanh mức gần 19.000 USD suốt phiên vừa qua, kết thúc ngày 22/9 theo giờ Việt Nam ở mức 18.969 USD.

USD hạ nhiệt, yen tăng mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản can thiệp lần đầu tiên kể từ năm 1998 - Ảnh 3.

Giá Bitcoin ngày 22/9.

Giá vàng tiếp tục tăng trong bối cảnh Fed nâng lãi suất làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi vốn không có lãi, song bù lại nhu cầu mua trú ẩn an toàn hỗ trợ giá.

Kế thúc ngày 22/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.675,20 USD/ounce, trước đó có lúc giảm hơn 1%; giá vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,5% lên 1.683,30 USD.

"Nhìn chung, xu hướng giá vàng giảm sẽ tiếp diễn do ngân hàng trung ương Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tăng lãi suất", Bart Melek, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa của TD Securities cho biết.

Ông Melek cho rằng "động thái tăng nhẹ" của giá vàng trước đó trong phiên giao dịch tại Mỹ (giá vàng kỳ hạn) là do một số đợt giảm giá trước đó trong bối cảnh đồng USD hạ nhẹ".

Với việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, ông Melek nói rằng "Điều đó cuối cùng sẽ khiến vàng ở mức dưới 1.600 đô la - có thể là trong tương lai không xa".

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế/ Tổ quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên