USD lao dốc, vàng và các tiền tệ chủ chốt khác tăng vọt sau dữ liệu CPI của Mỹ
USD giảm mạnh trong ngày thứ Ba (13/12) sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng cơ bản của Mỹ tháng 11 tăng ít hơn dự kiến, củng cố niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 12 này.
- 13-12-2022Lãnh đạo NHNN khẳng định vốn tín dụng không thiếu, room 3,5-4% từ nay đến cuối năm là rất lớn
- 13-12-2022Giảm lãi suất vay, tiếp sức doanh nghiệp
Đồng bạc xanh có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng so với đồng euro sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố. Theo đó, euro đạt 1,0666 USD, mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, lúc kết thúc ngày 13/12 theo giờ Việt Nam vẫn tăng 1,1% lên 1,0648 USD. Đồng tiền chung châu Âu đã tăng gần 8% từ đầu quý IV đến nay khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) theo sát lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ.
So với đồng yen, USD cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần, là 134,67 JPY, và kết thúc phiên vẫn giảm 1,9% xuống 134,94 JPY.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - giảm 1,1% xuống 103,82.
Dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 11 tăng 0,1% so với tháng liền trước và tăng 7,1%. Tỷ lệ này thấp hơn so với lần lượt 0,3% và 7,3% trong cuộc khảo sát của Dow Jones, và càng thấp hơn so với mức tăng 7,7% của tháng 10/2022 do giá xăng và ô tô đã qua sử dụng giảm, dẫn tới mức tăng lạm phát thấp nhất trong vòng gần 1 năm. Dù vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed, nhưng đây là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 11/2021. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI cơ bản trong tháng 11 tăng 0,2% so với tháng liền trước và tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi dự báo ở mức tương ứng là tăng 0,3% và 6,1%. Con số này cũng thấp hơn mức tăng 6,3% của lạm phát cơ bản trong tháng 10.
Richard Flax, giám đốc đầu tư của Moneyfarm ở London, cho biết: "Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy lạm phát đang dần giảm từ mức rất cao xuống mức mà các ngân hàng trung ương mong muốn". "Trong một viễn cảnh dài hạn hơn, dữ liệu cho thấy rằng đó là một quá trình lâu dài nhưng vẫn chứng tỏ lạm phát sẽ bắt đầu giảm xuống mức mục tiêu 2% và điều đó sẽ là tin vui đối với các hộ gia đình và có lợi cho các tài sản rủi ro."
Đồng USD cũng giảm mạnh so với những tiền tệ hàng hóa sau dữ liệu CPI. Theo đó, đô la Úc tăng 1,9% so với đồng bạc xanh lên 0,6879 USD; đô la New Zealand tăng 1,7% lên 0,6490 USD. So với đô la Canada, USD phiên vừa qua giảm 0,5% xuống còn 1,3555 CAD/USD.
Đồng bảng Anh cũng tăng trong phiên vừa qua, thêm 1,09% lên 1,2407 USD. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Vương quốc Anh phục hồi vào tháng 10 sau khi bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth vào tháng trước, mặc dù vẫn cho thấy một triển vọng ảm đạm.
Đồng đô la Canada tăng 0,7% lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần, là 1,3544 CAD/USD, hay 73,83 US cent/CAD, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 5 tháng 12, là 1,3523 CAD.
Fed nhìn chung được kỳ vọng sẽ đưa ra mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) sau một loạt các lần tăng 75 điểm cơ bản. Các nhà đầu tư rất muốn tìm hiểu xem liệu dự báo lãi suất cuối chu kỳ của Fed có vượt quá 5% hay không. Hiện tại, các quỹ liên bang đang nhận định rằng mức lãi suất cuối cùng – mốc mà Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong chu kỳ này – sẽ là 4,8%, vào tháng 5/2022, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo vào cuối tháng 11 – là khoảng 5,1%. Tỷ lệ này phù hợp với ngụ ý gần đây của Fed rằng trần lãi suất có thể sẽ cao hơn mức 4,75%.
"Quan điểm đồng thuận là tỷ lệ lãi suất cao nhất có thể dưới 5% một chút mà chúng tôi tin rằng sẽ đạt được vào khoảng quý hai năm sau," ông Flax của Moneyfarm cho biết.
"Chúng tôi sẽ đồng ý với quan điểm rằng thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ thay đổi tương đối nhanh chóng từ việc tăng lãi suất cho đến nay sang cắt giảm lãi suất trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Quan điểm của chúng tôi là thị trường đang định giá khả năng rằng Fed duy trì lãi suất cao nhất lâu hơn một chút."
Cập nhật tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Tiền tệ của các thị trường mới nổi cũng tăng trong phiên vừa qua sau khi lạm phát của Mỹ hạ nhiệt chút ít. Theo đó, đồng rand Nam Phi tăng 2%, peso của Mexico tăng khoảng 1%....
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng nhẹ so với đồng đô la Mỹ khi các nhà đầu tư phớt lờ dữ liệu cho vay yếu kém của Trung Quốc và kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế khi các biện pháp kiềm chế COVID-19 được nới lỏng hơn nữa.
Đồng nhân dân tệ giao ngay trên thị trường nội địa kết thúc phiên tăng 9 pip lên 6,977 CNY, trong phiên có lúc đạt 6,9856 CNY.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng mạnh, lên mức 17.729 USD vào lúc kết thúc ngày 13/12 theo giờ Việt Nam, do CPI của Mỹ thấp hơn dự kiến.
Giá Bitcoin ngày 13/12.
Giá vàng phiên vừa qua tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng sau khi dữ liệu cho thấy mức tăng giá tiêu dùng ở Mỹ thấp hơn dự kiến củng cố đặt cược vào khả năng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và gây áp lực giảm giá trên diện rộng đối với USD.
Lúc kết thúc ngày 13/12 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 2,1% lên 1.817,64 USD/ounce, đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/6. Giá vàng kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 2,2% lên 1.830,90 USD.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, cho biết: "Vàng và bạc tăng đáng kể nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn và cũng như triển vọng tăng lãi suất có thể chậm lại".
Trong báo cáo vừa công bố, Goldman Sachs kỳ vọng vàng, với các yếu tố thúc đẩy nhu cầu thực, sẽ mang lại lợi nhuận vượt trội so với bitcoin - có tính biến động cao trong dài hạn.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nhịp sống thị trường