USD tăng 3 tuần liên tiếp, Bitcoin “miễn nhiễm” với chính sách của Trung Quốc
Cho dù các nhà đầu tư có chạy đua với những biến động mạnh hay không sau sự rung chuyển của thị trường chứng khoán trong tuần qua, đồng đô la Mỹ vẫn vượt lên tất cả để chiếm ưu thế so với các đồng tiền lớn khác. Giá vàng đang hưởng lợi sau vụ Evergrande, trong khi Bitcoin ngừng giảm dù bị Trung Quốc "đàn áp".
- 24-09-2021USD và Bitcoin lao dốc bởi “bom nợ” Evergrande, vàng hưởng lợi
- 20-09-2021Tỷ giá USD sẽ ra sao sau 3 – 12 tháng tới?
Đồng USD tăng giá trong phiên cuối tuần (thứ Sáu, 24/9), hồi phục mạnh mẽ sau phiên giảm trước đó (23/9), tăng 0,237% so với phiên liền trước, lên 93,277, và tính chung cả tuần tăng tuần thứ 3 liên tiếp so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt do sự không chắc chắn về vấn đề Evergrande.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giao dịch ở nước ngoài trong phiên 24/9 đã giảm xuống 6,641 CNY/USD. Yen Nhật cùng phiên cũng giảm 0,43% so với đồng bạc xanh, xuống 110,77 CNY/USD, trong khi bảng Anh giao dịch gần đây nhất ở mức 1,3666 USD (giảm 0,36% trong một ngày). Riêng euro phiên này tăng 0,2% so với USD lên 1,1713 USD.
Giá vàng ngày thứ Sáu (24/9) tăng theo xu hướng USD – điều ít khi xảy ra trong thời gian gần đây – bởi nhiều nhà đầu tư lảng tránh các tài sản rủi ro do vụ Evergrande. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.750 USD/ounce, song tính chung cả tuần vẫn giảm tuần thứ 3 liên tiếp; vàng kỳ hạn tháng 12 phiên này cũng tăng 0,1% lên 1.751,7 USD.
Cũng ngày cuối tuần, 24/9, tiền điện tử đồng loạt lao dốc sau khi các cơ quan quản lý của Trung Quốc ra tuyên bố tăng cường ‘đàn áp’ tiền kỹ thuật số, theo đó cấm toàn diện tất cả các giao dịch tiền điện tử và khai thác tiền điện tử. Bitcoin giảm 5,89% trong ngày 24/9 xuống còn 42.256,47 USD. Các đồng tiền nhỏ hơn cũng đồng loạt giảm, Ether mất 8,08% xuống 2,899,10 USD trong khi XRP giảm 7,3% xuống 0,93 USD.
Tuy nhiên, do chiến dịch của Trung Quốc đã mở màn từ nhiều tháng nay, và hiện các cơ sở khai thác tiền điện tử hầu hết đã được chuyển ra khỏi Trung Quốc, các hoạt động giao dịch cũng đã giảm đi phần lớn nên sau ngày 24/9 giảm giá mạnh, thị trường tiền điện tử đã trấn tĩnh trở lại, cả ngày 25/9 duy trì quanh mức 42.000 USD chứ không giảm thêm nữa.
Diễn biến Bitcoin trong ngày 25/9
Thị trường tài chính căng thẳng do đâu và những ai hưởng lợi?
Rõ ràng, vụ Evergrande nguy cơ vỡ nợ đang là yếu tố chính tác động tới thị trường tài chính thế giới ở thời điểm hiện tại.
China Evergrande Group nợ 305 tỷ USD và không còn tiền mặt. Công ty này đã bỏ qua thời hạn thanh toán 83,5 triệu USD vào thứ Năm (23/9) khiến các nhà đầu tư nghi ngờ liệu họ có thực hiện thanh toán được khoản nợ này trước khi hết thời gian ân hạn 30 ngày hay không. Sự sụp đổ của Evergrande có thể tạo ra rủi ro hệ thống đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Ngày 23/9, Dollar index đã giảm mạnh sau khi Bắc Kinh bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính và Evergrande thông báo họ sẽ thực hiện thanh toán lãi suất cho khoản trái phiếu trong nước, khiến nhà đầu tư lại háo hức với những tài sản rủi ro.
Joseph Trevisani, nhà phân tích cấp cao của FXStreet.com cho biết: "Chúng ta đang ở trong một tình huống không phải lúc nào cũng xảy ra, trong đó đồng USD là đối tượng được hưởng lợi từ nhiều yếu tố", đó là "Nền kinh tế Mỹ có vẻ tốt hơn so với hầu hết các đối thủ cạnh tranh; nỗi sợ hãi kéo về Evergrande và những thứ khác nữa trong nền kinh tế Trung Quốc; và dường như đã đến lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng (thắt chặt tiền tệ)".
Tiền mặt bằng đô la thường là nơi trú ẩn trong những thời điểm các quỹ rơi vào tình trạng căng thẳng trong quá khứ - gần đây nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3 năm ngoái.
Và nay, sự lo lắng về khả năng vỡ nợ của công ty bất động sản khổng lồ China Evergrande - thậm chí lo sợ tác động lan tỏa đối với các công ty bất động sản trong khu vực, tới cả thị trường nợ và ngân hàng cơ lợi suất cao – cộng dồn lại cũng tạo thành một vấn đề không nhỏ.
Những lo lắng đó đã đủ lớn để kích hoạch sự biến động mạnh của thị trường cổ phiếu thế giới trong tháng này, với xu hướng giảm áp đảo, và đồng đô la Mỹ là một trong số ít những ‘người chiến thắng’ rõ ràng trong suốt thời kỳ hỗn loạn.
Thị trường tài chính thế giới tháng Chín cực kỳ căng thẳng
Mặc dù hầu hết các nhà phân tích đã dự đoán về sự điều chỉnh xu hướng của thị trường cổ phiếu – kết quả của cuộc khảo sát gần đây của Deutsche Bank cho thấy các nhà đầu tư dự báo giá cổ phiếu sẽ giảm 5-10% vào cuối năm nay, song sự điều chỉnh có vẻ đã đến sớm hơn, khi chỉ trong phiên thứ Hai (20/9) chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu đã mất tới 5% sau khi lao dốc từ ‘đỉnh’ xuống ‘đáy’.
Thị trường tài chính toàn cầu đang biến động mạnh nhất trong vòng nhiều tháng, trong khi những căng thẳng trên thị trường bất động sản Trung Quốc dự báo còn lâu mới kết thúc. Đồng USD lại nổi lên là nơi trú ẩn an toàn mà nhiều nhà đầu tư dù không muốn vẫn phải tìm tới.
Diễn biến giá một số đồng tiền chủ chốt, vàng và Bitcoin so với USD trong tuần qua
Các "thiên đường trú ẩn an toàn" khác như yen Nhật Bản hay franc Thụy Sỹ đã không giữ được vị thế trong cuộc đua ở thời điểm hiện tại, liên tục giảm trong những ngày qua, trong khi USD vẫn vươn lên ngoạn mục.
Dĩ nhiên, USD tăng giá không chỉ do thị trường căng thẳng. Có một sự kiện lớn khác đã diễn ra trong tuần qua, đó là cuộc họp chính sách của Fed. Vì vậy, một số nhà chiến lược tiền tệ cho rằng USD đang ở trong một đợt tăng giá "kép".
Về triển vọng USD, với việc Evergrande vừa thất hứa khi không trả khoản nợ lãi đúng hạn, dự báo nhà đầu tư vẫn tiếp tục lảng tránh các tài sản rủi ro và đồng USD cùng vàng sẽ tiếp tục hưởng lợi.
Tham khảo: Refinitiv