MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD tăng mạnh so với tất cả các tiền tệ Á – Âu, Bitcoin kết thúc tuần tồi tệ nhất 6 tháng

20-11-2021 - 13:15 PM | Tài chính - ngân hàng

USD tăng mạnh so với tất cả các tiền tệ Á – Âu, Bitcoin kết thúc tuần tồi tệ nhất 6 tháng

Đô la Mỹ tăng trong phiên cuối tuần (thứ Sáu (19/11) trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn sau khi Áo thông báo áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Âu thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt như vậy, và Đức cho biết có thể sẽ làm theo Áo.

Tại cuộc họp báo ngày 19/11, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết lệnh phong tỏa toàn quốc tại nước này sẽ có hiệu lực từ ngày 22/11 và kéo dài 20 ngày.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - đã tăng 0,357% trong ngày 19/11 so với ngày hôm trước, lên 95,903, gần sát mức cao kỷ lục 16 tháng, là 96,266 đạt được vào thứ Tư (17/11).

Tính chung cả tuần, Dollar index tăng khoảng 1% do các nhà giao dịch đặt cược vào việc lãi suất của Mỹ sẽ tăng nhanh hơn các nơi khác trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn thế giới.

Trong khi đó, đồng euro lao dốc xuống mức thấp nhất trong 16 tháng trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở châu Âu và nhà đầu tư dự đoán các nền kinh tế khác, đặc biệt là Mỹ, sẽ tăng lãi suất nhanh hơn so với châu Âu.

Các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa, như đô la Australia, đô la New Zealand và đô la Canada – được coi là các tiền tệ có độ rủi ro cao – đều giảm giá trong phiên này.

Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao của City Index cho biết: "Đồng bạc xanh đang hưởng lợi từ các dòng tiền chảy mạnh từ các tiền tệ rủi ro sang USD".

Bên cạnh lệnh phong tỏa, Áo cũng cho biết họ sẽ yêu cầu tất cả công dân của mình phải tiêm vắc xin Covid-19 từ ngày 1/2/2022. Bộ trưởng Y tế Đức cảnh báo có thể tái áp dụng các biện pháp phong tỏa.

Stephane Ekolo, chiến lược gia cổ phiếu toàn cầu thuộc công ty môi giới Tradition cho biết: "Có một điều chắc chắn là nếu toàn bộ châu Âu rơi vào tình trạng phong tỏa và tùy thuộc vào thời gian kéo dài bao lâu, chúng ta sẽ cần phải suy nghĩ lại về các kịch bản tăng trưởng đối với khu vực này".

Đồng euro đã giảm hơn 1% trong tuần này so với đồng đô la. Phiên cuối tuần, 19/11, euro giảm 0,61% so với phiên liền trước, xuống 1,13055 USD vào cuối phiên giao dịch, sau khi có thời điểm trong phiên này chạm 1,1248 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde ngày 19/11 đã nâng gấp đôi quan điểm thận trọng của mình, nói rằng ECB không nên thắt chặt chính sách vì điều đó có thể làm suy yếu sự phục hồi.

Chiến lược gia Kit Juckes của Societe Generale cho biết: "Trong quá khứ, khi Euro giảm xuống dưới 1,10 USD thường xuất hiện hiện tượng bán khống lượng lớn euro". "Câu hỏi đặt ra là thị trường có đang bán khống euro không thì tôi nghĩ câu trả lời sẽ là "có", trừ khi dữ liệu kinh tế của khu vực được cải thiện". Doanh số bán xe hơi của Châu Âu giảm trong tháng thứ tư liên tiếp và các ngân hàng trung ương cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp.

Nhà đầu tư ngày càng gia tăng kỳ vọng rằng USD sẽ còn tiếp tục mạnh hơn nữa trong năm tới khi dữ liệu kinh tế của Mỹ, bao gồm cả doanh số bán lẻ thông báo vào đầu tuần này, phần lớn gây bất ngờ với xu hướng tăng, trong khi lạm phát đang tăng nóng hơn dự kiến.

Các nhà phân tích của UBS trong một báo cáo về triển vọng tiền tệ cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng sự kết hợp giữa việc Fed cắt giảm kích thích và kinh tế trên toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ có lợi cho đồng đô la Mỹ trong năm 2022.

Một yếu tố khác nữa cũng hỗ trợ cho USD tăng là kỳ vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố người được đề cử giữ chức lãnh đạo Fed trước ngày Lễ Tạ ơn, 25/11, với những cái tên khả thi nhất là người lãnh đạo Fed đương nhiệm, ông Jerome Powell và Thống đốc Lael Brainard, người có thái độ cực kỳ "bồ câu".

Brent Donnelly, nhà giao dịch kiêm Chủ tịch của công ty phân tích Spectra Markets cho biết: "Nếu ông Powell được đề cử, thị trường sẽ mua đô la/yên, vì ông được cho là có cách tiếp cận diều hâu hơn một chút trong việc nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát".

Ông Donnelly cho biết: "So sánh tỷ giá euro/đô la hiện nay đã đủ thấy thị trường tiền tệ sẽ ra sao nếu ông Brainard trở thành chủ tịch Fed…. "Tôi nghĩ rằng bạn có thể thấy tỷ giá euro/đô la tăng ngay 100 cent chỉ trong một hoặc hai ngày sau thông tin đó".

Đô la Australia kết thúc phiên cuối tuần giảm 0,32% xuống 0,72525 USD, đô la New Zealand giảm 0,47% xuống 0,7013 đô la, đô la Canada giảm 0,23% xuống 1,26295.

Đồng yên Nhật, cũng được coi là đồng tiền trú ẩn an toàn, đã mạnh lên sau khi Áo thông báo phong tỏa toàn quốc, kết thúc phiên cuối tuần tăng 0,35% so với đồng đô la, lên 113,85 yên.

Đồng bảng Anh mất đi một phần thành quả tăng giá của những phiên gần đây sau khi giảm 0,37% ở phiên 19/11 xuống 1,3449 USD.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một trong những ngày tồi tệ nhất trong vòng 3 năm sau khi ngân hàng trung ương nước này giảm lãi suất đi 100 điểm cơ bản, bất chấp cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện và lạm phát tăng cao, với lý do đây là cách duy nhất để kiềm chế lạm phát. Không những thế, Thống đốc ngân hàng trung ương Thổ còn ám chỉ về một đợt cắt giảm lãi suất nữa vào tháng tới.

Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế lớn nhất ở Trung Đông và lớn thứ 20 trên thế giới, đã bị ảnh hưởng bởi hai đợt suy giảm mạnh trong nhiều năm và đồng tiền của nước này đã giảm 2/3 giá trị kể từ giữa năm 2018.

USD tăng mạnh so với tất cả các tiền tệ Á – Âu, Bitcoin kết thúc tuần tồi tệ nhất 6 tháng - Ảnh 1.

Đồng lira lao dốc thê thảm do lãi suất giảm.

Tại Châu Á, hầu hết tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi đều giảm trong phiên cuối tuần, dẫn đầu là won Hàn Quốc, do USD mạnh lên. Đồng won của Hàn Quốc giảm tới 0,4% và đóng cửa giao dịch ở mức thấp nhất trong một tháng. Đồng baht Thái Lan và đô la Singapore giảm 0,1% mỗi loại. Đồng Rupiah Indonesia, một trong những đồng tiền hoạt động tốt nhất châu Á năm 2021, chỉ mất giá 1,4% so với đồng đô la trong phiên này.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin trong 24 giờ qua quanh quẩn dưới ngưỡng 60.000 USD, có lúc xuống chỉ hơn 55.000 USD, kết thúc ngày 19/11 ở mức khoảng 58.000 USD; ether phiên này cũng lao dốc xuống dưới 4.000 USD; cả hai loại tiền điện tử lớn nhất và nhì thế giới đã kết thúc một tuần tồi tệ nhất trong vòng 6 tháng.

Theo một báo cáo gần đây từ công ty nghiên cứu tiền điện tử Delphi Digital, mặc dù thị trường tiền điện tử đã chứng kiến những đợt giảm giá đáng kể trong tuần qua, nhưng điều đó không làm thay đổi xu hướng gia tăng chung về tổng thể của thị trường này. "Việc bán tháo ban đầu chủ yếu là do làn sóng thanh lý thay vì sự thay đổi cơ bản", điều này cho thấy đợt giá giảm lần này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và có khả năng tạo ra "một điểm vào hấp dẫn" cho những nhà đầu tư muốn tiếp cận thị trường nhiều hơn.

USD tăng mạnh so với tất cả các tiền tệ Á – Âu, Bitcoin kết thúc tuần tồi tệ nhất 6 tháng - Ảnh 2.

Diễn biến giá Bitcoin 24 giờ qua.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Thu Ngân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên