USD tăng vọt, vàng lao dốc tiếp, nhân dân tệ thấp nhất kể từ cuối năm 2020
Đồng USD tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư lảng tránh khỏi những tài sản rủi ro bởi lo ngại Mỹ và châu Âu tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát sẽ gây ra ‘tác dụng phụ’ là làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.
- 23-08-2022NHNN cấp tập hút tiền về bằng cả tín phiếu và bán ngoại tệ
- 22-08-2022Room tín dụng 457.000 tỷ còn lại sẽ được phân bổ thế nào?
- 22-08-2022Nhiều ngân hàng chuẩn bị hoàn thành Basel III
Đồng USD tăng trong phiên đầu tuần, với chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 22/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,5% lên 108,71 USD, không xa so với mức cao nhất trong hai thập kỷ, là 109,29 đạt tới vào giữa tháng Bảy.
Trong những phiên giao dịch gần đây, đồng bạc xanh đã được đẩy tăng lên bởi một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhắc lại lập trường của Fed là tích cực thắt chặt tiền tệ trước thềm hội nghị chuyên đề Jackson Hole, Wyoming, sẽ diễn ra trong tuần này.
Người mới nhất trong số các quan chức này, Chủ tịch Fed Richmond, Thomas Barkin, hôm thứ Sáu (19/8) cho biết "sự thôi thúc" tất cả các ngân hàng trung ương là hướng tới việc tăng lãi suất nhanh hơn nữa.
Michael Brown, người phụ trách bộ phận tình báo thị trường của Caxton – trụ sở ở London, cho biết: "Quan điểm Fed sắp xoay trục sang chính sách ôn hòa có nguy cơ sắp biến mất sau những phát ngôn từ các diễn giả của Fed trong tuần qua".
"Với việc các nhà đầu tư hiện đang nhận thức rõ ràng về một thông điệp tương đối ‘diều hâu’ từ Chủ tịch Fed (Jerome Powell) tại Jackson Hole vào thứ Sáu tới, đó là một ‘ly cocktail hoàn hảo’ với thành phần là sự pha trộn giữa sự không thích rủi ro và một Fed ‘diều hâu’ đẩy đồng bạc xanh tăng lên, đặc biệt là với có ‘sự gắn kết’ với lo ngại về tăng trưởng, nhất là ở châu Âu", ông "Brown nói.
Mức độ biến động tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trong năm 2022.
Trong khi đó, đồng euro giảm do cuối ngày thứ Sáu tuần trước (19/8) khi Nga tuyên bố về việc ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 trong ba ngày cuối tháng 8 này. Các nhà đầu tư lo ngại rằng việc ngừng giao dịch khí đốt có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã ‘đè nặng’ lên đồng tiền chung trong những tháng gần đây.
Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi rủi ro suy thoái ở Đức ngày càng gia tăng, vì lạm phát sẽ ở mức quá cao cho đến năm 2023, Chủ tịch Bundesbank, Joachim Nagel, thông tin với một tờ báo Đức cho biết.
Trong phiên vừa qua, có một khoảng thời gian ngắn, đồng euro giảm xuống dưới 1 USD lần đầu tiên kể từ ngày 14 tháng 7. Lúc kết thúc ngày 22/8 theo giờ Việt Nam, euro giảm 0,7% xuống 0,99715 EUR/USD.
Ông Brown cho biết: "0,9950 có vẻ là ngưỡng quan trọng, vì đó là mức thấp trước đó. Tỷ giá này có thể giảm xuống thấp hơn nữa, đặc biệt là khi ‘cửa sổ’ thắt chặt chính sách của ECB (Ngân hàng trung ương châu Âu) nhanh chóng đóng lại," ông Brown nói.
Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7 so với đồng USD do gia tăng lo ngại về khả năng kinh tế Anh rơi vào suy thoái khi chi phí năng lượng tăng cao và liên tiếp xảy ra những vụ đình công trong mùa hè do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Theo đó, bảng Anh đã giảm 0,43% cuối phiên vừa qua, xuống 1,1781 USD/GBP, sau khi có lúc chạm 1,1761 USD, mức thấp nhất gần 2,5 năm như đã từng xảy ra vào giữa tháng 7. Điều đó khiến chuỗi ngày giảm giá của bảng Anh bị kéo dài thêm, sau khi tuần qua đã giảm nhiều nhất kể từ tháng 9/2020 so với USD.
"Triển vọng tăng trưởng yếu của Vương quốc Anh tiếp tục đè nặng lên đồng bảng Anh. Thông tin rằng Ofgem tháng 6 tới sẽ công bố dữ liệu cho thấy hóa đơn năng lượng trung bình của các hộ gia đình ở Anh có thể tăng lên hơn 3.500 bảng (4.128,60 USD) cho thấy rõ những khó khăn mà người tiêu dùng ở nước này đang phải đối mặt ", Jane Foley, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Rabobank – trụ sở ở London – cho biết.
Đô la Australia và đô la New Zealand đã cố gắng lấy lại một phần những gì đã mất trong tuần qua, với AUD tăng nhẹ 0,3% trong phiên 22/8, sau khi giảm mạnh 3,5% trong tuần qua – mức giảm tồi tệ nhất trong gần hai năm. Kết thúc phiên, AUD ở mức dưới 0,6870 USD, nhưng có nguy cơ sắp quay trở lại mức ‘đáy’ như hồi tháng 7 – là 0,6683 USD.
Việc đồng nhân dân tệ Trung Quốc giao dịch ở nước ngoài giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, là 6,852 CNY/USD, đã làm tăng thêm áp lực cho tỷ giá cặp tiền này, vì đồng AUD thường có liên quan mật thiết với đồng tiền Trung Quốc, phản ánh vị thế của Trung Quốc là khách hàng mua tài nguyên nhiều nhất của Australia.
Đồng đô la New Zealand phiên này cũng tăng 0,5% lên 0,6199 NZD, sau khi giảm mạnh, 4,4%, trong tuần trước – đợt giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, vào tháng 3 năm 2020. Việc NZD xuyên thủng mức giá hỗ trợ, khoảng 0,6215 USD, có thể khiến đồng tiền này giảm xuống ít nhất là 0,6150 USD.
Tiền tệ của các thị trường mới nổi giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng, kéo chứng khoán giảm phiên thứ 3 liên tiếp, khi những bình luận mang tính ‘diều hâu’ của các thành viên Fed hỗ trợ tích cực cho đồng USD.
Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm sau khi ngân hàng trung ương của nước này (PBOC) hôm thứ Hai (22/8) cắt giảm lãi suất cho vay tiêu chuẩn và hạ mức lãi suất tham chiếu thế chấp với biên độ lớn hơn, bổ sung vào các biện pháp nới lỏng vào tuần trước, khi Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực phục hồi nền kinh tế đang gặp khó khăn khủng hoảng tài sản và sự bùng phát trở lại số ca nhiễm COVID. Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ cũng gây áp lực lên đồng tiền này.
Trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng nhân dân tệ đều giảm giá. Theo đó, giá CNY trên thị trường nội địa là 6,8243 pip, giảm hơn 73 pips so với mức đóng cửa cuối phiên trước đó.
Trên thị trường tiền điện tử, bitcoin giảm khoảng 0,1% trong ngày đầu tuần, xuống mức 21.231 USD vào lúc kết thúc ngày 22/8 theo giờ Việt Nam, bị ảnh hưởng bởi tâm lý ngại rủi ro trên khắp thị trường.
Giá Bitcoin ngày 22/8.
Giá vàng bạc đồng loạt giảm trong phiên vừa qua, theo đó vàng gần chạm mức thấp nhất trong vòng một tháng do USD tăng mạnh.
Tiếp diễn đà giảm từ tuần trước, giá vàng giao ngay trong phiên 22/8 giảm thêm 0,7% xuống 1.736,03 USD/ounce vào lúc kết thúc ngày 22/8 theo giờ Việt Nam, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27/7. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 trong cùng thời điểm cũng giảm 0,8% xuống 1.749,30 USD.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, cho biết vàng đang chịu áp lực bởi USD mạnh lên và kỳ vọng của thị trường rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ củng cố lập trường diều hâu của ngân hàng trung ương Mỹ trong bài phát biểu tại hội nghị ngân hàng trung ương Jackson Hole, Wyoming, vào cuối tuần này.
Ông Ghali dự báo giá có thể giảm xuống dưới 1.700 USD sau hội nghị Jackson Hole.
Kết quả một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 9 tới trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát của Mỹ đã đạt ‘đỉnh’ và lo ngại suy thoái ngày càng gia tăng.
Ngân hàng Commerzbank nhận định, trong ngắn hạn, vàng có thể gặp áp lực trở lại do Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất hơn nữa cho đến cuối năm, nhưng một khi chu kỳ tăng lãi suất kết thúc, vàng sẽ bắt đầu tăng giá.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Theo Nhịp sống kinh tế