MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD và chứng khoán đột ngột đảo chiều tăng, Bitcoin vượt 40.000 USD

05-02-2022 - 09:59 AM | Tài chính - ngân hàng

USD và chứng khoán đột ngột đảo chiều tăng, Bitcoin vượt 40.000 USD

Thị trường tiền tệ thế giới vừa trải qua một tuần biến động mạnh. USD giảm gần suốt tuần nhưng đột ngột đảo chiều đi lên vào phiên cuối tuần. Bất ngờ lớn nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu quay ngoắt quan điểm để thừa nhận có sự thay đổi lớn trong bức tranh lạm phát. Các tài sản rủi ro cao như chứng khoán và Bitcoin hồi phục mạnh.

USD hồi phục khỏi mức thấp nhất 2 tuần sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 3.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt, kết thúc phiên cuối tuần tăng 0,1% lên 95,446; trước đó, trong cùng phiên, có lúc DXY chạm mức thấp nhất 2 tuần, là 95,136, do USD hồi phục mạnh.

Mặc dù tăng trong phiên này song tính chung cả tuần DXY vẫn giảm 1,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.

Dữ liệu cho thấy số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tháng 1/2022 đã tăng 467.000 việc, dữ liệu việc làm tăng trong tháng 12/2021 được điều chỉnh mạnh lên 510.000, thay vì 199.000 báo cáo ban đầu.

Như vậy, dữ liệu việc làm trong tháng 1 vượt xa các dự đoán. Theo đó, kết quả thăm dò của Reuters cho thấy dự đoán trung bình là tăng 150.000, các ước tính dao động từ giảm 400.000 đến tăng 385.000 việc.

Thu nhập trung bình hàng giờ, thước đo lạm phát tiền lương – thông tin được theo dõi chặt chẽ, cũng tăng 0,7% trong tháng 1/2022 so với tháng liền trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Daragh Maher, người đứng đầu mảng chiến lược tiền tệ của HSBC, cho biết: "Mức tăng tiền lương 0,7% là yếu tố đáng chú ý nhất", bởi "Điều này giúp chống lại mối lo ngại về thu nhập thực tế giảm sau khi loại bỏ yếu tố USD trượt giá và lạm phát đình trệ, có khả năng sẽ tiếp thêm động lực cho những người ủng hộ FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang)".

Đồng đô la cũng bám sát sự gia tăng của lợi tức trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Theo đó, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 5 năm của Mỹ - cả 2 đều phản ánh dự báo về lãi suất – đã tăng lên 1,2970% đối với kỳ hạn 2 năm, cao nhất kể từ cuối tháng 2 năm 2020, và 1,79% đối với kỳ hạn 5 năm, cao nhất kể từ tháng 7 năm 2019.

Đồng euro phiên cuối tuần vẫn tăng, dù DXY tăng. Theo đó, euro phiên này tăng 0,1% lên 1,1455 EUR; tính chung cả tuần euro tăng 1,7%, là tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 3 năm 2020, hưởng lợi từ việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong cuộc họp vào thứ Năm (3/2) đã thay đổi thái độ về chính sách tiền tệ theo hướng ‘diều hâu’ hơn.

Ông Maher của ngân hàng HSBC cho biết cặp đồng euro/đô la có khả năng sẽ tiếp tục đà tăng do thị trường dường như đang chú ý nhiều hơn vào thái độ ‘diều hâu’ của ECB, bởi điều này đã khiến những người tham gia thị trường ngạc nhiên hơn là Fed – vốn đã có thái độ ‘diều hâu’ từ vài tháng nay.

ECB từng được coi là một trong những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới có thái độ ôn hòa nhất. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB lần này đã không lặp lại quan điểm rằng việc tăng lãi suất vào năm 2022 là "rất khó xảy ra", mà thay vào đó thừa nhận rằng đã có một sự thay đổi lớn trong bức tranh lạm phát ở Eurozone.

"Chủ tịch ECB, bà Lagarde đã mở ra cánh cửa cho ECB bắt đầu một chu kỳ thắt chặt mới trong năm nay", Rodrigo Catrill, chiến lược gia ngoại hối cấp cao thuộc ngân hàng National Bank of Australia cho biết.

Tuy nhiên, đà tăng của đồng euro bị cản trở bởi ngưỡng kháng cự 1,1480 do đồng USD tăng giá sau báo cáo việc làm của Mỹ.

Bảng Anh cũng là một trong những động lực của thị trường tiền tệ tuần này, sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất lên 0,5% vào thứ Năm (3/2) - đánh dấu kỳ 2 lần tăng liên tiếp đầu tiên của ngân hàng trung ương kể từ năm 2004.

Phiên cuối tuần, bảng Anh giảm 0,5% xuống 1,3536 USD, sông tính chung cả tuần vẫn tăng 1%, sau 4 phiên tăng và chỉ có 1 phiên giảm.

BoE đã tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm trong một quyết định không bất ngờ, cảnh báo lạm phát có thể lên tới 7%. Bốn trong số chín thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE thậm chí muốn nâng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm.

USD và chứng khoán đột ngột đảo chiều tăng, Bitcoin vượt 40.000 USD - Ảnh 1.

Bảng Anh xuống thấp nhất 6 tuần so với euro.

Tuy nhiên, nhà kinh tế cấp cao Colin Asher của Mizuho cho biết: "BoE đã làm đúng những gì thị trường dự đoán", khác với "ECB đã gây ra bất ngờ lớn hơn". Ông lưu ý rằng các thị trường dự đoán lãi suất của Anh sẽ chạm mức 1,5%, nhưng không nên quá tin vào điều đó, bởi không nên cho rằng BoE đang bắt đầu một loạt các đợt tăng lãi suất kéo dài.

"Có rất nhiều sự không chắc chắn về các dự báo lạm phát dài hạn nhưng bạn có một đợt lạm phát tăng cao và BoE hơi lo lắng về mức dự đoán của họ về lạm phát, đó là lý do tại sao họ muốn tăng lãi suất", ông Asher nói thêm.

Các nhà phân tích của HSBC cũng lưu ý rằng BoE sẽ giảm dự báo lạm phát xuống 1,6% vào cuối năm nay, và giả định lãi suất ở mức 1,5% vào giữa năm 2023.

Đồng đô la Canada giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần so với đồng đô la Mỹ trong phiên cuối tuần sau dữ liệu cho thấy nền kinh tế giảm nhiều việc làm hơn dự kiến ​​trong tháng 1/2022, bù lại tác động tích cực từ giá dầu cao nhất hơn 7 năm.

Nền kinh tế Canada đã mất 200.100 việc làm trong tháng Giêng, so với dự báo giảm 117.500, do nhiều khu vực thực hiện các hạn chế để chống lại để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Đồng đô la Canada phiên cuối tuần giảm 0,6% xuống 1,2750 CAD/USD, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ thứ Sáu tuần trước là 1,2787. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, CAD vẫn tăng 0,1%.

Trên thị trường Châu Á, baht Thái nằm trong số số những đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong phiên 4/2, trong khi peso Philippines giảm bởi lạm phát tại nước này dịu lại. Giao dịch tiền tệ ở Châu Á thưa thớt vì nhiều thị trường vẫn trong kỳ nghỉ Tết.

Theo đó, baht tăng mạnh 0,4% so với USD, trong khi peso giảm 0,1%. Won Hàn Quốc tăng 0,6% sau khi lạm phát tại nước này cao nhất 1 thập kỷ, thúc đẩy khả năng tăng lãi suất nhiều hơn trong năm nay. Chứng khoán hàn Quốc tăng 0,8% trong phiên cuối tuần, và tính chung cả tuần tăng mạnh nhất năm nay. Các tiền tệ khác trong khu vực như đô la Singapore và rinngit Malaysia tăng khoảng 0,1%.

USD và chứng khoán đột ngột đảo chiều tăng, Bitcoin vượt 40.000 USD - Ảnh 2.

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.

Thị tường chứng khoán thế giới tiếp tục chao đảo khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh và dữ liệu việc làm cũng như thu nhập của Mỹ khả quan hơn dự kiến.

Tâm lý thị trường đã bị chi phối bởi suy đoán về quỹ đạo tăng lãi suất từ ​​các ngân hàng trung ương lớn trong năm nay, khi áp lực gia tăng đối với các động thái chính sách nhằm chống lạm phát. Việc tăng lãi suất thường ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro như cổ phiếu.

Dữ liệu mạnh mẽ về lạm phát - đạt mức cao nhất hàng năm trong gần 4 thập kỷ vào tháng 12 –củng cố khả năng Fed sẽ quyết liệt hơn và kéo dài hơn đà tăng lãi suất, làm lu mờ sức hấp dẫn của một thị trường chứng khoán đang chật vật để phục hồi sau đợt sụt giảm của tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng 0,5% so với tháng liền trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982, theo kết quả một cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, đã tăng khoảng 40 điểm cơ bản trong năm 2022, tiếp tục tăng lên 1,9%, mức cao nhất trong vòng 2 năm, khi các nhà đầu tư cho rằng ít nhất 5 lần Fed tăng lãi suất trong năm nay.

Những thông tin đó đã ảnh hưởng đến cổ phiếu nói chung trong khi góp phần làm giảm mạnh cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ, vốn được định giá dựa trên lợi nhuận tương lai – giá trị giảm mạnh khi lợi suất trái phiếu tăng.

Tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ giao dịch trái chiều trong gần suốt phiên cuối tuần, kết thúc ở mức tăng, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4%, S&P 500 tăng 1,14%, trong khi Nasdaq Composite tăng 2,25%. Tuy nhiên, S&P 500 hiện thấp hơn khoảng 5,6% so với đầu năm, trong khi Nasdaq – chủ yếu của các công ty công nghệ - giảm gần 10%.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 1,38% trong phiên này, trong khi chứng khoán châu Á vững sau kết quả cho thấy doanh thu của Amazon tốt hơn mong đợi.

USD và chứng khoán đột ngột đảo chiều tăng, Bitcoin vượt 40.000 USD - Ảnh 3.

Lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu

Bitcoin hồi phục về mức 40.000 USD lần đầu tiên trong vòng 2 tuần khi các nhà giao dịch tiền điện tử ngày càng tin tưởng rằng thị trường đã ổn định sau đợt sụt giảm gần đây.

Trong ngày cuối tuần, Bitcoin tăng 8,9%, lên khoảng 40.219 USD, lần đầu tiên kể từ 22/1 vượt ngưỡng tâm lý quan trọng – 40.000 USD, mặc dù vẫn còn thấp xa so với mức cao nhất mọi thời đại, khoảng 69.000 USD đạt được vào tháng 12.

Daniel Kukan, nhà giao dịch cấp cao thuộc Crypto Finance AG cho biết: "Một số ‘cuộc tấn công’ vào ‘nhược điểm’ của BTC đã không thành công nữa vì rủi ro đã được loại bỏ". Theo ông, đích tiếp theo của BTC sẽ là khoảng 42.000 đến 43.000 USD, còn ngưỡng hỗ trợ là 33.000 USD, hoặc tệ nhất là 28.000 USD", "ngưỡng mà chúng ta chưa phải chạm tới."

Marathon Digital Holdings, một công ty khai thác bitcoin ở Bắc Mỹ, vừa cho biết rằng họ đã tăng lượng nắm giữ tiền điện tử này lên khoảng 8.595 BTC (338 triệu USD).

USD và chứng khoán đột ngột đảo chiều tăng, Bitcoin vượt 40.000 USD - Ảnh 4.

Diễn biến giá bitcoin trong 24 giờ qua.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

https://cafef.vn/usd-thoat-day-2-tuan-chung-khoan-dao-chieu-tang-bitcoin-vuot-40000-usd-20220205083334567.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên