MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD và Bitcoin giảm, vàng tăng do triển vọng lãi suất "nguội dần" và kinh tế chậm lại

28-06-2022 - 07:57 AM | Tài chính - ngân hàng

USD và Bitcoin giảm, vàng tăng do triển vọng lãi suất "nguội dần" và kinh tế chậm lại

Đồng USD bước vào một giai đoạn mới, gặp khó khăn so với các đối thủ lớn khi thị trường kỳ vọng lạm phát bắt đầu hạ nhiệt – điều có thể khiến các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất.

Việc các nhà phân tích và nhà đầu tư đặt cược vào việc lãi suất sẽ tăng mạnh đã đẩy chỉ số Dollar index (DXY) tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 2 thập kỷ vào đầu tháng này, là 105,79. Tuy nhiên, với một số chỉ báo cho thấy các động lực kinh tế bắt đầu "nguội" dần và giá hàng hóa giảm trên diện rộng, các nhà đầu tư bắt đầu trở nên thận trọng.

Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng của Bannockburn Global Forex LLC cho biết: "Thị trường trở nên trầm lắng. Tôi nghĩ rằng mọi người chỉ đang chờ thêm dữ liệu và những dữ liệu đó sẽ được công bố vào cuối tuần này", ý nói đến những dữ liệu chi tiết về giá tiêu dùng ở khu vực đồng euro.

DXY – so sánh USD với các đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 27/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,12% xuống 103,89. Đầu tháng này, DXY đã đạt 105,79, cao nhất kể từ cuối năm 2002.

Shaun Osborne, một nhà phân tích của Scotiabank, cho biết: "Chỉ số DXY đang ở về phía cuối của phạm vi giao dịch gần đây, cho thấy có khả năng sẽ suy yếu hơn nữa".

"Chúng tôi cảm thấy xu hướng tăng giá trên diện rộng của đồng USD sẽ chật vật để kéo dài, song cũng ít có khả năng giảm mạnh, trừ khi có một ‘chất xúc tác giảm giá’ đáng kể hơn nữa xuất hiện".

Trong khi lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm lại đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, kỳ vọng lạm phát chậm lại, chủ yếu do giá hàng hóa giảm, cũng làm giảm bớt áp lực tăng giá của DXY. Chẳng hạn như giá đồng sắp kết thúc tháng giảm giá mạnh nhất kể từ đợt bán tháo do đại dịch Covid-19 – tháng 3/2020, trong khi giá dầu tháng 6 dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên trong năm nay.

Giá hàng hóa giảm đã đè nặng lên kỳ vọng về việc lãi suất của Mỹ sẽ đạt đỉnh vào năm tới. Động lực tăng giá chính của DXY trong thời gian qua là kỳ vọng lãi suất sẽ tăng mạnh, nhưng động lực này đã mất dần trong những ngày gần đây.

Hiện các nhà giao dịch đang dự đoán tỷ lệ lãi suất tham chiếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ổn định ở mức khoảng 3,5% vào tháng 3/2023, thấp hơn dự đoán trước đây là sẽ đạt khoảng 4% trong năm 2023.

Simon Harvey, người phụ trách bộ phận phân tích tiền tệ của Monex Europe, cho biết: "Nói rộng ra, các thị trường hiện đang hạ mức dự đoán về lãi suất của Fed, với mức ‘đỉnh’ sẽ đến sớm hơn và ở mức thấp hơn so với dự đoán trước đây. Điều đó đang làm mất đi một phần sức hấp dẫn của đồng USD liên quan đến sự chênh lệch lãi suất".

Đồng euro dẫn đầu các mã tăng giá so với đồng USD trong phiên vừa qua, khi diễn đàn thường niên của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) diễn ra tại Sintra, Bồ Đào Nha, với sự tham dự của cả Chủ tịch ECB Christine Lagarde và Chủ tịch Cục Fed Jerome Powell. Thị trường sẽ theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào về các động thái chính sách trong tương lai.

Đồng euro lúc kết thúc ngày 27/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,27% lên 1,0585 USD.

Các tiền tệ hàng hóa chịu áp lực giảm trong phiên vừa qua, khi dữ liệu cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc trong tháng 5 tiếp tục giảm, sau khi giảm mạnh vào tháng 4, mặc dù tốc độ giảm của tháng 5 chậm hơn so với tháng 4.

USD và Bitcoin giảm, vàng tăng do triển vọng lãi suất nguội dần và kinh tế chậm lại - Ảnh 1.

Tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Đồng rúp Nga trên thị trường liên ngân hàng giảm giá do Nga đang tiến sát tới vụ vỡ nợ chính phủ đầu tiên kể từ cuộc cách mạng Bolshevik, cách đây một thế kỷ.

Trái lại, hầu hết các loại tiền tệ và thị trường chứng khoán châu Á đều tăng trong phiên vừa qua do kỳ vọng Fed sẽ bớt "diều hâu" hơn thời gian qua, giúp giảm lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đồng won của Hàn Quốc tăng vượt trội so với các đồng tiền trong khu vực, với mức tăng 1,2% trong phiên 27/6, trong khi chỉ số chứng khoán chính của nước này tăng 1,8%.

Đồng Rupee Ấn Độ Rupiah Indonesia lần lượt tăng 0,1% và 0,3%. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo mức tăng như vậy khó có thể kéo dài, do nỗi lo sợ về sự suy thoái kinh tế trên toàn cầu vẫn còn đó.

Đồng baht Thái tăng 0,1% trong phiên này, được hỗ trợ bởi ngân hàng trung ương nước này cho biết lạm phát có thể cao hơn dự kiến ​​và nền kinh tế có thể hoạt động tốt hơn dự kiến, cho thấy chính sách thắt chặt hơn nữa.

Tại Trung Quốc, dữ liệu cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp đã giảm với tốc độ chậm trong tháng 5 do hoạt động của nhà máy trở lại sau khi quy định chống Covid-19 được nới lỏng, nhưng lợi nhuận vẫn thấp do vẫn còn đó những biện pháp hạn chế chống Covid-19. Nhân dân tệ phiên 27/6 dao động, nhưng kết thúc phiên vẫn tăng 0,1% so với phiên liền trước.

Riêng peso Philippines tiếp tục giảm 0,4% giá trị trong phiên vừa qua, kéo dài chuỗi giảm giá 9 phiên liên tiếp. Đồng tiền này đã mất 2,1% trong tuần trước, là tuần giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2013.

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước ngày 27/6 công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.102 VND/USD (giảm 3 đồng so với cuối tuần trước). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán). Giá USD tự do ở mức mua vào 23.940 đồng/USD và bán ra 23.970 đồng/USD, giá mua và giá bán cùng giữ nguyên so với cuối tuần trước.

Tiền điện tử cũng giảm giá trong phiên vừa qua, với Bitcoin mất 1,67% giá trị, xuống 20.818,54 USD lúc kết thúc ngày 27/6 theo giờ Việt Nam.

USD và Bitcoin giảm, vàng tăng do triển vọng lãi suất nguội dần và kinh tế chậm lại - Ảnh 2.

Giá Bitcoin trong 24 giờ qua.

Giá vàng thế giới phiên này vững do USD yếu đi. Theo đó, giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.826,00 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8 cũng vững ở mức 1.830,10 USD.

Trong nước, giá vàng tăng nhẹ. Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào 67,85 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,6 triệu đồng/lượng, so với mở cửa phiên giao dịch liền trước, giá tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 67,95 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,65 triệu đồng/lượng, so với phiên liền trước, giá mua vào tăng 100.000 đồng, trong khi giá bán ra được giữ nguyên.

Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết trong ngắn hạn, các dự đoán về triển vọng giá vàng vẫn trái chiều vì "có rất nhiều thứ không chắc chắn trong mùa hè này", với khả năng một bên là Cục Dự trữ Liên bang mạnh tay thắt chặt lãi suất, còn bên kia là rủi ro suy thoái kinh tế. "Tuy nhiên, vàng vẫn có vẻ hấp dẫn trong dài hạn do rủi ro suy thoái vào cuối năm tới", ông Moya nói thêm.

Về thông tin liên quan, 4 quốc gia thành viên của nhóm G7 đã quyết định sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga nhằm ngăn chặn các nhà tài phiệt Nga mua kim loại quý này để tránh lệnh trừng phạt. Theo đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ cùng Mỹ, Nhật Bản và Canada phối hợp cho lệnh cấm nêu trên. Trong năm 2021, xuất khẩu vàng, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, đạt 15,5 tỷ USD.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

https://cafef.vn/usd-va-bitcoin-giam-vang-tang-do-trien-vong-lai-suat-nguoi-dan-va-kinh-te-cham-lai-20220628002503803.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên