USD và vàng tăng mạnh khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái
Đồng USD tăng mạnh sau khi dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ quý II sụt giảm đáng kể, làm dấy lên suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không tăng lãi suất cao như dự kiến trước đó.
- 28-07-2022Ứng phó với giá USD, euro biến động mạnh
- 28-07-2022Bất ngờ USD lao dốc trong khi vàng, chứng khoán và cả tài sản rủi ro đồng loạt tăng vọt sau khi Fed nâng lãi suất
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ hôm 28/7 cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ giảm này cao hơn so với kết quả thăm dò của Reuters (theo đó, các nhà phân tích dự báo là GDP Mỹ quý II tăng trở lại với tốc độ 0,5%.
Theo định nghĩ về suy thoái thì GDP của một quốc gia giảm 2 quý liên tiếp tức là nền kinh tế đó đã rơi vào suy thoái, và điều này đã xảy ra với Mỹ khi Fed tích cực tăng lãi suất trong một nỗ lực để ngăn chặn lạm phát tăng cao.
Mazen Issa, chiến lược gia cấp cao về tiền tệ của TD Securities ở New York cho biết: "Hiện tại thị trường đang đồng loạt nhận định rằng tăng trưởng chậm lại sẽ khiến Fed phải suy nghĩ lại kế hoạch tăng lãi suất, vì nền kinh tế Mỹ bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái.
Tuy nhiên, "thách thức ở đây là để đồng USD yếu đi, bạn cần một đồng euro mạnh lên, và điều đó sẽ không xảy ra trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với vô vàn những khó khăn".
Đồng bạc xanh đã giảm vào thứ Tư (27/7) sau khi ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản, như đã được dự đoán rộng rãi, trong khi bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell đã làm dấy lên đồn đoán về việc tăng trưởng sẽ giảm tốc.
Tuy nhiên, không lâu sau khi giảm, đồng USD đã nhanh chóng hồi phục ngay vào đầu phiên thứ Năm (28/7), khi các nhà đầu tư tiếp tục xem xét các bình luận của Powell.
"Việc Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ kéo dài ngày hôm qua là không phải là dấu hiệu của một thời kỳ USD giảm giá kéo dài, theo quan điểm của chúng tôi. Rủi ro tăng đối với đồng bạc xanh vẫn là yếu tố quan trọng do môi trường các tài sản rủi ro trên toàn cầu không ổn định và quan điểm của Fed vẫn ủng hộ rộng rãi (việc tăng lãi suất)", các chiến lược gia Francesco Pesole và Frantisek Taborsky của ING FX cho biết.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền tệ chủ chốt – kết thúc ngày 28/7 theo giờ Việt Nam ở mức 106,45, tăng 0,09% trong ngày, sau khi có lúc trước đó đạt 106,98. Chỉ số này đã giảm từ mức 109,29 đạt được vào ngày 14 tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2002.
Đồng đô la giảm mạnh so với đồng nội tệ Nhật Bản xuống 134,57 JPY, giảm 1,51% trong ngày, khi các nhà giao dịch lo ngại về việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến mức độ nào.
"Về cơ bản, tỷ giá đồng đô la/yên là sự phản ánh của lãi suất cuối kỳ của Fed và điều đó đang được các thị trường điều chỉnh giảm xuống," chuyên gia Issa của TD cho biết.
Các nhà giao dịch Fed Funds Futures hiện đang định giá lãi suất tham chiếu của Fed sẽ đạt mức "đỉnh" 3,24% vào tháng 12/2022, so với kỳ vọng trước đó là sẽ đạt mức cao nhất 3,39% vào tháng 2/2023.
Đồng euro giảm 0,37% xuống 1,0161 USD. Đồng tiền này đã giao dịch ở mức thấp là 0,9952 USD vào ngày 14 tháng 7 - thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2002.
Đơn vị tiền tệ này đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực.
"Các vấn đề đối với các loại tiền tệ khác tiếp tục gia tăng, đáng chú ý nhất là ở châu Âu, nơi nỗi lo ngày càng lớn về tình trạng thiếu khí đốt và năng lượng đang tiếp tục đè nặng lên đồng euro và đe dọa khả năng thắt chặt chính sách của (Ngân hàng Trung ương châu Âu)", Stuart Cole, giám đốc chiến lược vĩ mô của Equiti Capital ở London, cho biết.
Tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Nhóm tiền tệ và chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi bật tăng trong ngày 28/7 do Fed có giọng điệu ít "diều hâu" hơn dự kiến. Theo đó, chứng khoán của nhóm các quốc gia này tăng 0,6% trong bối cảnh nhà đầu tư trên khắp các thị trường lại muốn mua tài sản rủi ro, trong khi tiền tệ của nhóm này tăng 0,2%.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chạm mức cao nhất trong hai tuần vào thứ Năm (28/7). Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sáng sớm ngày 28/7 đã ấn định tỷ giá tham chiếu cho CNY ở mức 6,7411 CNY/USD, tăng 320 pips, tương đương 0,47%, so với mức 6,7731 của ngày hôm trước, là mức cao nhất trong 2 tuần, và cũng tăng mạnh nhất kể từ 16/6. Trên thị trường trong nước, CNY kết thúc ngày 28/7 ở mức 6.7473, tăng hơn 127 pips so với mức đóng cửa cuối phiên trước đó.
Trung Quốc, cùng với Nhật Bản, là những nước đứng ngoài làn sóng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Mary Xia, chiến lược gia của UBS cho biết lập trường chính sách tiền tệ của Bắc Kinh sẽ chủ yếu tập trung vào tình hình vĩ mô trong nước.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng mạnh lên 24.067 USD vào lúc kết thúc ngày 28/7 theo giờ Việt Nam, đưa mức tăng từ khi chạm mức thấp nhất của năm (17.592,78 USD vào ngày 18 tháng 6) đếm nay tăng 30%.
Giá Bitcoin ngày 28/7
Giá vàng tăng mạnh hơn 1% sau khi kinh tế Mỹ giảm trong quý II khiến sức hấp dẫn của vàng tăng lên như một nơi trú ẩn an toàn.
Nền kinh tế Mỹ bất ngờ suy thoái trong quý hai, với chi tiêu tiêu dùng tăng chậm nhất trong hai năm và chi tiêu kinh doanh giảm, điều này có thể khiến thị trường lo ngại rằng nền kinh tế đã suy thoái.
Kết thúc ngày 28/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 1.752,94 USD/ounce cùng với sự sụt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 còn tăng mạnh hơn, thêm 1,8% lên 1.749,10 USD.
Sau khi dữ liệu GDP xác nhận lo ngại suy thoái, các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, thúc đẩy sự "thèm muốn" đối với vàng, Phillip Streible, chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, cho biết.
Lãi suất cao hơn thường làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì chúng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không có lãi.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk