USD vẫn cao nhất gần 2 năm, vàng tăng trở lại, Bitcoin mất mốc 45.000 USD
USD giảm nhẹ nhưng vẫn ở sát mức cao nhất trong vòng gần 2 năm khi các nhà đầu tư nhận ra rằng những tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách ‘diều hâu’ đều đã được thị trường xác định từ trước.
- 07-04-2022Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất
- 07-04-2022Tỷ giá tăng vọt trên liên ngân hàng
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt lúc kết thúc ngày 7/4 theo giờ Việt Nam ở mức 99,639, trước đó có lúc đạt 99,823, cao nhất kể từ cuối tháng 5 năm 2020.
Chủ tịch Fed St. Louis, James Bullard, người có chân trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang và là một người nổi tiếng là ‘diều hâu’, hôm thứ Năm (7/4) tiếp tục báo động về vấn đề lạm phát. Ông cho biết Fed vẫn chậm chân hơn trong cuộc chiến chống lạm phát bất chấp việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, những bình luận đó của Bullard đã có rất ít tác động đến đồng USD.
Juan Perez, giám đốc giao dịch của Monex USA, trụ sở ở Washington, cho biết: "Fed đã vạch ra các kế hoạch của mình khá rõ ràng để các thị trường có thể lên kế hoạch khi biết những gì sắp xảy ra".
Ông lưu ý rằng, trong 4 chu kỳ thắt chặt chính sách trước đây của Fed, đồng USD đã mất giá trung bình 4,0%. Đồng USD hiện vẫn đang trong xu hướng đi lên, với mức tăng trong vòng 9 tháng qua là 7%.
"Có lẽ lịch sử đã sẵn sàng để lặp lại. Với việc lạm phát toàn cầu cũng tăng lên, các ngân hàng trung ương khác được dự đoán là cũng sẽ thắt lưng buộc bụng, và do đó giá trị của những đồng tiền của các nước đó cũng sẽ được cải thiện so với USD", ông Perez nói.
USD đang ở mức cao nhất gần 2 năm.
Đồng đô la tăng lên mức cao nhất trong gần hai năm vào thứ Tư (6/4) sau khi biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed được công bố, qua đó cho thấy "nhiều người ủng hộ" việc Fed chuẩn bị tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong một số kỳ họp sắp tới.
Fed cũng chuẩn bị giảm bảng cân đối tài sản sau cuộc họp vào tháng 5, với mức giảm 95 tỷ USD mỗi tháng, khởi đầu cho chu kỳ đảo ngược chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ - đã áp dụng kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Các nhà phân tích của ING cho biết: "Tốc độ giảm đó nhanh hơn gần gấp đôi so với thời điểm gần đây nhất mà Fed giảm bảng cân đối kế toán - chu kỳ 2017-19". "Tất cả những điều trên cho thấy Fed đang dồn toanfa lực vào hệ thống "phanh" của mình, điều đó sẽ có tác động tích cực cho đồng USD".
Đồng euro phiên vừa qua có lúc chạm ‘đáy’ một tháng so với đồng USD, là 1,0865 USD, trước khi hồi phục chút ít vào cuối phiên, lên 1,09 USD.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng vừa công bố biên bản cuộc họp vào ngày 7/3, trong đó cho thấy các nhà hoạch định chính sách cũng muốn giảm bớt quy mô kích thích kinh tế tại cuộc họp ngày 10 tháng 3 vừa qua, khi một số thành viên ủng hộ việc cần phải hành động nhiều hơn nữa vì các điều kiện tăng lãi suất đã được đáp ứng hoặc sắp được đáp ứng.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang là yếu tố tác động khó lường lên đồng euro, khi viễn cảnh ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen có thể đánh bại đương kim Tổng thống Emmanuel Macron. Điều đó cũng góp phần đẩy đồng euro đi xuống. Pháp sẽ bầu cử Tổng thống vào Chủ nhật (10/4).
Đồng đô la Australia (AUD) và đô la New Zealand (NZD) phiên vừa qua giảm lần lượt 0,4% và 0,5% so với đồng bạc xanh, chủ yếu do USD mạnh lên sau khi Fed công bố biên bản họp. Giá hàng hóa đảo chiều đi xuống cũng tác động tiêu cực lên các đồng tiền này.
So với đồng yên (JPY), USD tăng 0,2% lên 123,965 trong ngày 7/4.
Nhân dân tệ Trung Quốc giảm cũng do biên bản cuộc họp của Fed đẩy USD mạnh lên. Theo đó, nhân dân tệ trên thị trường trong nước kết thúc phiên giảm 33 pip xuống 6,3621 CNY. Ở nước ngoài, nhân dân tệ cũng giảm xuống 6,3675 CNH/USD.
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy thị trường đang đặt cược rằng hầu hết tiền tệ châu Á sẽ giảm giá khi các ngân hàng trung ương tìm cách bình thường hóa chính sách tiền tệ do lạm phát gia tăng.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin rơi khỏi ngưỡng quan trọng 45.000 USD, lình xình quanh mức 43.000 – 44.000 USD trong phiên vừa qua, lúc kết thúc ngày 7/4 theo giờ Việt Nam giá 43.500 USD.
Bitcoin và những loại tài sản rủi ro khác sẽ chịu sức ép trong ngắn hạn. Nguyên nhân là các hành động mạnh tay của FED nhằm đối phó với lạm phát.
Như vậy, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã rơi khỏi ngưỡng quan trọng 45.000 USD/đồng. So với đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập cách đây 5 tháng, Bitcoin đã sụt giá 36,71%.
Chuyên gia tài chính Craig Erlam chuyên gia tài chính Craig Erlam của OANDA – trụ sở ở London cho rằng: "Giá Bitcoin quay đầu lao dốc sau khi nhà đầu tư giảm nhu cầu đối với tài sản rủi ro, bởi bị ảnh hưởng bởi biên bản cuộc họp của Fed.
Tuy nhiên, theo ông Erlam, trong dài hạn, loại tiền mã hóa này vẫn có thể nhận được khá nhiều hỗ trợ và trở lại đà tăng giá.
Mới đây, Chính phủ Anh cho biết đã lên kế hoạch để trở thành một "trung tâm toàn cầu" của ngành công nghiệp tiền ảo, trong đó đề xuất các quy định cho stablecoin, NFT cùng một loạt biện pháp khác để thu hút các công ty tiền ảo.
Trong một bài phát biểu ngày 4/4, ông John Glen, phụ trách vấn đề kinh tế của Bộ Tài chính Anh, cho biết Chính phủ quyết tâm cho thấy "Anh cởi mở với các doanh nghiệp tiền ảo".
Bài phát biểu của ông Glen đánh dấu thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Chính phủ Anh về việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiền điện tử, sau khi vấp phải chỉ trích rằng nước này có cách tiếp cận pháp lý cứng nhắc và sự thờ ơ của Chính phủ cản trở sự đổi mới.
"Chúng tôi thấy được tiềm năng to lớn trong lĩnh vực tiền điện tử. Chúng tôi sẽ không hạ các tiêu chuẩn của mình nhưng sẽ duy trì cách tiếp cận trung lập về công nghệ", ông Glen nhấn mạnh trong bài phát biểu.
Giá Bitcoin trong ngày 7/4.
Giá vàng tăng trở lại trong phiên vừa qua do thị trường lại tập trung vào vấn đề lạm phát và Ukraine, mặc dù vẫn chú ý tới lập trường chính sách tích cực của Fed.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 7/4 theo giờ Việt Nam tăng 0,6% lên 1.936,61 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 0,9% lên 1.939,90 USD.
Jim Wycoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: "Một khi lạm phát bắt đầu nóng trở lại thì điều đó sẽ có lợi cho vàng, ngay cả khi đối mặt với chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Fed".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk