MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15%-17% sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 6.500 tỉ đồng/năm nhưng là động thái cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa để lấy ý kiến các bên liên quan. Theo phương án của Bộ Tài chính, nhóm DN nhỏ và vừa được giảm thuế TNDN còn 15%-17%.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Việt Nam hiện có hơn 600.000 DN, trong đó khối kinh tế tư nhân có gần 500.000 DN. Trong số này, hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm.

Mức giảm thuế theo đề xuất sẽ tập trung ưu tiên một số đối tượng. Cụ thể: mức thuế suất 15% áp dụng với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người; thuế suất 17% áp dụng với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỉ đồng đến dưới 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người.

Đánh giá tác động khi giảm thuế TNDN, Bộ Tài chính cho biết sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 6.500 tỉ đồng/năm (áp dụng thuế suất 15% đối với DN siêu nhỏ sẽ làm giảm thu khoảng 4.500 tỉ đồng/năm; áp dụng thuế suất 17% sẽ tương ứng giảm thu khoảng 2.000 tỉ đồng/năm). Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng số giảm thu do hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư, đồng thời sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do DN có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh.

Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại một hội chợ ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh hoan nghênh chính sách mà Bộ Tài chính đang dự thảo. "Việc giảm thuế suất sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các DN nhỏ và vừa, đồng thời cũng sẽ tạo ra những nền tảng vững chắc cho cộng đồng DN nói chung" - ông Doanh nhấn mạnh.

Cũng theo TS Doanh, số thuế giảm thu sẽ không đáng kể trong khi nguồn lợi, vị thế của DN được nâng lên. Đó mới là giá trị bền vững cho nền kinh tế nói chung.

Lo doanh nghiệp "không chịu lớn" nhằm hưởng ưu đãi

Chuyên gia Lê Đăng Doanh dẫn chứng ở Indonesia, thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%. DN có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỉ rupiah được áp dụng mức thuế suất 1% tính trên doanh thu năm. DN có doanh thu từ 4,8-50 tỉ rupiah được áp dụng mức thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỉ rupiah (giảm 50% so với mức thuế suất phổ thông). Do đó, ông cho rằng Bộ Tài chính có thể nghiên cứu kéo giảm mức thuế này xuống thấp hơn nữa thay vì phương án 15%-17% như trên.

Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi đối với DN nhỏ và siêu nhỏ có thể sẽ gây ra tình trạng lợi dụng chính sách để tránh thuế bằng cách giữ các tiêu chí để được xác định là DN nhỏ, siêu nhỏ nhằm hưởng các chính sách ưu đãi về thuế.

Ông Lê Xuân Hiền - Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, thành viên tổ công tác thi hành Luật DN - cho rằng yếu tố quan trọng nhất là cơ quan thuế phải xác định đúng đối tượng để áp dụng chính sách ưu đãi về thuế bởi tình trạng DN "không chịu lớn" rất phổ biến. Ông Hiền lo ngại sẽ xảy ra tình trạng chia nhỏ DN để được hưởng ưu đãi. Do vậy, vai trò kiểm tra, giám sát, thẩm định đúng đối tượng của cơ quan thuế rất quan trọng để tránh tình trạng lợi dụng chính sách.

"Hiện nay có hộ gia đình có hơn 100 lao động nhưng không chịu "lớn" thành DN. Ở đây có những tồn tại về công tác quản lý nhưng để chính sách ưu đãi thuế đi vào thực thi, việc xác định đối tượng DN nhỏ và vừa cần phải công khai, bảo đảm sự công bằng. Việc xác định tổng doanh thu, hóa đơn chứng từ cần minh bạch, tránh tình trạng "chung chi" để né nghĩa vụ thuế" - ông Hiền nhấn mạnh.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên