MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ưu tiên kết nối kinh tế các nước sông Mekong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các nước Mekong cùng các đối tác trong và ngoài khu vực cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng.

Chiều nay Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về khu vực Mekong với chủ đề "Tăng cường hợp lực: Các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn về khu vực Mekong" đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự Diễn đàn có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cùng hơn 150 doanh nghiệp lớn là thành viên của WEF.

Điểm kết nối quan trọng

Theo sáng kiến của Việt Nam, đây là lần đầu tiên WEF tổ chức một hội nghị riêng về phát triển khu vực Mekong, một trung tâm phát triển năng động ở Châu Á với nhiều nền kinh tê tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khu vực Mekong là điểm kết nối quan trọng ở Châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người, quy mô GDP trên 660 tỉ USD.

Thông qua hội nghị WEF - Mekong lần này, Việt Nam mong muốn các nước, các doanh nghiệp Mekong đối thoại với các doanh nghiệp WEF về các ý tưởng, biện pháp tăng cường đối tác công - tư, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho các bên.

Các nhà lãnh đạo trong khu vực cũng như các quan chức cấp cao của WEF đều nhất trí về tiềm năng lớn của khu vực. Ông Justin Wood, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của WEF, cho rằng khu vực này có cả tiềm năng và cơ hội lớn, nhưng cũng có nhiều thách thức để hiện thực hóa các cơ hội đó, Vì vậy diễn đàn là cơ hội để xem xét các thách thức về xây dựng cơ sở hạ tầng, hội nhập khu vực, thúc đẩy thương mại, thúc đẩy khu vực công nghiệp trong khu vực.

Nhấn mạnh rằng các nước trong khu vực tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm và tốc độ này được dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai gần, ông Richard Saman, Thành viên Ban điều hành WEF, cho rằng các yếu tố như dân số trẻ, bối cảnh kinh tế đáng khuyến khích trong khu vực nhờ công nghiệp hóa và đô thị hóa, phát triển kinh tế sẽ giúp khu vực Mekong vượt qua những thách thức trước mắt. Ông lưu ý vẫn còn nhiều việc phải làm để cải cách, khi mà chỉ số cạnh tranh toàn cầu do WEF đưa ra cho thấy khoảng cách lớn giữa các nước: Thái Lan, nước có chỉ số tốt nhất, xếp thứ 34, trong khi Myanmar xếp thứ 130 trên thế giới. Ngoài ra, các nước Mekong đang thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn cầu nhưng chưa đạt được tiến bộ sâu sắc trong việc hội nhập với nhau, cụ thể là chưa buôn bán hoặc đầu tư nhiều với nhau, chẳng hạn chỉ 7% xuất khẩu của khu vực đi vào các nước Mekong khác, thấp hơn nhiều so với tiềm năng. "Nếu trở thành một thị trường hội nhập hơn, các nước Mekong có thể tạo ra những nền kinh tế quy mô lớn và sẽ thu hút đầu tư, tạo việc làm nhiều hơn" - ông nói.

Biến tiềm năng thành hiện thực

Để thúc đẩy mục tiêu chung về đưa các nước sông Mekong trở thành khu vực hòa bình, ổn định, kết nối kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo khu vực và WEF một số biện pháp thiết thực. Thủ tướng cho rằng kết nối kinh tế là một trọng tâm ưu tiên, trong đó các nước Mekong cùng các đối tác trong và ngoài khu vực cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc-Nam, Hành lang Kinh tế phía Nam… Thứ hai, hợp tác tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, đơn giản hóa và hài hòa quy trình, thủ tục trên các tuyến hành lang kinh tế. Thứ ba, nước Mê Công không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Thứ tư, phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu hàng đầu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu cùng với hoạt động khai thác thiếu bền vững nguồn nước sông Mekong đang đặt ra thách thức lớn đối với môi trường, an ninh lương thực và phát triển bền vững của khu vực Mekong, bao gồm cả Đồng bằng Sông Cửu Long - nơi đang xuất khẩu khoảng 7-8 triệu tấn gạo hàng năm.

Thủ tướng nhấn mạnh với các thành viên WEF, Việt Nam với thị trường trên 90 triệu dân, GDP bình quân 2016 - 2020 dự kiến là 6,5 - 6,7%/năm, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho 21.000 dự án FDI đang làm ăn tại Việt Nam, tham gia 14 hiệp định thương mại tự do... là cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khi đó, quan chức WEF Richard Saman cho rằng các nhà lãnh đạo Mekong cần lưu ý vấn đề "hợp lực" giữa các nước như chủ đề hội nghị nêu ra. Ông đề nghị các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn với doanh nghiệp xem hợp lực giữa các nước là gì, sự bổ sung cho nhau của các nước là gì, các nước tăng cường liên kết và hội nhập kinh tế thế nào.

Tổng thống Myanmar khẳng định, hợp tác và hội nhập khu vực đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xóa bất bình đẳng kinh tế, tăng năng xuất, việc làm, củng cố các thể chế khu vực. Ông cũng nhấn mạnh, hội nhập ASEAN đã thu hút sự chú ý của thế giới và ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực bền vững nhất trên thế giới. ÔNg cho rằng ý chí chính trị là động lực quan trọng cho hợp tác kinh tế và hội nhập khu vực. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thì khẳng định, Lào không có đường ra biển nhưng có thể biến sự đóng khung đó thành sự kết nối trên đất liền. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng, 5 nước khu vực trước hết cần tập trung vào duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, chung tay xử lý các rào cản với tính cạnh tranh của khu vực trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, kết nối số, tự do dịch chuyển của thương mại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực. Ông nói hu vực tư nhân đóng vai trò tích cực trong việc kết nối kinh tế khu vực, trong khi các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, AIIB, ADB có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông...

Theo V.N

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên