Ưu tiên nuôi gia súc ăn cỏ để gỡ khó cho ngành chăn nuôi
Để gỡ khó cho người chăn nuôi cần đẩy nhanh việc ưu tiên chuyển đổi đối tượng vật nuôi từ lợn, gia cầm sang nuôi các gia súc ăn cỏ như: bò, dê, thỏ, trâu, qua đó giảm áp lực về nguyên liệu ngũ cốc đầu vào là thức ăn và tận dụng lợi thế các phế phụ phẩm trong nông nghiệp.
Đáp ứng an ninh lương thực trong đó có nhu cầu thực phẩm và tốc độ tăng trưởng, 6 tháng qua, ngành chăn nuôi tập trung phát triển hướng an toàn sinh học, gia tăng đàn lợn, gia súc ăn cỏ, ổn định đàn gia cầm và đáp ứng nguồn cung con giống cho sản xuất bảo đảm cơ bản nhu cầu thực phẩm trong nước. Các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên vật nuôi được tích cực thực hiện. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển. Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 3,16 triệu tấn, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm ngoái…
Liên quan đến giá thức ăn tăng cao thời gian qua, các đại biểu cho rằng, đây là hệ lụy của việc phụ thuộc chủ yếu nguyên liệu nhập khẩu nên mỗi khi giá biến động sẽ kéo theo giá vật tư đầu vào là thức ăn chăn nuôi tăng đột biến.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, để gỡ khó cho người chăn nuôi cần đẩy nhanh việc ưu tiên chuyển đổi đối tượng vật nuôi từ lợn, gia cầm sang nuôi các gia súc ăn cỏ như: bò, dê, thỏ, trâu, qua đó giảm áp lực về nguyên liệu ngũ cốc đầu vào là thức ăn và tận dụng lợi thế các phế phụ phẩm trong nông nghiệp như: rơm, rạ, cỏ sẵn có.
Đồng tình với quan điểm này, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, đảm bảo nhu cầu thực phẩm và tốc độ tăng trưởng từ nay đến cuối năm cần quan tâm chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục khôi phục đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm. Đồng thời triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi; xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm.
“Do dịch Covid-19 nên đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến giá vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi ở một số nơi lại giảm. Tuy nhiên, nếu các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tốt thì chúng ta sẽ giảm chi phí về phòng, chống dịch bệnh, chi phí các khâu trung gian thì vẫn có lãi. Theo khảo sát trên thực tế, so với giá thành phẩm và giá bán vẫn có lãi nếu làm tốt chăn nuôi an toàn sinh học đặc biệt là quản lý an toàn dịch bệnh” - bà Hạ Thúy Hạnh nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, thủy sản và chăn nuôi là 2 ngành có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Những khó khăn mà ngành phải đối mặt cần đánh giá, phân tích rõ để đưa ra dự báo xu thế trên cơ sở bám sát Chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn 2045 đã được Chính phủ phê duyệt./.
VOV