MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ưu tiên phát triển vận tải công cộng, giảm xe cá nhân

12-05-2017 - 10:38 AM | Xã hội

Để giải quyết áp lực về hạ tầng đô thị, nhất là để kéo giảm kẹt xe, gần đây, TP HCM liên tiếp công bố dự kiến đầu tư hạ tầng giao thông với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Chỉ riêng 12 dự án được thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai, trong đó có 3 dự án cấp bách nhằm"giải cứu" ùn tắc cho khu vực Nam Sài Gòn, với tổng mức đầu tư trên 17.000 tỷ đồng.

Cụ thể, để mở tuyến đường nối từ quận 4 sang quận 7 và huyện Nhà Bè với tổng chiều dài 11,3km (mặt đường rộng 40 - 60m, quy mô 8 - 10 làn x), thành phố dự kiến bỏ ra số tiền hơn 9.400 tỷ đồng.

Ngoài lý do để hoàn thiện trục giao thông Bắc - Nam thành phố, thúc đẩy kinh tế - xã hội cho khu Nam và khu đô thị cảng Hiệp Phước, thì việc bỏ ra số tiền “khủng” như kể trên mở rộng tuyến này chính là để giảm ùn tắc bởi mật độ dân cư khu vực phía Nam thành phố đã tăng gấp hàng chục lần so với 10 năm trước.

Tại khu Nam, dự án cầu Thủ Thiêm 4 với mức vốn đầu tư dự kiến 5.200 tỷ đồng cũng được xếp vào diện cần đầu tư cấp bách khi ngoài mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống giao thông cho khu vực, giải tỏa áp lực giao thông từ quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua các quận 7 và 8 cùng các huyện Bình Chánh, Nhà Bè…

Hay như để giải quyết chuyện kẹt xe cho nút giao thông Trường Chinh với đường Âu Cơ và Tân Kỳ - Tân Quý, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết sẽ phải tốn hơn 2.600 tỷ đồng. Mức vốn đầu tư lớn như vậy là do tiền đền bù để mở rộng đường khá nặng, lên tới hơn 2.230 tỷ đồng, còn chi phí xây dựng chỉ vẻn vẹn 374 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội BĐS TP HCM, dân số thực của thành phố hiện đã ở mức gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư.

Trung bình mỗi năm, dân số tăng tương đương dân số một quận với tốc độ tăng dân số tự nhiên khoảng 1,07%/năm, tăng cơ học khoảng 2,5%/năm.

Trong khi đó, theo thống kê chính thức, dân số thành phố chỉ vào khoảng 8,3 triệu người. Chính điều này dẫn tới quy hoạch phát triển hạ tầng của thành phố và từng quận, huyện đều không phù hợp thực tế, càng dẫn tới áp lực quá tải.

Chẳng hạn, quận Bình Thạnh được xác định quy mô dân số đến năm 2020 mới đạt 560 ngàn dân, nhưng ngay từ năm 2014 đã đạt mức này. Chỉ riêng với việc phát triển khu đô thị Tân Cảng với hơn 10 ngàn hộ dân, quy mô dân số của Bình Thạnh đã tăng thêm từ 35 - 40 ngàn người.

Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, tính đến giữa tháng 4 vừa qua, thành phố đã có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 642 ngàn xe ôtô và hơn 7,3 triệu xe máy. Số lượng phương tiện này so với cùng thời điểm một năm trước, đã tiếp tục tăng hơn 5,8%.

Theo ông Cường, mỗi ngày thành phố có thêm gần 1.000 ôtô và xe máy đăng ký mới. “Phương tiện giao thông phát triển quá nóng trong khi hạ tầng giao thông chưa theo kịp càng gây áp lực kẹt xe. Ngay tại những cầu vượt vừa được đầu tư làm hàng trăm tỷ đồng để làm, nạn kẹt xe vẫn xảy ra thường xuyên. Người dân đi lại bằng xe máy, ô tô cá nhân cùng lúc với phát triển kinh tế đẩy toàn bộ hoạt động vận tải, lưu chuyển hàng hóa lên đường bộ, thì không đường sá, hạ tầng nào có thể gánh chịu và phát triển kịp”, ông Cường nói.

Nhưng có một điều nghịch lý tồn tại lâu nay là khi xem xét đầu tư mở rộng đường, làm thêm cầu, thành phố quyết rất nhanh, còn các giải pháp phát triển vận tải khách công cộng, giảm xe cá nhân, thì cả chục năm nay vẫn cứ loay hoay chưa tìm ra cách làm phù hợp.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, trước khi tính chuyện đầu tư những dự án khủng trên, TP HCM nên dồn tiền cho giải pháp giảm xe cá nhân, phát triển phương tiện vận tải công cộng.

Theo Đ.Thắng

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên