Ưu tiên Quảng Trị phát triển năng lượng tái tạo và du lịch
Trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2023, Quảng Trị được ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và du lịch.
- 16-12-2024Chính sách cho công chức, viên chức nghỉ việc do tinh giản biên chế
- 16-12-2024Quận ở Hà Nội thu ngân sách gần 22.000 tỷ đồng/năm sẽ trở thành trung tâm tài chính
- 16-12-2024Sẽ có cải cách về giá điện
Lựa chọn công nghiệp năng lượng xanh để phát triển kinh tế
Theo đó, Quảng Trị được quy hoạch thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung, là điểm đến du lịch đặc trưng riêng về lịch sử - văn hóa và có ít nhất 1 hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa thế giới.
Phạm vi lập quy hoạch gồm diện tích tự nhiên trên đất liền và đảo Cồn Cỏ là 4.701km2, gồm 10 huyện, thị xã, thành phố. Quy hoạch hướng đến khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Tuy nhiên, một số dự án năng lượng lớn dừng thực hiện, hoặc chậm triển khai khiến các kế hoạch mà tỉnh Quảng Trị đặt ra khó hoàn thành.
Số liệu mới nhất từ Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến đầu tháng 12/2024, tổng công suất phát điện thương mại của các dự án ở Quảng Trị mới đạt trên 1.100 MW, trong khi chỉ tiêu đến năm 2025 là 3.000 MW, đến năm 2030 đạt khoảng 9.000 - 10.000 MW. Lý do khiến mục tiêu mà Quảng Trị đặt ra khó thực hiện, vì một số dự án lớn đầu tư vào ngành điện chậm triển khai hoặc đã dừng.
Tại chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Quảng Trị vào giữa tháng 10/2024, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh Quảng Trị có rất nhiều tiềm năng, lợi thế lớn, đặc biệt là nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng xanh dồi dào và dư địa cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo còn nhiều. Vì vậy, trên tinh thần tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương nghiên cứu hỗ trợ tỉnh Quảng Trị tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn để tiếp tục phát triển. Trong đó, sẽ nghiên cứu bổ sung quy hoạch phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi và các dự án điện khí LNG và tiếp nhận nguồn năng lượng điện từ Lào.
Hướng đến tăng trưởng xanh
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp – dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực, quốc phòng an ninh được đảm bảo, Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, năm 2024 tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc đi tìm nguồn lực để thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng chuyển đổi. Trong đó, công nghiệp năng lượng xanh chính là lựa chọn đúng đắn nhất để phát triển kinh tế bền vững.
Cụ thể, tháng 7/2024 SK E&S, tỉnh Quảng Trị và T&T Group trao biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo đó, các bên sẽ cùng nhau hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi dự án nhiệt điện Quảng Trị từ sử dụng nhiên liệu than sang nhiên liệu LNG thân thiện hơn với môi trường, phát triển các dự án giảm phát thải carbon thấp, bao gồm dự án sản xuất hydrogen xanh. Trong nội dung ký kết, hai bên cũng hợp tác triển khai các dự án liên quan đến tín chỉ carbon, nghiên cứu thiết lập kho LNG trung tâm (LNG Hub) và xúc tiến nghiên cứu đầu tư, hỗ trợ tỉnh Quảng Trị kêu gọi đầu tư các lĩnh vực phát triển tiềm năng, bền vững khác.
Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Tập đoàn SK và UBND tỉnh Quảng Trị cũng trao biên bản ghi nhớ hợp tác về các gói giải pháp năng lượng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước cũng trao nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn Hàn Quốc trong các lĩnh vực: đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, xây dựng khu công nghiệp, công nghệ bán dẫn, y dược, hàng không, logistics, công nghệ thông tin, cơ khí...
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đều đặt vấn đề cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn vào những lĩnh vực trọng điểm; phối hợp chặt chẽ, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có, củng cố chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, Quảng Trị cần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung vào năm 2030, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn...
Báo Tiền Phong