MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban châu Âu chỉ rõ điều quyết định gỡ 'thẻ vàng' thuỷ sản Việt Nam

20-02-2023 - 21:15 PM | Thị trường

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, trong các cuộc làm việc với Việt Nam, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần nếu chúng ta không quản lý được đội tàu, chỉ cần còn 1 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ không thể gỡ được thẻ vàng.

Thông tin trên được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ tại Hội nghị Công bố “Kế hoạch hành động chống IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4” diễn ra chiều 20/2.

Theo ông Tiến, qua nhiều lần kiểm tra, EC đánh giá Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều nỗ lực tích cực trong việc gỡ thẻ vàng. C ơ quan này đưa ra 4 khuyến nghị với Việt Nam . Trong đó, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là quản lý và giám sát đội tàu.

Thứ trưởng Tiến cho hay, dù chúng ta đã lắp 95% thiết bị giám sát hành trình trên tổng số tàu cá, nhưng hiện số lượng còn lại đều là những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm. Từ đầu năm đến nay có 6 tàu cá vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Ủy ban châu Âu chỉ rõ điều quyết định gỡ thẻ vàng thuỷ sản Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, chỉ còn 1 tàu cá vi phạm trái phép ở vùng biển nước ngoài, Việt Nam sẽ không thể gỡ được thẻ vàng.

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, đến nay Việt Nam mới chỉ xác minh được một phần nhỏ nguồn gốc thủy sản; tình trạng tàu cá ghi chép lịch sử, cơ sở hạ tầng để truy xuất còn yếu kém, lạc hậu, chưa đáp ứng được các yêu cầu của EC. Đặc biệt, Nhật Bản bắt đầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản Việt Nam và Mỹ đã rục rịch quan tâm vấn đề này.

“Nếu thời gian tới, Việt Nam không gỡ được thẻ vàng, hệ lụy sẽ rất lớn, vừa thiệt hại cho ngành thủy sản, vừa ảnh hưởng sinh kế của ngư dân và ảnh hưởng đến thể diện của quốc gia”, ông Tiến nói.

Tại hội nghị, các địa phương nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển ở nước ngoài. Đặc biệt, hiện không thể tịch thu tài sản hay khởi tố vụ việc móc nối đưa tàu cá khai thác trái phép để răn đe người vi phạm.

Ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết, Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu cá lớn nhất cả nước với 9.800 tàu (chiếm 10% số tàu của cả nước), trong đó có 3.805 tàu trên 15 mét. Tuy nhiên, tỉnh cũng đứng đầu về vi phạm khai thác IUU khi năm 2022 xảy ra 11 vụ tàu cá vi phạm, với 17 tàu và 154 ngư dân bị bắt.

"Trong 51 tàu vi phạm, đến nay chỉ tịch thu được duy nhất 1 tàu", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay

Trao đổi với Tiền Phong , ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT - cho biết, trong tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức ngay đoàn kiểm tra trực tiếp đến 2 tỉnh còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên đề về bàn giải pháp chấm dứt tàu cá vùng biển nước ngoài; xử phạt hành chính hay truy xuất nguồn gốc... Đặc biệt, Bộ tổ chức đoàn công tác hướng dẫn địa phương chuẩn bị tiếp đoàn EC sang làm việc vào tháng 6/2023.

Theo ông Hùng, đến thời điểm này, thủy sản Việt Nam đã bị EC cảnh báo thẻ vàng 5 năm 4 tháng. Các địa phương, đơn vị cũng đã quá rõ các công việc, nhiệm vụ phải xử lý. Giờ đến lúc phải căng mình để gỡ bằng được cảnh báo , không để kéo dài thêm nữa.

Ủy ban châu Âu chỉ rõ điều quyết định gỡ thẻ vàng thuỷ sản Việt Nam - Ảnh 2.

“Sắp tới, các lực lượng chức năng như kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển, hải quân…sẽ đồng loạt mở đợt cao điểm để giám sát, xử lý các tàu cá vi phạm. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và chính quyền cơ sở phải vào cuộc đồng bộ tạo áp lực mạnh hơn xử lý những tồn tại EC đã nêu. Trường hợp đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn cao điểm tới, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng phê bình, xử lý trách nhiệm”, ông Hùng cho hay.

Gỡ bằng được thẻ vàng trong năm 2023

Theo Kế hoạch hành động Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký, từ nay đến tháng 5/2023, các bộ, ngành, địa phương và đơn vị phải thực hiện 6 nhiệm vụ chính về thông tin truyền thông; về khu pháp lý và cơ chế chính sách; về quản lý đội tàu; về chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác; về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm và hợp tác quốc tế.

Trong đó, các bộ, ngành và địa phương phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.

Các đơn vị kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá…Mục tiêu gỡ bằng được thẻ vàng thủy sản trong năm 2023.

Theo Dương Hưng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên