MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Mở hết room ngoại' cho tất cả công ty đại chúng: Còn ý kiến trái chiều

Giải thích về quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng là không hạn chế, kể cả với lĩnh vực ngân hàng, ông Bùi Hoàng Hải, UBCKNN cho rằng, quy định nêu trên là phù hợp với luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Trong đó có quy định, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng là không hạn chế, trừ một số ngành nghề mà điều ước quốc tế, pháp luật có quy định khác.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán hiện nay được quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, so với quy định hiện hành tại Nghị định số 60, dự thảo nêu trên đã bỏ mất cụm từ "trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác".

Quy định trên gây tranh cãi trong giới đầu tư, doanh nghiệp và các chuyên gia tài chính. Các ý kiến phản đối phần lớn đến từ giới ngân hàng với lo ngại "ẩn chứa rất nhiều rủi ro cho lĩnh vực ngân hàng".

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng và cho rằng quy định cần phải bổ sung thêm ý "thực hiện theo Điều lệ của công ty (tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Điều lệ công ty trong phạm vi giới hạn tối đa pháp luật quy định)". Hiện nay các quy định của pháp luật chỉ đưa ra các tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt quá một tỷ lệ nhất định chứ không quy định tỷ lệ này là cố định, theo đó các công ty có quyền quyết định một tỷ lệ khác nằm trong tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài do pháp luật quy định cho từng ngành, lĩnh vực.

Việc Điều lệ quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng là cơ sở để công ty cân nhắc được việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu lựa chọn cổ đông chiến lược, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư theo chiến lược phát triển của công ty.

Đứng trước những luận điểm nêu trên, UBCKNN vẫn bảo lưu quan điểm "mở hết cỡ room ngoại trong tất cả các công ty đại chúng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, ngay cả với lĩnh vực tài chính, ngân hàng".

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu COVID-19" tại Hà Nội ngày 21/10, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, UBCKNN cho biết, đến thời điểm hiện tại dự thảo vẫn giữ quan điểm bỏ cụm từ "trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác" với quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ về lý do bảo lưu quan điểm này, ông Hải cho biết, trước đây trong Nghị định 60 có đoạn "trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác" tuy nhiên trong dự thảo đã bỏ đoạn này để hướng tới sự minh bạch cho thị trường, đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam mà không phải lo ngại về những quy định riêng khác trong từng doanh nghiệp.

"Khi lên kế hoạch đầu tư vào doanh nghiệp, nhà đầu tư phải nghiên cứu thị trường, đưa ra phương án trình lên để từ đó có cơ sở đồng ý đầu tư hay không. Tới khi có quyết định đầu tư rồi nhưng lại bị vướng quy định tại điều lệ các công ty sẽ khiến cho nhà đầu tư cho rằng thị trường thiếu minh bạch", ông Hải nói.

Ông Hải nhấn mạnh, việc điều lệ công ty có những quy định riêng khác về tỷ lệ sở hữu nước ngoài làm trầm trọng thêm tính không minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại. Căn cứ vào Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các hiệp định, điều ước đều có quy định "không phân biệt, hạn chế loại nhà đầu tư trong tự do tiếp cân thị trường" thì quy định nêu trên là đúng với luật pháp Việt Nam, cũng như điều ước quốc tế.

Ngoài ra việc các doanh nghiệp hạn chế room ngoại là hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông. "Rõ ràng đưa ra một mức hạn chế nhà đầu tư nước ngoài là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông, bởi thay vì có thể chuyển nhượng cổ phiếu cho cả nhà đầu tư ngoại thì lại bị hạn chế chỉ chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước với tỷ lệ nhất định", ông Hải nói.

Ông Hải cho biết đã nhận được các ý kiến trái chiều xung quanh quy định nêu trên. Đến lúc này UBCKNN đang đợi ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để đưa ra quyết định có hay không điều chỉnh Nghị định khi ban hành.

Về lo ngại, nếu không được quyền tự quyết room ngoại trong điều lệ công ty, sẽ có những doanh nghiệp lách luật bằng cách bổ sung những ngành nghề hạn chế room ngoại trong giấy phép hoạt động, ông Hải cho biết, đúng là có thể doanh nghiệp sẽ dùng cách này. Tuy nhiên, với những quy định sắp tới được áp dụng thì muốn lách luật cách này cũng không đơn giản.

Cụ thể, hiện quy định về các ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài do các bộ cấp phép. Tuy nhiên, sắp tới ở cấp Chính phủ mới được quy định danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận của nhà đầu tư ngoại. "Cùng với đó là danh mục các ngành nghề giới hạn room ngoại sắp tới sẽ ngắn đi rất nhiều so với thời điểm hiện tại để phù hợp với các quy định quốc tế mà chúng ta đã ký", ông Hải nhấn mạnh.

N.Thoan

Theo Nhà đầu tư

Trở lên trên