MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phản hồi đơn "kêu cứu" của nhóm cổ đông Bông Bạch Tuyết

27-09-2018 - 09:03 AM | Doanh nghiệp

Được biết, vấn đề lớn và quan trọng nhất của ĐHĐCĐ Bông Bạch Tuyết lần này là về tài sản đất đai, nhà xưởng của Công ty đang bị kê biên phát mãi liên quan đến khoản nợ đối với Maritimebank, nhưng lại không được đưa vào nội dung thảo luận và nghị quyết.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có văn bản phản hồi lại ý kiến nhóm cổ đông Bông Bạch Tuyết (BBT) liên quan đến những sai phạm trong quá trình tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. 

Chi tiết vấn đề, ngày 21/9/2018, UBCKNN đã công bố văn bản số 6508/UBCK-TT, cho biết đã tiếp nhận ý kiến của bà Hà Thị Oanh và nhóm cổ đông tố cáo Bông Bạch Tuyết đã sai phạm trong quá trình triệu tập họp và thông qua quyết định của ĐHĐCĐ thường niên. Hiện, UBCKNN đang xem xét nội dung phản ánh trong đơn theo quy định của pháp luật. Trong đó, trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, UBCKNN cho biết sẽ xử lý vi phạm theo quy định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử ủy ban.

Cổ đông nhỏ lên tiếng đòi quyền lợi

Được biết, tại đại hội nhiều cổ đông cũng đã có ý kiến bức xúc trực tiếp phản đối và tranh luận xoay quanh những tờ trình bổ sung mới cũng như quá trình triển khai và thông báo đến cổ đông thông tin đại đội. Ngay sau ĐHĐCĐ, nhóm cổ đông Bông Bạch Tuyết đã viết đơn kêu cứu, tố cáo Công ty có nhiều bất thường trong việc tổ chức họp ĐHĐCĐ lần 3 năm 2018.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phản hồi đơn kêu cứu của nhóm cổ đông Bông Bạch Tuyết - Ảnh 1.

Cổ đông phản ứng tại ĐHĐCĐ thường niên Bông Bạch Tuyết.

Đơn từ nhóm cổ đông này nêu, ĐHĐCĐ lần 3 năm 2018 Bông Bạch Tuyết có 47 cổ đông tham dự, đại diện gần 40% vốn điều lệ, và cổ đông lớn nhất là Dệt May Gia Định (Giditexco) chiếm tỷ lệ 30%. Đáng chú ý, phần vốn của Giditexco được chia đều cho 4 người đại diện sở hữu, đồng thời cũng là thành viên HĐQT của Bông Bạch Tuyết kiêm đảm nhiệm vị trí thành viên ban tổ chức ĐHĐCĐ. Trong đó, trưởng ban tổ chức là ông Đoàn Văn Sơn – Chủ tịch HĐQT Bông Bạch Tuyết - đã không xây dựng dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình, nội dung cuộc họp; không gửi kèm phiếu biểu quyết cho các cổ đông biết trước cuộc họp, trong khi có đến 10 nội dung cần thảo luận thông qua.

Điều này theo quan điểm của nhóm cổ đông là trái với điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp năm 2014. Bởi, để số cổ đông có quyền tham gia biểu quyết nội dung nghị quyết là rất thấp, không đảm bảo tính đại diện trong công ty đại chúng. Điều này chỉ có lợi cho cổ đông lớn là Giditexco và đồng thời trực tiếp gây thiệt hại cho các cổ đông nhỏ, đơn phản hồi ghi nhận.

Nhóm này cũng nói thêm, trong quá trình diễn ra đại hội, thay vì tiến hành thảo luận biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình cuộc họp, ban tổ chức lại đưa tất cả các nội dung cần thảo luận và biểu quyết vào chung một phiếu dẫn đến việc các cổ đông không được thảo luận nhiều nội dung trong chương trình. Điều này cũng trái với điều lệ Bông Bạch Tuyết và Luật Doanh nghiệp. Dẫn đến, nhóm cổ đông nghi ngờ ban tổ chức cố tình nhanh chóng thông qua nghị quyết đại hội, có lợi cho cổ đông lớn.

Mặt khác, nhóm cổ đông này cũng đặt vấn đề, tại điều 13 của Nghị quyết còn ghi nhận rằng: "Nghị quyết đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 Công ty Bông Bạch Tuyết đã thông qua với tỷ lệ tán thành 100% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp"; trong khi thực tế, các cổ đông phản ánh, thực tế tại cuộc họp đã có rất nhiều cổ đông biểu quyết không tán thành nghị quyết.

Mọi lùm xùm đều xoay quanh vấn đề phát mãi tài sản

Được biết, vấn đề lớn và quan trọng nhất của ĐHĐCĐ Bông Bạch Tuyết lần này là về tài sản đất đai, nhà xưởng của Công ty đang bị kê biên phát mãi liên quan đến khoản nợ đối  với Maritimebank, nhưng lại không được đưa vào nội dung thảo luận và nghị quyết.

Trước khi diễn ra đại hội, trong tháng 5 Cục thi hành án dân sự Tp.HCM đã thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là toàn bộ quyền sử dụng đất (đất thuê 50 năm thanh toán tiền 1 lần) và toàn bộ quyền sở hữu công trình, nhà xưởng trên đất tại lô B52-53-54/I đường 2E, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh (Tp.HCM) thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Bông Bạch Tuyết với giá khởi điểm tài sản đấu giá là 86,21 tỷ đồng. Đây là hậu quả của việc chủ nợ ngày càng gia tăng áp lực tại Công ty, tính đến tháng 10/2017, số dư công nợ tồn động phải trả của Bông Bạch Tuyết là 40 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 500 triệu đồng, còn lại là nợ lãi trong bản án của CTCP Bibica, Maritimebank, Công ty Xăng dầu Phong Quân và lãi chậm trả tiền nộp Ngân sách Nhà nước).

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phản hồi đơn kêu cứu của nhóm cổ đông Bông Bạch Tuyết - Ảnh 2.

Ông Đoàn Văn Sơn – Chủ tịch HĐQT Bông Bạch Tuyết phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2018.

Chính thức trả lời bức xúc cổ đông tại đại hội, Chủ tịch Bông Bạch Tuyết phân trần thời gian qua Công ty luôn có một nhân viên làm việc trực tiếp với Maritimebank liên quan đến việc thu hồi nợ thời gian qua. Tuy nhiên, mới đây Bông Bạch Tuyết phải đi đến kết cục bị phát mãi tài sản. Thực tế, lý do khách quan bởi Maritimebank cũng đang tái cơ cấu nợ nên hai bên chưa đạt được thỏa thuận. Ban đầu chưa có việc phát mãi tài sản, tuy nhiên trong quá trình thương thảo mới phát sinh đến công tác này, Chủ tịch nói.

Cổ đông đồng loạt ý kiến không để phát mãi tài sản

Trước phản hồi trên từ phía Chủ tịch là ông Sơn, các cổ đông nhỏ đã đồng loạt yêu cầu ban tổ chức phải bổ sung ngay vào nội dung thảo luận để ra nghị quyết trong đại hội kỳ này. Theo các cổ đông: "Nếu đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị bị phát mãi hết đồng nghĩa với việc tài sản và lợi ích của của cổ đông cũng bị bán hết, thì đại hội có bàn phương hướng chiến lược gì cũng chỉ là vô nghĩa."

Do đó, nhiều cổ đông cho rằng, HĐQT đã thiếu sót trong việc thay đổi người xử lý nợ, dẫn đến tài sản bị phát mãi, thậm chí cho thấy dấu hiệu trục lợi của nhóm lợi ích. Cuối cùng, cổ đông có yêu cầu phải có nghị quyết không để tài sản Công ty bị phát mãi, nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông, Công ty cũng như người lao động. Đồng thời, nhóm cổ đông cũng kiến nghị HĐQT phải tạo điều kiện cho ban Tổng Giám đốc là những người có kinh nghiệm xử lý nợ nhiều năm qua tiếp tục xử lý nợ đối với Maritimebank.

Hiện, không chỉ gửi đơn lên UBCKNN, nhóm cổ đông Bông Bạch Tuyết cũng đã viết đơn "kêu cứu" lên Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội, đồng thời, gửi đơn kiện lên Tòa án Nhân dân quận Tân Bình yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 13/8.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên