MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thực hiện chức năng gì?

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập theo Nghị quyết 09 của Chính phủ, còn việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sẽ được Chính phủ quyết định bằng hình thức Nghị định của Chính phủ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng giao Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban.

Hiện ông Nguyễn Hoàng Anh là Chủ tịch Ủy ban.

Trước đó, Bộ Chính trị đã đồng ý thành lập cơ quan chuyên trách với tên gọi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Bộ Nội vụ, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh  nghiệp từ phân tán sang tập trung theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiế tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thì việc quyết định thành lập Ủy ban cần thực hiện trước một bước để xác định rõ đầu mối phối hợp với các bộ ngành liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Ủy ban.

Phương án này sẽ đáp ứng được yêu cầu rút ngắn về thời gian thành lập Ủy ban trong điều kiện hiện nay, đồng thời vẫn bảo đảm khung pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban được quy định bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật như đối với các cơ quan thuộc Chính phủ khác.

Tại phiên họp ngày 16/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, trong đó có thể hiện nội dung điều chỉnh các nghị định Chính phủ khác về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ (chuyển chức năng, nhiệm vụ của các Vụ Đổi mới doanh nghiệp về Ủy ban).

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, dự kiến, Chính phủ sẽ thông qua Nghị định về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban trong quý II/2018.

Thứ trưởng Phương cũng khẳng định mô hình của Ủy ban này khác với SCIC. Trong khi SCIC chỉ là một mô hình về quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước, thì Ủy ban quản lý tổng thể (tổng tài sản Ủy ban này quản lý là khoảng 5 triệu tỷ đồng, một con số rất lớn), là định chế bao trùm, có những văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xây dựng bao quát toàn bộ vấn đề này.


Theo Thành Đạt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên