Vá “lỗ hổng” đăng ký kinh doanh để chống gian lận thuế
Quy định cấp phép thành lập doanh nghiệp hiện đang rất thông thoáng theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đã có trường hợp lợi dụng cơ chế này để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế, tiền hoàn thuế.
Lập 116 công ty trong vài tháng
Vừa qua, bằng nghiệp vụ rà soát, kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện chỉ trong thời gian ngắn, một cá nhân thành lập đến 116 công ty tại TP. Hồ Chí Minh và đăng ký với tên nước ngoài, trong đó tập trung nhiều nhất tại quận Tân Bình với 22 doanh nghiệp, tiếp theo là quận Tân Phú với 15 doanh nghiệp.
Trước khi phát hiện ra trường hợp này, cá nhân trên cùng một nhóm đối tượng khác đã bị Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam về các tội "rửa tiền", "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Chia sẻ về vụ việc, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay quy định cấp phép thành lập doanh nghiệp rất thoáng. Do vậy, thời gian qua nhiều trường hợp đã lợi dụng thành lập hàng loạt doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng…
Trước thực trạng này, sau khi doanh nghiệp thành lập, để được sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải hiện diện để đối chiếu căn cước công dân. "Một mặt vừa phổ biến chính sách pháp luật về thuế nhưng một mặt là để nhận diện, nắm bắt, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ", ông Nguyễn Tiến Dũng thông tin và cho biết, cơ quan thuế đang tiếp tục rà soát và mở rộng ra cả những cá nhân có nhiều doanh nghiệp, không riêng trường hợp này. Tới đây, quy định sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, tránh trường hợp lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp nhưng chỉ để mua, bán hóa đơn.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất hồ sơ và chuyển sang cơ quan điều tra 3 doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền khoảng 700 tỷ đồng. Việc xuất hiện nhiều "doanh nghiệp ma" lợi dụng hóa đơn điện tử để trục lợi, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về thuế và nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước.
Cần khung pháp lý rõ ràng hơn
Theo một chuyên gia kinh tế đánh giá, trường hợp trên rõ ràng ngay từ đầu chủ doanh nghiệp đã "có ý đồ" khi lập hàng trăm doanh nghiệp và đặt tên nước ngoài nhằm thực hiện hành vi gian dối. Điều này ảnh hưởng đến việc quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp của các cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp thành lập doanh nghiệp chỉ để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, gây áp lực cho cơ quan thuế trong công tác quản lý hóa đơn, chứng từ, đồng thời làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước.
Nhằm cảnh báo người nộp thuế không sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trục lợi, cơ quan thuế tại một số địa phương đã có thông tin cảnh báo, nhận diện “doanh nghiệp ma” sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Theo đó, dấu hiệu đầu tiên là nhận diện thông qua loại hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân; lợi dụng ngành nghề kinh doanh là dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại, hoặc những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định hay phải được cấp chứng chỉ nghề nghiệp (bất động sản, du lịch…); đăng ký địa chỉ giao dịch tại các trung tâm, văn phòng ảo hoặc thậm chí những địa chỉ không tồn tại. Bên cạnh đó, "doanh nghiệp ma" có thể thành lập ở các khu vực có điều kiện dân trí không cao, thuê trụ sở trong thời gian ngắn; thời gian hoạt động của một doanh nghiệp thường khá ngắn.
Trên phương diện pháp lý, Luật sư Mai Thanh Bình, Công ty TNHH Luật Mai Thanh Bình cho biết, hiện nay không thể trả lời chính xác là số doanh nghiệp mỗi người có thể được thành lập tối đa là bao nhiêu, nhưng nếu chỉ thành lập công ty TNHH một thành viên, góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần thì số lượng công ty được thành lập là không giới hạn. Bởi trong trường hợp này, chủ công ty hay thành viên doanh nghiệp chỉ cần chịu trách nhiệm về số vốn đã góp vào công ty hay tỷ lệ cổ phần đang sở hữu.
Luật sư Mai Thanh Bình cho rằng, các quy định về thành lập doanh nghiệp trong thời gian tới cần rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật; quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cần chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp; đồng thời quy định rõ thời gian tối thiểu mỗi lần thành lập doanh nghiệp do một người đứng tên để tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan như hiện nay.
Để chống gian lận thuế, một mình cơ quan thuế sẽ khó lòng làm nổi, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, trong đó có đơn vị cấp phép thành lập doanh nghiệp. Việc cấp phép thành lập doanh nghiệp nên có sự rà soát ngay từ khâu đăng ký, thủ tục có thể chậm một chút nhưng chắc còn hơn "thả gà ra đuổi", một chuyên gia khẳng định.
Thời báo ngân hàng