MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vắc-xin và thuốc là chiến lược lâu dài

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hiện nhiều nước trên thế giới đã xác định quan điểm "sống chung", thích ứng với dịch bệnh nên vắc-xin và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài.

Chiều 1-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ, làm việc với 70 nhà khoa học; các giáo sư, bác sĩ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành y tế, các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu ngành y dược học; đại diện các hội đồng khoa học và cơ quan quản lý khoa học ngành y tế.

Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cần tuân thủ nghiêm ngặt

Nhân dịp Quốc khánh và sau gần 2 năm bền bỉ, kiên cường phòng chống dịch Covid-19, thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước, Thủ tướng Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt này nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với đội ngũ y, bác sĩ, các nhà khoa học trong sự nghiệp khoa học và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thủ tướng mong muốn lắng nghe thêm ý kiến của các nhà khoa học, nhất là trong phòng chống dịch Covid-19, nhằm đưa ra những giải pháp phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Tại cuộc họp, nhiều nhà khoa học bày tỏ quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp y học nước nhà, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Trong thực tế, nhiều nhà khoa học đang có những đóng góp tích cực trong công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Các nhà khoa học khẳng định chủ trương phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ đang chỉ đạo là đúng hướng như việc đẩy mạnh công tác xét nghiệm, bóc tách các F0, F1, bảo vệ vùng xanh và điều trị các bệnh nhân… Để việc phòng chống dịch hiệu quả hơn, các nhà khoa học cũng đề xuất một số vấn đề như: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch theo chiến lược "5K + vắc-xin + thuốc + công nghệ"; tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 trong nước, trong đó có vắc-xin cho trẻ em.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng góp ý việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cần tuân thủ nghiêm ngặt trên cơ sở khoa học, bảo đảm an toàn. Đồng thời, thực hiện kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền trong điều trị bệnh nhân Covid-19; cần có thêm chính sách, trang bị an toàn cho lực lượng chi viện cho vùng dịch và chính sách để huy động y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch. Ngoài ra, các nhà khoa học đề nghị tiếp tục nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình dịch để có chiến lược, kịch bản phòng chống và thích ứng với dịch trong thời gian tới.

Vắc-xin và thuốc là chiến lược lâu dài - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà khoa học, bác sĩ, lãnh đạo ngành y tếẢnh: Nhật Bắc

Sẽ có chính sách tốt nhất cho đội ngũ nhà khoa học

Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn mỗi cá nhân, tập thể các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y tế trong và ngoài nước phát huy truyền thống lâu đời và với kinh nghiệm, sự tâm huyết, trách nhiệm tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xác định quan điểm "sống chung", thích ứng với dịch bệnh. Do đó, vắc-xin và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài. Thủ tướng gợi ý với giới giới chuyên môn về việc nghiên cứu, kết hợp hiệu quả giữa Đông y và Tây y trong phòng chống dịch, nhất là trong công tác điều trị và phát triển các loại dược liệu. Phát huy hơn nữa sự kết hợp giữa quân y với dân y. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là các nền tảng khám, chữa bệnh từ xa hiện có.

Thủ tướng cho biết trước tình hình khan hiếm vắc-xin và thuốc chữa Covid-19 hiện nay, đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia tận dụng tối đa sự liên kết với mạng lưới các nhà khoa học, các tổ chức khoa học trên thế giới để tìm kiếm các nguồn cung vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 cho Việt Nam và hướng dẫn khám chữa bệnh Covid-19 cho nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Thủ tướng cũng mong mỏi các chuyên gia, nhà khoa học phát huy hơn nữa vai trò và uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp chống dịch của Chính phủ. Làm sao để dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng, dân cùng làm.

Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách, nguồn lực, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho đội ngũ các nhà khoa học yên tâm cống hiến. Thủ tướng tin tưởng các nhà khoa học ngành y sẽ tiếp tục truyền thống của thế hệ đi trước với trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng cống hiến để thắp sáng ngọn đuốc tìm tòi, khám phá, sáng tạo, phát minh vì sức khỏe của cộng đồng.

Thư kêu gọi chung sức chống dịch

Ngày 1-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có thư kêu gọi các tổ chức, các nhà khoa học trong lĩnh vực sức khỏe tiếp tục đồng hành, chung sức phòng chống dịch Covid-19.

Bức thư có đoạn: "Chúng ta cũng không thể cầm lòng khi hình ảnh đồng đội, những "chiến sĩ áo trắng" trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, dù đã kiệt sức nhưng quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, của cộng đồng".

Hơn lúc nào hết, sự chung tay hơn nữa của đội ngũ các nhà khoa học là rất cần thiết để cùng phát huy sáng tạo, cùng hành động, để có thêm các sản phẩm, giải pháp hữu hiệu hơn nữa phục vụ công tác phòng chống dịch và bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn cho đội ngũ nhân lực tham gia chống dịch... Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể, nhà khoa học trong hệ thống nghiên cứu khoa học lĩnh vực sức khỏe trong và ngoài nước tiếp tục chung sức, đồng lòng đề xuất những giải pháp và hành động thiết thực, khả thi và hiệu quả với chi phí hợp lý.

Theo Thế Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên