MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vaccine minh bạch

Vaccine minh bạch

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, công khai, minh bạch là những yếu tố quan trọng giúp chúng ta vượt qua đại dịch COVID-19.

Công khai, minh bạch

Bên lề Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV, trả lời phóng viên về việc kiên định thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu (đại biểu đoàn Thái Bình) cho rằng chống dịch và triển kinh tế là hai vấn đề song hành.

"Hai vấn đề luôn luôn phải song hành. Cái trọng tâm thì chỉ có thể là thay đổi theo thời gian đâu đó nhấn mạnh hơn, chống dịch hay phát triển kinh tế. Vì chống dịch tốt bản thân góp phần phát triển kinh tế, và phát triển kinh tế cũng giành nguồn lực cho chống dịch", ông Hiếu cho biết.

Vaccine minh bạch - Ảnh 1.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu (đại biểu đoàn Thái Bình)

Theo ông Hiếu, công tác chống dịch cần cố gắng hạn chế tối đa đến việc phát triển kinh tế. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nêu ra thực tế rằng thời gian qua, có nhiều địa phương khác nhau áp dụng những yêu cầu khác nhau về xét nghiệm, hay điều kiện đi lại của người dân, lái xe…

Ông Hiếu cho rằng sự khác nhau này là không cần thiết và không đáng có. Bởi việc nơi này yêu cầu xét nghiệm theo cách này, nơi kia lại yêu cầu xét nghiệm theo cách kia gây ra rất nhiều cản trở, khó khăn trong việc giao thương, đi lại chính đáng của người dân.

"Chính phủ nên chỉ đạo và các địa phương nên hợp tác với nhau theo nguyên tắc thừa nhận và công nhận lẫn nhau. Ví dụ tỉnh này đã thừa nhận thì tỉnh khác phải thừa nhận bởi sự khác biệt là không cần thiết và không hợp lý. Điều này gây ra hậu quả rất lớn như ách tắc giao thông hàng hoá, hay ách tăng trong việc đi lại", ông Hiếu nhấn mạnh.

Vaccine minh bạch - Ảnh 2.

Theo ông Hiếu, những yêu cầu khác nhau về xét nghiệm, hay điều kiện đi lại của người dân, lái xe… gây hậu quả như ách tắc giao thông hàng hoá, hay ách tăng trong việc đi lại

Theo ông Hiếu, chúng ta cần phải có sự minh bạch trong vấn đề này.

Ông Hiếu lấy ví dụ nếu tôi muốn đi đến tỉnh A thì ở đấy yêu cầu tôi đáp ứng những điều kiện gì? Theo ông Hiếu, hiện nay rất khó để tiếp cận, và ngay cả khi có thông tin cũng rất khó để dám chắc rằng việc đáp ứng điều kiện trên thông tin đó khi đến đấy có được giải quyết không.

"Do đó cần minh bạch hóa toàn bộ các yêu cầu điều kiện, đặc biệt là đối với vận tải hàng hóa cho mọi doanh nghiệp chuẩn bị, còn không thì rất rủi ro. Cụ thể gồm những điều kiện gì, thậm chí phải dự liệu những tình huống phát sinh để giải quyết", ông Hiếu nhấn mạnh.

Nói thêm về sự minh bạch, ông Hiếu đã đề cập đến chiến lược tiêm vaccine – một trọng tâm trong công tác phòng chống COVID-19 . Ông Hiếu cho rằng trong chiến lược này, một kế hoạch cụ thể có tầm quan trọng không kém.

Vaccine minh bạch - Ảnh 3.

Ông Hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của một kế hoạch tiêm vaccine công khai với từng người dân

"Chúng ta phải có một kế hoạch tiêm vaccine rất chi tiết như: Việc phân bổ nguồn vaccine, cũng như đối tượng được tiêm…. Kế hoạch đó cần được công khai với từng người dân, cũng như mang tính dài hạn.

Tại sao điều này lại quan trọng bởi khi người dân được biết kế hoạch chi tiết thì họ có thể xây dựng được kế hoạch cá nhân trong hoạt động sinh sống, làm việc. Doanh nghiệp cũng xây dựng được kế hoạch sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh", ông Hiếu phân tích.

Kế hoạch tiêm vaccine cần được công khai với từng người dân

Vaccine cho doanh nghiệp

Phân tích sâu hơn về khía cạnh kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng Chính phủ đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Cắt giảm nhiều chi phí, tạm hoãn các nghĩa vụ tài chính… Song theo ông Hiếu, đâu đó lại đang có một số địa phương đã dự kiến ban hành những quy định làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

"Tôi đề nghị Chính phủ trong điều kiện hiện nay không nên ban hành bất cứ một quy định nào làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thậm chí có thể xem xét những quy định yêu cầu gia tăng chi phí song trong bối cảnh hiện này nó không còn hợp lý nữa", ông Hiếu đề xuất

Ví dụ một số yêu cầu với hãng vận tải về việc lắp đặt các thiết bị. Song hiện xe khách không chạy. Nên có thể ban hành việc dừng, không áp dụng trong áp dụng trong một thời gian đủ dài để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ông Hiếu cũng đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ có thể cân nhắc việc cắt giảm hay thôi không áp dụng thuế VAT với những thiết bị phòng chống dịch.

Vaccine minh bạch - Ảnh 4.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, cần thêm những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mang tính chất thị trường

Ngoài ra theo ông Hiếu, trong bối cảnh khi chúng ta đang có nhiều biện pháp hỗ trợ thì nên tính nhiều hơn các biện pháp mang tính chất thị trường.

Ví dụ như vấn đề về tín dụng, chúng ta đã tiến hàng hạ lãi suất, đó là một tín hiệu tốt. Nhưng chúng ta hạ lãi suất mà không kiểm soát được dòng tín dụng thì có thể nảy sinh vấn đề nợ xấu, chi phí không đúng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nên có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mang tính chất thị trường

Ông Hiếu cho rằng thay vì ngân hàng cấp nợ, tại sao không khuyến khích ngân hàng mua những cổ phần trong doanh nghiệp. Những biện pháp này mang tính chất thị trường hơn sẽ giúp nguồn lực đến được đúng nơi mà nó cần. Tránh được hiện tượng doanh nghiệp khó khăn đến mức nhận được hỗ trợ thì họ cũng vẫn rút lui khỏi thị trường thì nguồn lực sẽ bị phân tán.

"Điều này giảm được nhiều nguy cơ 2 mặt của những chính sách tài khóa ngắn hạn", ông Hiếu phân tích.

Những gói hỗ trợ lớn hơn

Cũng đề cập về các gói hỗ trợ, bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng với việc cắt giảm nhiều điều kiện cũng như xác định đúng đối tượng trong thực tiễn, gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 đã đi nhanh vào cuộc sống sơn. Hiện các đối tượng ở nhiều địa phương đã được nhận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Ngân hàng trong việc cắt giảm lãi suất, hoãn nợ… Thời gian gần đây, các ngân hàng đã có những động thái giảm lãi suất cho vay. Đây là những biện pháp rất tốt, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp.

Ngoài ra thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt mức 58% dự toán ngân sách, đây là một dư địa tốt để Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa trong việc giãn, hoãn các khoản như thuế, thuế đất…. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Vaccine minh bạch - Ảnh 5.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của những gói hỗ trợ lớn hơn

Song theo đại biểu Cường, những hỗ trợ hiện nay cũng chỉ mang tính chất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Còn nếu muốn doanh nghiệp bứt phá hơn nữa có lẽ chúng ta cần gói những gói cứu trợ cao hơn nữa.

"Đặc biệt là những gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp thay đổi được cấu trúc, thay đổi chuỗi cung ứng, thay đổi quy trình sản xuất… Nếu làm được điều này sẽ không chỉ giúp chúng ta vượt qua đại dịch mà còn có thể tạo ra chuỗi cung ứng mới", ông Cường đề xuất.

Theo Thùy An

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên