Vaccine - “Thuốc tăng lực” cho thị trường bán lẻ Việt Nam
Các nghiên cứu cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng minh được sức bền cùng sức bật tốt vượt trội trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Covid-19 đã hình thành nên những xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời mở thêm cơ hội cho các thương hiệu trong và ngoài nước nhằm chiếm lĩnh “miếng bánh” thị phần 200 tỉ USD.
Dịch Covid không cản được đà tăng của bán lẻ
Tháng 4/2021, bán lẻ Việt đã có bước "đại nhảy vọt" khi tăng kỷ lục 30,92% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả ấn tượng ngay sau làn sóng Covid-19 lần 3 vào tháng 1/2021 này đã một lần nữa khẳng định đà tăng trưởng của bán lẻ hậu Covid-19 là tất yếu, không ngoài dự đoán. Lý giải cho những chỉ dấu tích cực này, các chuyên gia cho biết có 2 lý do chính: sức mua người tiêu dùng và sức đầu tư của doanh nghiệp bán lẻ.
Thứ nhất, tâm lý người dân đã thực sự ở trạng thái bình thường mới, ổn định và có biện pháp an toàn để sống chung với dịch bệnh. Thậm chí người dân đang có xu hướng "mua sắm trả thù" – chi tiêu bù cho những giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh. Theo báo cáo của Fitch Solution, triển vọng năm 2021, khi thu nhập của người dân ổn định trở lại thì các mặt hàng nhu yếu phẩm và vật dụng cao cấp sẽ hút chi tiêu. Bên cạnh đó, BMI cũng kỳ vọng mức tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình sẽ phục hồi mạnh lên 9.7% trong năm 2021.
Thứ hai, sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, đặc biệt với các doanh nghiệp nước ngoài. Số liệu của Savills Việt Nam cho thấy, dù chịu 2 "cú đánh" của Covid-19 vào các tháng 4 và 7/2020 nhưng công suất của các trung tâm thương mại (TTTM) và cửa hàng bách hóa trong năm 2020 đều duy trì ổn định ở mức 95 - 98%. Đặc biệt, hàng loạt thương hiệu quốc tế lớn như Uniqlo, Fila, Decathlon, Haidilao Hot Pot, The Faceshop… vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào hệ thống TTTM Vincom tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố đô thị loại I.
Thực tế, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có lĩnh vực bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thành tích đáng ghi nhận về kiểm soát Covid-19 càng giúp Việt Nam tạo tiếng vang, trở thành "điểm sáng" của thế giới.
Nhiều thương hiệu bán lẻ vẫn liên tục mở rộng hệ thống
Các chuyên gia tiếp tục kỳ vọng vào sức bật của bán lẻ sau đợt dịch lần thứ 4, đặc biệt khi Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin từ tháng 3/2021 và liên tục nhập các lô vắc xin mới. Sự xuất hiện của vắc xin sẽ giảm e ngại của người dân khi đến các nơi công cộng, "mở cửa" chi tiêu khi dịch bệnh lắng xuống. Theo dự báo được đưa ra cuối tháng 5/2021 của Trading Economics, doanh số bán lẻ tại Việt Nam năm 2021 dự kiến tăng 11%, vượt xa với các nước Đông Nam Á khác.
Xu hướng mới, cơ hội mới
Các chuyên gia cho rằng Covid-19 không chỉ là "phép thử" làm rõ nét hơn thói quen tiêu dùng mà còn là liều "thuốc tăng lực" kích hoạt thêm những xu hướng mới, tạo nên sự sôi động và sức bật mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam sau đại dịch.
Về xu hướng thị trường, các điểm đến "all-in-one" phục vụ mọi nhu cầu của người tiêu dùng tiếp tục chiếm ưu thế. Theo nghiên cứu "Bán lẻ Việt Nam" của Deloitte, các mô hình thương mại lớn, hiện đại đã vượt xa các mô hình truyền thống trong thời kỳ Covid-19. Điều này là do sự đa dạng của sản phẩm, thương hiệu, mang lại cho người tiêu dùng niềm tin rằng họ có thể mua sắm mọi thứ theo nhu cầu tại một địa điểm duy nhất nhằm giảm thiểu việc đi lại và tiếp xúc.
Chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Thị trường & Tiêu dùng nhận định thêm về xu hướng thị trường năm 2021, bán lẻ vẫn sẽ theo sát "dòng chảy" của các cộng đồng cư dân. Những nơi tập trung đông dân cư, giao thông thuận tiện, kết nối dễ dàng cũng chính là nơi nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí sôi động nhất.
"Như tại Hà Nội, khi khu vực nội đô cũ đã trở nên quá chật chội, nhu cầu thị trường khó có sự gia tăng đột biến thì các thương hiệu bán lẻ lớn có xu hướng dịch chuyển ra các đại TTTM ở các cực tăng trưởng mới của Thủ đô, điển hình như hệ thống Vincom Mega Mall tại Vinhomes Ocean Park (phía Đông) và Vinhomes Smart City (phía Tây). Cơ hội sẽ thuộc về những thương hiệu sớm chiếm lĩnh được các thị trường mới tiềm năng này", chuyên gia phân tích.
Chính vì vậy, các thương hiệu thời gian, ẩm thực và vui chơi sẽ đặc biệt phát triển trong năm 2021. Các TTTM với trải nghiệm khách hàng vượt trội sẽ trở thành điểm đến thu hút lượng lớn người tiêu dùng.
Mô hình mua sắm "tất cả trong một" ngày càng phát triển, tập trung ở khu vực đông dân cư
Xu hướng phát triển này cũng phản ánh xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Dù không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử sau dịch Covid-19, song các cửa hàng mua sắm truyền thống vẫn đem đến nhiều trải nghiệm không thể thay thế. Khảo sát của Deloitte vào tháng 2/2021 cho biết. người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng vào các trải nghiệm mua sắm thực tế tại cửa hàng truyền thống, thậm chí còn ưu tiên hơn cả các chương trình giảm giá. Đây là ưu thế "độc quyền" của các cửa hàng truyền thống, đặc biệt là các TTTM "all-in-one" đáp ứng mọi nhu cầu trải nghiệm.
Hiện tại, Việt Nam đang dồn mọi nguồn lực để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân với mục tiêu sẽ tạo miễn dịch cộng đồng ngay trong năm 2021. Khi đó, bán lẻ sẽ là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất do không còn rào cản từ việc giãn xã hội. Đây là cơ hội vàng để các thương hiệu mở rộng kênh bán hàng, nhanh chóng nắm bắt thị trường mới tiềm năng chưa được khai thác nhiều như các cực đô thị mới của thành phố lớn hay các đô thị loại I.