Vạch trần các thủ đoạn đưa phân bón giả trà trộn vào thị trường
Để sản phẩm phân bón kém chất lượng, phân bón giả có thể “tung hoành” trên thị trường, các nhà sản xuất đến người kinh doanh ở ĐBSCL đã tìm đủ mọi cách để qua mặt ngành chức năng và thu hút người nông dân vùng nông thôn.
Để cạnh tranh với các “ông lớn” đã định hình trong thị trường, các công ty, doanh nghiệp không ngần ngại đầu tư, thiết kế nhãn mác bắt mắt, xây dựng đội ngũ tiếp thị dày đặc với những lời quảng cáo như “rót mật vào tai”. Đặc biệt, các công ty chấp nhận hạ giá thành sản phẩm của mình xuống mức thấp để đánh vào tâm lí của người tiêu dùng…
Ngành chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì trong 3 năm qua, Sở Công thương tỉnh Trà Vinh đã phát hiện 69 mẫu phân bón giả, kém chất lượng, theo đánh giá cứ 10 mẫu phân có khoảng 4 mẫu không đạt (chiếm 40 %), công tác đã kiểm tra 1 công ty và 31 cửa hàng vật tư nông nghiệp. Có 13 mẫu phân bón được lấy gửi đi kiểm nghiệm, kết quả có 5 mẫu phân sai phạm.
Cụ thể, có 3 mẫu phân không đạt chất lượng gồm: Phân bón NPK 30-9-9+TE (Cty TNHH Hóa chất và Phân bón Đại Việt); phân bón NPK 20-20-15+TE (Cty TNHH Thương mại – Sản xuất Phước Hưng) và sản phẩm phân Siêu DAP PaRis 20.46 (Cty Châu Phú), cả 3 công ty trên đều có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh.
Còn tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay Đoàn liên ngành 389 đã hai lần ra quân lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng phân bón vô cơ. Kết quả đợt 1 cho thấy, lực lượng chức năng đã kiểm tra 31 cửa hàng kinh doanh phân bón. Lấy 77 mẫu phân gửi đi kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí nhà sản xuất công bố trên nhãn hàng hóa. Tất cả có 13 mẫu phân của 11 cửa hàng vật tư nông nghiệp không đạt chất lượng như công bố.
Tại đợt thanh tra gần đây nhất, kết quả kiểm nghiệm mẫu tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Yến Nhi (ấp Mỹ Phú, xã Tân Hội, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho thấy, đại lý này kinh doanh cùng lúc 3 sản phẩm phân bón vô cơ không đạt tiêu chuẩn.
Ông Đ., chủ một đại lý cung cấp phân bón cấp I trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Địa bàn tỉnh Hậu Giang có sản lượng cây ăn trái và diện tích trồng lúa lớn, chính vì thế nhu cầu sử dụng phân bón rất nhiều. Tuy nhiên, việc phân bón giả, kém chất lượng lại là vấn đề mà khiến cho chất lượng, cũng như năng suất cây trồng bị sụt giảm nghiêm trọng. Thế nhưng, ngành chức năng lại rất khó để kiểm soát và xử lí tình hình trên.
Thực tế, các công ty sản xuất phân bón ngày càng nhiều, có cả những công ty chỉ có địa chỉ văn phòng, không có nhà máy sản xuất cũng bán được sản phẩm ra ngoài thị trường. Nếu cạnh tranh công bằng, những công ty này không thể tồn tại. Nhưng họ có con đường đi riêng khiến những nhà sản xuất phân chân chính cũng gặp khó. Để cạnh tranh với các thương hiệu phân bón từ trước nay, các công ty này chấp nhận hạ giá thành để cạnh tranh, đồng nghĩa với việc chất lượng thành phần trong phân không đủ chất lượng.
Thực tế tìm hiểu, thường các nhà sản xuất phân này sẽ đi xuống kết hợp với 1 đại lý cấp 2 hoặc hợp tác với các nhà bao tiêu sản phẩm, tổ chức các hội thảo hoành tráng lấy lòng để người dân làm theo các quy trình.
Nhóm liên kết này sẽ ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân cao hơn giá trị trường, sau đó đưa các nhãn hiệu phân Đ, C, F gì đó từ trên thẳng xuống, bà con đổ ào xuống ruộng là sạch sẽ dấu vết. Cơ quan chức năng cũng chẳng thể quản lý do họ đưa xuống theo hình thức nhỏ giọt. Dưới 20 bao, không đủ số lượng thì không bốc mẫu kiểm định được.
Nắm bắt tâm lý của bà con thường hướng đến những nhãn hiệu phân Thái, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc... nên chúng thường dùng các nhãn hiệu phân nước ngoài. Hoặc một hành vi khác cũng rất phổ biến là trộn sản phẩm giá rẻ vào sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán lẻ, hành vi này rất khó phát hiện và xử lý.
Ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long, cho biết: Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tại địa phương ngày càng phức tạp với các hình thức tinh vi hơn, đủ chiêu trò để qua mặt ngành chức năng. Đặc biệt, các “cánh tay” là đại lí cấp 2, 3 là mấu chốt của vấn đề, để có được khoản chênh lệnh lợi nhuận họ sẵn sàng “vẽ” người dân sử dụng những mẫu phân bón kém chất lượng, phân giả. Còn phía người nông dân do phải trả chi phí theo kiểu “gối đầu” nên luôn có khoản nợ với chủ đại lí vì thế đành chấp nhận sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn của đại lí phân phối…
Công an nhân dân